Một người tài của làng báo Việt Nam

PHƯƠNG HÀ| 26/04/2016 04:31

Bốn mươi năm đất nước thống nhất là từng ấy thời gian Minh Hiền tiếp tục sống với nghề báo, tinh thông nghề báo, giỏi làm báo, trừ một số năm chị đi học đại học và biên tập sách. Vì thế mà chúng tôi gọi chị là "Một người tài của làng báo Việt Nam".

Một người tài của làng báo Việt Nam

Giữa năm 1964, nhà báo Trần Tâm Trí, Thư ký tòa soạn Báo Cứu quốc được điều từ Hà Nội vào Đông Nam bộ để cùng một số nhà báo khác tổ chức xuất bản Báo Giải phóng - cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Khi xuống vùng giải phóng Củ Chi tìm người, duyên may anh gặp Minh Hiền - một cô bé 14 tuổi, nhỏ xíu, lanh lợi, thế là chú cháu ngồi lên xe đạp băng rừng về R - mật danh của căn cứ Trung ương Cục và Mặt trận Giải phóng ở bắc Tây Ninh.

Đọc E-paper

Từ đó đến ngày giang sơn thu về một mối là tròn 11 năm. Hai mươi lăm tuổi, Minh Hiền đi trọn cuộc kháng chiến giữ nước lần thứ hai và có mặt trong ngày giải phóng Sài Gòn. Vì thế mà chúng tôi gọi chị là "Một con người của ngày 30 tháng Tư”.

Bốn mươi năm đất nước thống nhất là từng ấy thời gian Minh Hiền tiếp tục sống với nghề báo, tinh thông nghề báo, giỏi làm báo, trừ một số năm chị đi học đại học và biên tập sách. Vì thế mà chúng tôi gọi chị là "Một người tài của làng báo Việt Nam".

Cơ duyên chị đến với nghề báo là khi nhà báo Tâm Trí phát hiện "con nhỏ Minh Hiền viết... đúng chính tả”. Ai từng công tác ở Báo Giải phóng những năm chiến tranh đều nhớ, để chuẩn bị ra số báo đầu tiên vào ngày 20/12/1964, tòa soạn phải có máy in, phải có thợ xếp chữ. Minh Hiền nằm trong số "công nhân nhà in" ấy. Làm quen với những khay chữ chì, với những bản vỗ thử, Minh Hiền phát hiện những lỗi chính tả, sửa lỗi chính tả, thậm chí sửa câu cho không ít phóng viên. Thấy thế, Tổng biên tập Kỳ Phương, Thư ký tòa soạn Tâm Trí dần dần đào tạo Minh Hiền trở thành một biên tập viên.

Phóng viên Minh Hiền (thứ 2 từ trái) với bà con Sài Gòn, ngày 2/5/1975 - Ảnh: LP

Minh Hiền ham viết và bắt đầu viết nhiều sau Hiệp định Paris 1973. Và theo tôi, có lẽ từ đó, Minh Hiền mới thực sự là nhà báo chuyên nghiệp.

Để chuẩn bị giải phóng hoàn toàn miền Nam, những tháng cuối năm 1974, đầu năm 1975, Báo Giải phóng được lệnh chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị cả manchette Sài Gòn Giải phóng để xuất bản hằng ngày tại Sài Gòn. Một số cán bộ, phóng viên của báo được điều động đi phát động quần chúng kết hợp viết về những vùng giải phóng liên tục được mở rộng ở miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên, và khi có lệnh thì tiến thẳng về Sài Gòn, không cần phải trở lại tòa soạn, trong đó có Minh Hiền với bút danh Hương Chi.

Ngày 5/5/1975, bộ phận tiền phương của Báo Giải phóng xuất bản số Báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên ở Sài Gòn, in hàng chục vạn bản. Những tin tức, phóng sự nóng hổi hơi thở chiến trường và niềm vui thắng lợi của công cuộc thống nhất đất nước của Minh Hiền và các phóng viên lần lượt ra mắt độc giả khắp các tỉnh, thành miền Nam và Hà Nội. Là một phóng viên nữ hiếm hoi của báo, Minh Hiền cùng anh chị em chúng tôi trong tòa soạn làm việc ít nhất 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, quá mệt thì ngủ ngay trên bàn viết để "chạy đua" với tiến độ của một tờ nhật báo khổ lớn mà quá ít người và quá thiếu thốn phương tiện hành nghề.

Báo Sài Gòn Giải phóng ra đến số 15 thì được lệnh bàn giao cho Thành ủy Sài Gòn để tiếp tục xuất bản Báo Giải phóng. Một thời gian ngắn sau, theo sự phân công của Ban biên tập, Minh Hiền cùng chồng là nhà báo Nguyễn Hồ và hai phóng viên nữa xuống Cần Thơ thành lập Văn phòng Đại diện Báo Giải phóng tại miền Tây Nam bộ. Đó là văn phòng thường trú đúng nghĩa đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam.

Nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (đã nghỉ hưu) gặp gỡ doanh nhân TP.HCM tại một sự kiện của Báo

Sau khi "hoàn thành nhiệm vụ lịch sử", tháng 2/1977, Báo Giải phóng kết hợp với Báo Cứu quốc thành lập Báo Đại đoàn kết. Từ đó, anh chị em chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Minh Hiền đi học rồi về làm biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Cứ tưởng từ đó chị giã từ nghề báo. Nhưng rồi tháng 3/1992, chị lại xuất hiện trên Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh với cương vị phó tổng biên tập. Có chị, cùng với Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh, tờ Phụ nữ trở thành tờ báo được đông đảo bạn đọc đón nhận, trong đó không ít đàn ông là độc giả trung thành, bởi nó không chỉ là tờ báo dành cho "phái yếu" mà còn đề cập đến rất nhiều vấn đề cần giải quyết ngay của dân, của nước.

Rồi "sự cố” xảy ra với Minh Hiền và Thế Thanh - mà theo chúng tôi, cùng với Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ) là ba phụ nữ làm báo giỏi nhất Việt Nam. Ngay sau đó, Minh Hiền về Đại đoàn kết, lập đề án xuất bản Đại đoàn kết Cuối tuần. Với tổ chức gọn nhẹ trong Ban Đại đại diện Báo Đại đoàn kết ở các tỉnh phía Nam, Đại đoàn kết Cuối tuần do Minh Hiền tổ chức thực hiện có những đột phá cả về hình thức lẫn nội dung, đặc biệt về những đề tài "nhạy cảm", trong đó có nhiều nhân vật thuộc về lịch sử, nhiều vấn đề của lịch sử, nhiều vấn đề về hòa giải, hòa hợp dân tộc mà không ít người muốn quên đi hay hiểu sai. Đại đoàn kết Cuối tuần đầy tính trí thức và học thuật nhưng không khô khan, cứng nhắc.

Một lần nữa Minh Hiền lại "lận đận" khi Đại đoàn kết Cuối tuần phải chuyển ra Hà Nội.

Ảnh: Quý Hòa

Một lần nữa Minh Hiền lại gầy dựng một tờ báo hoàn toàn mới, tờ Doanh Nhân Sài Gòn với ba ấn phẩm, hai ra hằng tuần, một ra hằng tháng, sau này có thêm Doanh Nhân Sài Gòn Online.

Quý II/1999, ngay sau khi được Hiệp hội Công Thương TP. Hồ Chí Minh (năm 2004 đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh) mời về phụ trách Thông tin Công Thương, một tạp chí "lụi cơ chế” vì giấy phép chỉ cho xuất bản bản tin, Minh Hiền đã cải tiến triệt để "tờ tin" thành một tuần báo đúng nghĩa khi ra bộ mới ngày 23/6/1999. Sự "xé rào" ấy tất nhiên bị "thổi còi", nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.

Rồi từ Bản tin Doanh Nhân Sài Gòn, Minh Hiền kiên trì hai năm trời để có giấy phép xuất bản Doanh Nhân Sài Gòn, chẳng bao lâu đã khẳng định một thương hiệu mới lạ của làng báo Việt Nam, trong khi không tiền, không trụ sở, nhân sự chỉ mươi người...

Minh Hiền không chỉ là người sáng lập Doanh Nhân Sài Gòn và làm tổng biên tập cho đến lúc nghỉ hưu, chị còn đề xuất lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định ban hành. Cùng với việc tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, Minh Hiền lại có sáng kiến thành lập CLB Doanh Nhân Sài Gòn.

Cho đến bây giờ, sau 11 năm liên tục Ngày Doanh nhân Việt Nam được long trọng tổ chức trên cả nước, riêng TP.HCM có thêm ngày hội tôn vinh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu, chúng tôi vẫn không hiểu sao Minh Hiền - một phụ nữ với vẻ ngoài không có gì nổi trội lại có một sáng kiến xuất thần như thế, hợp lòng dân như thế!

Nguyên Tổng biên tập Minh Hiền với cán bộ, phóng viên của Báo

Vậy mà trước thời gian ấy khá lâu, căn bệnh ung thư đã hành hạ chị!

Trước và sau Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi đến bệnh viện và nhà riêng thăm chị, chị đã yếu sau 17 năm chống chọi với căn bệnh quái ác, lần đầu tiên nghe chị kêu đau, rất khẽ thôi, như ngại người khác biết, mà ứa nước mắt, bởi 45 năm thân quen, nhiều năm công tác chung, trong gian khó chiến tranh hay vất vả thời bình, nhất là những khi phải đấu tranh quyết liệt với cơ chế "xin - cho", với sự bảo thủ, trì trệ để góp phần đổi mới nền báo chí nước nhà, tôi và đồng nghiệp của chị chưa bao giờ nghe chị than thở.

Một con người nổi tiếng bản lĩnh và "quyết liệt sống" như Minh Hiền mà phải kêu đau là đã đến lúc sức cùng lực tận. Vậy mà khi hỏi chị có điều gì chưa kịp làm, chị cười buồn nói chưa viết xong tác phẩm về doanh nhân Lý Ngọc Minh và Gốm sứ Minh Long 1, cũng chưa thực hiện được tập hồi ký chỉ kể về những vui buồn nghề báo.

Minh Hiền ơi, chị còn dang dở với Tạp chí Người đô thị - một tạp chí đang đổi mới hoàn toàn khi có chị góp sức. Nhưng thôi, "tham công tiếc việc" thế là đủ, Minh Hiền có đồng nghiệp vô cùng yêu thương làm tiếp những gì chị chưa kịp làm, như đội ngũ trẻ của Doanh Nhân Sài Gòn, Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần đang tiếp bước Tổng biên tập Minh Hiền, đang thực hiện những ý tưởng độc đáo của chị, trong đó có một phần để chị vui...

Sài Gòn, đêm 23/4/2016 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một người tài của làng báo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO