Tìm cách khai phá thị trường mới

MAI PHƯƠNG| 16/06/2014 06:34

Doanh nghiệp (DN) TP.HCM đang tìm giải pháp hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc (TQ) cả về thị trường lẫn nguyên phụ liệu sản xuất.

Tìm cách khai phá thị trường mới

Doanh nghiệp (DN) TP.HCM đang tìm giải pháp hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc (TQ) cả về thị trường lẫn nguyên phụ liệu sản xuất.

Đọc E-paper

Ngày 9/6, UBND TP.HCM đã làm việc với 16 hội ngành nghề trên địa bàn TP, bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xuất nhập khẩu nguyện vật liệu phục vụ sản xuất. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ TP.HCM vào TQ trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 840 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2013.

Các mặt hàng chính của thành phố xuất sang TQ bao gồm máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt 275 triệu USD (giảm gần 30% so với cùng kỳ) và gạo đạt gần 110 triệu USD (giảm 4,6%).

Theo đó, gạo được xem là các mặt hàng có sự chuyển dịch thị trường mạnh trong năm 2014. Trước đây, thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này tập trung vào Philippines, TQ và Indonesia, nhưng hiện nay lại chuyển dịch mạnh sang thị trường Mỹ. Chỉ có hai mặt hàng thành phố xuất sang TQ tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm là rau quả đạt 98 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ và dệt may đạt 56,2 triệu USD với mức tăng 76,3% so với cùng kỳ 2013.

Hiện, TQ đang là thị trường chiếm đến 50% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, nên dự báo, hai mặt hàng này có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là rau quả tươi. Trước thực trạng này, đại diện các hội ngành nghề cho hay, DN tại TP.HCM sẽ tìm cách giảm bớt phụ thuộc TQ cả về thị trường lẫn nguyên phụ liệu sản xuất.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho biết, hội viên Hawa không thiếu đơn hàng, ở những tháng đầu năm 2014, thậm chí phải giảm bớt đơn hàng nội địa để tập trung cho đơn hàng xuất khẩu. Theo ông Hạnh, hiện nay nguồn gỗ nguyên liệu Việt Nam đã chủ động được 50%, phần lớn là tràm hoa vàng và cao su; 50% còn lại được nhập từ như Mỹ, châu Âu.

Ở thị trường TQ, Việt Nam chỉ nhập gỗ từ khoảng 300.000 USD/năm nên không bị ảnh hưởng nhiều. Còn theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, DN nhựa đang phụ thuộc rất lớn vào TQ, trong đó phụ thuộc đến 90% máy móc TQ và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa đều nhập từ TQ.

Thế nhưng, ông Việt Anh lại chia sẻ, trong khó khăn cũng có phần cơ hội cho DN Việt Nam. Cụ thể, nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ cho DN, đặc biệt là DN phụ trợ sản xuất ống đồng, bảng nhựa... hay DN có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ TQ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng, DN thành phố cần nghiên cứu mở thêm thị trường mới, khai phá thị trường trung gian. Đồng thời, các sở ngành cũng nên sớm tổ chức cho đại diện các hội trong nước và hiệp hội các DN nước ngoài đóng trên địa bàn TP.HCM gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm và trao đổi thông tin nhằm tìm kiếm thêm thị trường.

Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ DN trong việc đổi mới, tái cơ cấu hệ thống, máy móc sản xuất, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nên sớm triển khai hỗ trợ từ đây đến cuối năm 2014. Riêng về phía các DN cũng nên sớm rà soát lại nguồn gốc chuỗi cung ứng, dự trữ nguyên liệu để tránh bị động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm cách khai phá thị trường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO