Ngày càng khó vì “hàng rào” linh hoạt

Nguồn SGTT| 09/08/2009 07:20

Sáu tháng đầu năm 2009, ngành cao su mở thêm được 20 thị trường, nâng tổng số quốc gia nhập khẩu cao su Việt Nam lên 61 nước.

Ngày càng khó vì “hàng rào” linh hoạt

Sáu tháng đầu năm 2009, ngành cao su mở thêm được 20 thị trường, nâng tổng số quốc gia nhập khẩu cao su Việt Nam lên 61 nước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm gần 70% sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Chuyện “bỏ trứng một rọ” trong xuất khẩu cao su tạo ra nhiều rủi ro...

Mhiều năm qua, có đến trên 60% lượng mủ cao su xuất khẩu của Việt Nam là xuất sang Trung Quốc. Sáu tháng đầu năm nay, theo số liệu thống kê từ phía bộ Công thương, dù xuất khẩu cao su sang nhiều thị trường đều giảm khá mạnh, như EU âm 31,3%, Nhật âm 34,15%, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn có con số tăng trưởng dương, 6,3%. Trong số 357,2 triệu USD kim ngạch xuất khẩu cao su (tương đương 246.000 tấn), thì, thị trường Trung Quốc chiếm tới 67,5%, đạt 233,9 triệu USD. Và, Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm 2009, dự báo vẫn là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam.

Về lâu dài, theo một số ý kiến trong ngành, doanh nghiệp tham gia bán mủ cao su mậu biên phải nâng chất lượng mủ tương xứng với thị trường khác.

Khó chia “trứng”

Mặc dù “ăn” hơn phân nửa sản lượng cao su Việt Nam, nhưng, nhiều doanh nghiệp lại thừa nhận, không như trước đây, nay việc xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng gặp nhiều rủi ro; chủ yếu đến từ những thay đổi chính sách biên mậu của nước này. Bà Trần Thị Thuý Hoa, tổng thư ký hiệp hội Cao su Việt Nam nói: “Từ đầu năm 2009, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các chính sách kiểm soát, tựa như kiểu “hàng rào” linh hoạt để điều chỉnh lượng hàng cũng như giá xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường này”.

Dĩ nhiên, biện pháp này không vi phạm quy định WTO, vì chỉ áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam xuất qua biên mậu chứ không qua con đường chính ngạch. Một trong những “hàng rào” linh hoạt được Trung Quốc áp dụng gần đây nhất đó là, từ đầu tháng 3.2009, xuất khẩu cao su tiểu ngạch chỉ được phép qua cửa khẩu Móng Cái hoặc Lục Lầm (Quảng Ninh). Việc mua bán cao su phải được thanh toán qua ngân hàng chứ không theo phương thức “tiền trao, hàng xuất” như trước đây.

Theo bà Hoa, trong số 208 đơn vị xuất khẩu cao su, thì có đến 165 doanh nghiệp bán cho Trung Quốc. Tất nhiên, phương thức xuất khẩu nhiều nhất vẫn là giao hàng qua biên giới (DAF), chiếm tới 59% tổng lượng mủ xuất sang Trung Quốc. Do đó, khi Trung Quốc dựng lên rào cản, cũng là lúc xuất khẩu cao su mậu biên bị ngưng trệ, và chỉ được nối lại vào đầu tháng sáu vừa qua, vì lúc đó, doanh nghiệp hai bên mới tìm được ngân hàng bảo lãnh và thay đổi đường vận chuyển mủ cao su.

Trung bình mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ tới trên 2,5 triệu tấn mủ cao su thiên nhiên, chiếm 26% nhu cầu thế giới, thế nhưng nước này chỉ sản xuất được 500.000 tấn, còn lại hai triệu tấn phải nhập khẩu. Chính vì vậy, dù biết trắc trở, rủi ro khi bán cao su mậu biên, nhưng với lợi thế thị trường tiêu thụ rộng lớn, lại ở ngay cận kề, nên Trung Quốc vẫn là thị trường không thể thay thế trong cơ cấu thị phần xuất khẩu cao su Việt Nam.

Trong số 208 đơn vị xuất khẩu cao su, thì có đến 165 doanh nghiệp bán cho Trung Quốc.

Thích ứng với rào cản?

Ông Trịnh Văn Vĩnh, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần cao su Tây Ninh (TRC) kể, năm 1998, khi còn làm giám đốc công ty, ông đem 600 tấn mủ cao su ra cửa khẩu Móng Cái bán cho Trung Quốc nhưng thấy phương thức thanh toán quá rủi ro, hàng tới chờ nhiều ngày mới có người tới lấy nên sau chuyến đó ông “ngán” cho đến giờ.

Chính vì vậy, theo ông Vĩnh, việc quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc thời gian qua không ảnh hưởng đến kinh doanh của TRC, bởi thị trường chính của công ty hiện nay là khối EU, Nga, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và mới mở thêm Ấn Độ. Trong đó, lượng mủ chất lượng cao (latex) chiếm tới 75% tổng sản lượng xuất khẩu, bán với mức giá 1.150 USD/tấn (60% quy khô), tương đương 35 triệu đồng/tấn quy khô, trong khi nhiều loại mủ khác xuất qua Trung Quốc chỉ có 28 – 30 triệu đồng/tấn.

Câu chuyện của TRC chỉ là một ví dụ trong nỗ lực đầu tư công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường. Tất nhiên, trong tổng số 208 doanh nghiệp xuất cao su, số đơn vị làm được như TRC chỉ đến đầu ngón tay, tập trung ở những doanh nghiệp có tiềm lực thuộc tập đoàn, tổng công ty hay những đơn vị có thâm niên trong ngành… Số còn lại, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực yếu, mới nhảy vào kinh doanh, nên Trung Quốc vẫn là thị trường lựa chọn số một.

Vậy làm cách nào để giảm thiểu rủi ro, giúp doanh nghiệp thích ứng với “hàng rào” linh hoạt mà phía Trung Quốc áp dụng? Biện pháp trước mắt, theo bà Hoa, đó là hiệp hội Cao su Việt Nam hợp tác, trao đổi thông tin về cung cầu, sản lượng, giá xuất với hiệp hội ba nước xuất khẩu hàng đầu vào Trung Quốc là Thái Lan, Indonesia và Malaysia để tránh bị ép giá.

Bà Hoa cho rằng, cách làm này sẽ giúp các nước phân bổ sản lượng mủ xuất khẩu khớp với nhu cầu từng thời điểm của Trung Quốc. Ngoài ra, còn giảm thiểu sự chênh lệch quá lớn giữa giá xuất khẩu của từng nước, nhất là giá mậu biên ở Việt Nam với các nước. Bên cạnh đó, những chính sách thay đổi từ phía Trung Quốc phải được cơ quan chức năng của Việt Nam cập nhật, thông báo ngay cho doanh nghiệp biết, tránh tình trạng như hồi tháng 3 vừa qua, khi doanh nghiệp chở cao su ra mới biết cửa khẩu bị đóng…

Nếu nắm bắt sớm thông tin cung cầu, sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp “kéo” ồ ạt mủ ra cùng một thời điểm, để rồi bị ép giá.

Về lâu dài, theo một số ý kiến trong ngành, doanh nghiệp tham gia bán mủ cao su mậu biên phải nâng chất lượng mủ tương xứng với thị trường khác. Bởi, nếu cứ duy trì phương thức bán hàng theo kiểu để cho khách hàng Trung Quốc tự đánh giá chất lượng mủ, rồi tự trả giá thì phần thiệt thòi doanh nghiệp Việt Nam phải gánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày càng khó vì “hàng rào” linh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO