Tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng cuộc sống chưa cao

28/05/2010 08:49

Hôm 27/5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng cuộc sống chưa cao

Hôm 27/5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng: "Cần hết sức tránh tình trạng quy định pháp luật có lợi cho các bộ, ngành thì triển khai rất nhanh, như thu thuế. Có lợi cho dân, như hỗ trợ dân gặp khó khăn thì triển khai chậm” - Ảnh: C.V.K

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp về chất lượng điều hành của Chính phủ, đề cập nhiều vấn đề bức xúc xã hội, đặc biệt là chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực với trẻ em...

Giá cả tăng, dân khó khăn

Đại biểu Võ Tuấn Nhân, Quảng Ngãi cho rằng báo cáo của Chính phủ chỉ tập trung về kinh tế mà chưa đánh giá rõ những vấn đề xã hội và môi trường. Ông Nhân nhấn mạnh trong những chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2009, tất cả có 25 chỉ tiêu nhưng Chính phủ không hoàn thành đến 8 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu về môi trường.

Khu công nghiệp, khu chế xuất có khu xử lý nước thải chưa đạt chỉ tiêu, theo ông Nhân, có thể gây tác động lớn. Chính vì những chỉ tiêu chưa đạt chủ yếu về chất lượng cuộc sống nên ông Võ Tuấn Nhân cho rằng tăng trưởng kinh tế chưa giúp chuyển biến tích cực chất lượng cuộc sống, đặc biệt số trẻ suy dinh dưỡng vẫn cao… Ông Nhân đề nghị Chính phủ cần phấn đấu hài hòa các chỉ tiêu để hướng đến phát triển bền vững, đồng thời, cần tập trung vốn đầu tư hiệu quả hơn chứ “hiện đầu tư chưa trọng tâm, trọng điểm”.

"Thu hút đầu tư cũng đang nhức nhối vì nhiều địa phương chỉ thấy lợi ích trước mắt, không tiên lượng hậu quả, như cấp phép khai thác khoáng sản, cho nước ngoài thuê rừng trong khi dân thiếu đất sản xuất, chuyển đất màu mỡ làm khu công nghiệp..."

Đại biểu Trần Hồng Việt, Hậu Giang 

"Hiện nhiều trường đại học, trung học chuyên nghiệp tuyển sinh khá dễ dàng trong khi cơ sở vật chất, giảng viên không tăng kịp để đảm bảo tăng chất lượng. Phải chăng ngành giáo dục đang chạy theo thành tích để hậu quả chất lượng đào tạo sinh viên phải chịu".

Đại biểu Ngô Thị Minh, Quảng Ninh

Ông Võ Tuấn Nhân nêu vấn đề ngư dân đang rất bức xúc vì bị tàu nước ngoài bắt giữ đòi tiền chuộc. Đề nghị Chính phủ có biện pháp hữu hiệu bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm, Bắc Ninh băn khoăn Việt Nam làm nhiều hàng hóa, dự kiến 2010 xuất khẩu lớn nhưng quan trọng là làm hàng gì, giá bán ra sao lại chưa làm tốt. “Giá bán gạo của Việt Nam thường thấp hơn 50-70 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan” bà Tâm cho rằng không hợp lý. Chỉ số hiệu quả đầu tư trên vốn (ICOR) đã đến 8, gấp 3 các nước trong khu vực nên bà Tâm cho rằng các chỉ tiêu khác đạt được cũng chưa thực sự phấn khởi. Bà Tâm đề nghị Chính phủ cần giải quyết nhanh nhất những bất cập trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Hồng Việt, Hậu Giang đánh giá báo cáo Chính phủ khá lạc quan và ấn tượng. Tuy nhiên, thực tế thì cần có phân tích thận trọng hơn. Về con số tăng tưởng, theo ông Việt nên đánh giá xem do nội lực hay nhờ cái gì khác. Riêng chỉ số ICOR, ông Việt cho rằng đã cao bậc nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Giảm dần việc xuất khẩu than

Tại kỳ họp này nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên cấm xuất khẩu than, trao đổi với báo chí về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: Than ngày càng cạn kiệt, vài chục năm tới nếu không có phát hiện mới sẽ rất khó khăn. Nên sử dụng than thế nào là câu chuyện liên quan đến an ninh năng lượng...

Từ năm 2009 trở về trước, ngành than khai thác vượt nhu cầu trong nước, giai đoạn 2008-2009 bình quân mỗi năm khai thác khoảng 40 triệu tấn than và trong nước chỉ sử dụng 20 triệu tấn. Có nhiều chủng loại than tốt mà trong nước chưa sử dụng đến, ví dụ để phát điện hay làm nhiên liệu cho các ngành khác thì lãng phí, trong khi có thể xuất khẩu với giá cao.

Hơn nữa, ngành than đang cần nhiều kinh phí, ngoại tệ để tái đầu tư cho nhu cầu của ngành than, từ máy xúc, máy ủi, xe tải lớn cho đến các nhà máy tuyển quặng…

Với tình hình hiện nay, theo tôi nghĩ Chính phủ đã chủ trương không thể kéo dài với mấy ý sau: thứ nhất, nguồn than ngày càng cạn kiệt; thứ hai, đảm bảo than cho các nhu cầu trong nước; thứ ba là việc tiếp tục xuất khẩu có thể dẫn đến một số tiêu cực do các biện pháp kiểm tra của chúng ta có mức độ…

Thời gian tới khai thác và sử dụng than như thế nào không chỉ là câu hỏi với riêng ngành than mà còn với các cơ quan quản lý nhà nước. Theo tôi thì chúng ta phải giảm dần việc xuất khẩu than, để dành than cho nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên việc giảm dần phải tính đến mức độ nhất định, vì chúng ta vẫn cần ngoại tệ trước hết cho ngành than, cho nên giảm đến mức nào và xuất khẩu loại than gì cần tính toán rất cụ thể.

* Lộ trình giảm dần việc xuất khẩu than sẽ như thế nào?

- Chúng tôi đã có chương trình dài hạn về khai thác và xuất khẩu than, theo đó 2015 trở đi, khi nhu cầu than trong nước tăng lên rất lớn với việc một loạt các nhà máy điện mới vào thì không những chúng ta không xuất khẩu được than mà sẽ phải nhập khẩu. Đó là bức tranh mà chúng ta hình dung đến hiện nay.

Tuy nhiên trong ngành than có đặc thù là một số chủng loại than chất lượng rất cao mà dùng trong nước thì lãng phí, thì có thể chúng ta vẫn xuất khẩu đồng thời với nhập một số chủng loại than chất lượng thấp hơn phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước…

Ông Việt nói việc thu hút đầu tư cũng đang nhức nhối vì nhiều địa phương chỉ thấy lợi ích trước mắt, không tiên lượng hậu quả, như cấp phép khai thác khoáng sản, cho nước ngoài thuê rừng trong khi dân thiếu đất sản xuất, chuyển đất màu mỡ làm khu công nghiệp...Ông Việt đặt câu hỏi với cơ quan chống tham nhũng liệu có tham nhũng ở cấp phép đầu tư đồng thời cảnh báo “Con cháu sau này sẽ phải chịu cái giá rất đắt cho tăng trưởng hôm nay của chúng ta”...

Ngoài ra, ông Trần Hồng Việt khẳng định thu nhập của dân Việt Nam không tăng kịp giá xăng dầu, thuốc chữa bệnh… Với lý do các cơ quan nhà nước đưa ra là vì giá thế giới tăng, ông Việt khẳng định dân VN không đủ sức theo giá thế giới. Việc cúp điện, theo ông Việt cũng đang ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, đời sống người dân. “Dân rất hoài nghi hoạt động điện lực VN” – ông Việt nói.

Bức xúc chuyện công nhân tăng giờ làm, tăng ca, điều kiện ăn ở quá tồi tệ, doanh nghiệp thì cứ nợ bảo hiểm, ông Việt phê phán nhiều nơi trải thảm mời nhà đầu tư nhưng chưa ai nói kiên quyết đấu tranh đảm bảo quyền lợi của công nhân.

Đại biểu Phương Thị Thanh, Phó đoàn đại biểu QH tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng thời gian qua giá xăng dầu, điện, ga, phân bón đều tăng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là đời sống người dân vùng sâu, vùng xa càng khó khăn. Bà Thanh hỏi giá vẫn tăng như hiện nay liệu Chính phủ có đảm bảo lạm phát năm nay ở mức 7% không? Bà Thanh cũng thông báo cử tri rất băn khoăn hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, theo bà Thanh, tỷ lệ hộ nghèo nhiều nơi chênh lệch lớn. Với cách hỗ trợ như hiện nay, bà Thanh cho rằng chưa tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững. “Theo chuẩn nghèo hiện tại với CPI hiện nay, đời sống người nghèo đang giảm xuống. Đề nghị Chính phủ bên cạnh quan tâm tăng trưởng, cần quan tâm chất lượng đời sống người dân” – bà Thanh nói.

Cần giảm khoảng cách giàu nghèo

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị, Nghệ An nêu những tồn tại lớn trong điều hành hiện nay để QH, Chính phủ giải quyết. Nhấn mạnh chính sách đất đai, ông Nhị cho rằng khiếu nại, tranh chấp đất đai đang chiếm trên 80% khiếu nại tố cáo của công dân, nhưng lại đang có mâu thuẫn pháp lý khiến dân bị đẩy vào tình trạng đi lòng vòng. Dân khiếu nại, Chính quyền đẩy dân sang tòa án, tòa án nói không thuộc thẩm quyền.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng cũng cho rằng trong điều hành của Chính phủ, phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội chưa hài hòa. Tại sao ICOR tăng lên nhanh chóng? Ông Vinh băn khoăn hiệu quả đầu tư không cao trong thời gian dài mà chưa tìm được giải pháp cụ thể để kiềm chế.

Trước thực trạng nông dân còn phàn nàn hàng giả rất nhiều trong phân bón, giống… ông Vinh đề nghị Chính phủ cho thí điểm xây dựng tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Khoảng cách giàu nghèo thể hiện sự bình đẳng trong xã hội đang giãn ra, ông Vinh yêu cầu Chính phủ cần có biện pháp đồng bộ rút ngắn khoảng cách. “Cần hết sức tránh tình trạng quy định pháp luật có lợi cho các bộ, ngành thì triển khai rất nhanh như việc thu thuế. Có lợi cho dân, như hỗ trợ dân gặp khó khăn thì triển khai chậm” - ông Vinh nói.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Quảng Ninh thì nhấn mạnh chất lượng giáo dục. Theo bà Minh, hiện nhiều trường đại học, trung học chuyên nghiệp tuyển sinh khá dễ dàng trong khi cơ sở vật chất, giảng viên không tăng kịp để đảm bảo tăng chất lượng. Phải chăng ngành giáo dục đang chạy theo thành tích để hậu quả chất lượng đào tạo sinh viên phải chịu.

Thực trạng nhiều sinh viên không xin được việc làm theo chuyên ngành đã đào tạo, ảnh hưởng đến thời gian tuổi trẻ, chi phí xã hội, bà Minh cho rằng các trường phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo. Với nhà nước, bà Minh hỏi “Tại sao cấp chỉ tiêu ngân sách theo đầu vào mà không đòi hỏi chất lượng đầu ra?”. Đề xuất Chính phủ nghiên cứu cấp ngân sách theo chất lượng đầu ra vì bà Minh cho rằng đông đảo học sinh, sinh viên không tìm được việc làm đang mất lòng tin vào Chính phủ nên đã gây nhiều bức xúc.

Cũng đề cập bất cập trong giáo dục, đại biểu Hoàng Thị Bình, Cao Bằng nhận xét đầu tư trong giáo dục chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Như chương trình kiên cố hóa trường lớp học, theo bà Bình, có xây trường nhưng không có phòng chức năng trong khi vẫn đầu tư thiết bị dạy học nhiều tỷ đồng. Có thiết bị nhưng không có phòng đã khiến thiết bị hỏng, chất đống, lãng phí.

Ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cũng cho biết cử tri đang rất quan tâm đến thực trạng đạo đức xã hội. “Vì sao giờ người ta chém giết nhau dễ dàng như vậy? Con cháu bạc đãi ông bà, cha mẹ, cha con dắt nhau ra tòa vì mảnh đất. Rồi truy bức, hành hạ trẻ em gây bức xúc lớn trong nhân dân. Bây giờ học sinh đánh nhau không chỉ bằng tay chân, mà còn hung khí. Không chỉ nam sinh mà cả nữ sinh đánh nhau. Thầy giáo cô giáo không dám nặng lời với học sinh, người ngay không dám nặng lời với kẻ gian”... Ông Tí yêu cầu cần đánh giá điều gì đang diễn ra làm băng hoại đạo đức xã hội.

Về tình trạng xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, bà Ngô Thị Minh lo lắng ngoài trường hợp như Hào Anh ở Cà Mau được biết đến, còn có trường hợp đánh đập trẻ đến chết, ta không bảo vệ được. “Trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng", bà Minh cho rằng một trong những nguyên nhân là chủ trương giải thể Ủy ban dân số gia đình trẻ em. Bộ máy Ủy ban bị chia ra, chuyển sang ba Bộ, cán bộ bị chia ra, vì vậy, đang thiếu cán bộ am hiểu bảo vệ chăm sóc trẻ em – bà Minh nói

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng cuộc sống chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO