![]() |
Trong hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) TP.HCM dưới sự chủ trì của Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến và Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, cùng đại diện lãnh đạo thành phố diễn ra ngày 26/1, nhấn mạnh đến vấn đề nợ xấu.
Đọc E-paper
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và đảm bảo khả năng xử lý, cũng như các giải pháp được các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện, đặc biệt là nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động. Tuy nhiên, nợ xấu phát sinh và tồn tại có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động NH và nền kinh tế.
Nợ xấu được phân định khá rõ, thứ nhất là do thực hiện Thông tư 02 và Thông tư 09 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, theo đó việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.
>Áp Thông tư 02, sẽ có ngân hàng đổ vỡ?
Thứ hai việc đánh giá nợ xấu minh bạch và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với các TCTD có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng, nợ xấu tăng cao. Phần lớn nợ xấu trên địa bàn tăng trong thời gian gần đây, do phát sinh nợ xấu tại các TCTD này.
Điểm đáng lưu ý là xử lý tài sản đảm bảo (TSBĐ) nợ vay để thu hồi nợ vẫn là khó khăn tồn tại trong nhiều năm qua, nhất là đối với việc xử lý tài sản là nhà cửa, đất đai. Mặc dù đã có Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, song việc xử lý TSBĐ nợ vay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các khoản vay mà khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ.
Bên cạnh đó, thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản, thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí cho TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ nợ vay để thu hồi nợ.
Mục tiêu năm 2015 của NHNN là tiếp tục tập trung giải quyết nợ xấu với hai giải pháp quan trọng: Đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ và tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đồng thời tính đến phương án sáp nhập các NH yếu.
>Sáp nhập ngân hàng: Những vấn đề cần bàn thêm
Cụ thể, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, cho biết, sẽ hoàn thành phương án sáp nhập các cặp NH (bao gồm cả sáp nhập các NH TMCP với nhau và hợp nhất một số TCTD cổ phần vào NHTM nhà nước) trước tháng 6/2015.
Hiện đang có thông tin sáp nhập và hợp nhất nhiều NH nhưng phải đến tháng 4/2015, khi mùa đại hội cổ đông của các NH diễn ra mới có đáp số cuối cùng về chương trình tái cơ cấu NH giai đoạn mới.
Cũng theo ông Tô Duy Lâm, kế hoạch ngành NH TP.HCM năm 2015 được NHNN Chi nhánh TP.HCM đặt ra là tín dụng tăng trưởng 13%, huy động vốn tăng khoảng 12% và tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Tính đến hết năm 2014 tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH thành phố đạt khoảng 1,067 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt khoảng 1,343 triệu tỷ đồng.