Toàn cảnh

Nghị quyết 68 và khát vọng quốc gia hùng cường từ khu vực kinh tế tư nhân: Vì sao doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế?

Anh Vĩnh 11/05/2025 9:00

Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã lần đầu tiên khẳng định rõ ràng: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Vậy điều gì khiến doanh nghiệp (DN) tư nhân có thể trở thành động lực cốt lõi của nền kinh tế? Câu trả lời nằm ở bốn yếu tố then chốt: quyền sở hữu rõ ràng, tính linh hoạt thị trường, khả năng huy động nguồn lực xã hội và động lực nội sinh mạnh mẽ.

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 68), lần đầu tiên, xác lập kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc dân - một bước ngoặt trong tư duy và chính sách phát triển. Không chỉ thẳng thắn chỉ ra những rào cản cố hữu, Nghị quyết còn đề ra các giải pháp “cởi trói” với mục tiêu cụ thể, đo lường được và mang tính cam kết cao.

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thực hiện chuyên đề đặc biệt "Nghị quyết 68 và khát vọng quốc gia hùng cường từ khu vực kinh tế tư nhân" nhằm phân tích sâu các điểm mới, đột phá trong tư duy và chính sách phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời ghi nhận ý kiến từ giới chuyên gia, doanh nhân về cơ hội, thách thức và giải pháp hiện thực hóa tinh thần nghị quyết. Qua đó, góp phần lan tỏa nhận thức mới, thúc đẩy hành động cụ thể từ cả khu vực công và tư trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đổi mới và bền vững - nơi doanh nhân thật sự được tôn vinh và đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của đất nước.

article.jpg
Kinh tế Việt Nam muốn bước vào kỷ nguyên tăng trưởng nhanh, bền vững và đổi mới sáng tạo thì không thể thiếu động lực tư nhân

Trước hết, bản chất của DN tư nhân là quyền sở hữu cá nhân hoặc nhóm cá nhân được xác lập rõ ràng, minh bạch và gắn chặt với trách nhiệm pháp lý. Trong nền kinh tế thị trường, quyền sở hữu là yếu tố quyết định đến hành vi quản trị và hiệu quả vận hành. DN tư nhân có quyền kiểm soát và định đoạt tài sản của mình, từ đó tạo ra cơ chế “người chủ, người chịu trách nhiệm cuối cùng”. Họ không chỉ điều hành, mà còn trực tiếp chịu rủi ro, từ mất vốn đến mất uy tín nếu thất bại trong kinh doanh. Điều này buộc họ phải hành xử với DN như “đứa con tinh thần”, có trách nhiệm và động lực cao nhất để bảo vệ tài sản, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm chi phí và tối ưu hiệu quả vận hành.

Thứ hai, DN tư nhân có khả năng thích ứng nhanh với thị trường, nắm bắt cơ hội và điều chỉnh mô hình kinh doanh linh hoạt. Trong khi khu vực DN nhà nước thường vận hành theo kế hoạch và cơ chế hành chính, thì DN tư nhân buộc phải phản ứng nhanh với thay đổi của thị trường, nhu cầu tiêu dùng, chính sách và công nghệ. Chính đặc tính này tạo nên sức sống bền bỉ và khả năng đổi mới không ngừng, hai yếu tố cực kỳ cần thiết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh, công nghệ thay đổi liên tục và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Thứ ba, DN tư nhân đóng vai trò đặc biệt trong việc huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư và sản xuất. Thực tế cho thấy, khu vực tư nhân đang chiếm khoảng 50% GDP, sử dụng hơn 80% lao động xã hội và đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách nhà nước. Đây là khu vực duy nhất có khả năng mở rộng nhanh quy mô đầu tư, tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, liên kết sản xuất và thúc đẩy nội lực nền kinh tế. Khi khu vực tư nhân phát triển, nguồn lực xã hội được giải phóng tối đa, giảm áp lực cho đầu tư công và tạo nên một cấu trúc kinh tế cân bằng hơn giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Thứ tư, DN tư nhân chính là nơi hội tụ của khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tự thân vươn lên. Nếu kinh tế nhà nước gắn với vai trò quản lý và ổn định vĩ mô, FDI gắn với chuyển giao công nghệ và thị trường toàn cầu, thì DN tư nhân đại diện cho tinh thần dân tộc, tự lực và sáng tạo của người Việt. Họ là lực lượng duy nhất có thể chuyển hóa từ một hộ kinh doanh nhỏ thành DN vừa, từ DN vừa thành tập đoàn, nếu có cơ hội, thể chế thuận lợi và chính sách hỗ trợ phù hợp. Điều này thể hiện rõ qua các điển hình phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, như Vingroup, FPT, Thaco, Masan.

Một điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là khu vực DN tư nhân có tính lan tỏa kinh tế mạnh mẽ. Mỗi DN thành công thường kéo theo chuỗi nhà cung ứng, hệ sinh thái đối tác và hệ thống phân phối, qua đó tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp vệ tinh và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính đặc tính này giúp khu vực tư nhân đóng vai trò “hạt nhân phát triển cụm ngành”, giúp định hình chiến lược phát triển vùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách thực chất.

Tuy nhiên, để DN tư nhân phát huy hết vai trò là “động lực quan trọng nhất”, cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản về thể chế, minh bạch quyền sở hữu tài sản, cải thiện khả năng tiếp cận vốn dài hạn, đặc biệt là thông qua thị trường vốn và các công cụ tài chính hiện đại. Đồng thời, cần có chính sách đào tạo, hỗ trợ quản trị, chuyển đổi số và bảo vệ quyền lợi doanh nhân chân chính - những người đang âm thầm gánh vác sứ mệnh kiến tạo thịnh vượng cho quốc gia.

Việc xác lập vai trò của DN tư nhân không phải là sự ưu ái đặc biệt, mà là một bước đi đúng đắn, dựa trên hiệu quả thực tiễn và yêu cầu phát triển. Trong các nền kinh tế thành công trên thế giới, khu vực tư nhân luôn là trung tâm của đổi mới, tăng trưởng và hội nhập. Việt Nam đang đi đúng hướng khi chuyển trọng tâm từ “hỗ trợ có điều kiện” sang “trao quyền và kiến tạo môi trường”. Nhưng hành trình từ chủ trương đến thực tiễn vẫn còn nhiều việc phải làm.

DN tư nhân không chỉ cần được khẳng định, mà cần được trao cơ hội bình đẳng để lớn mạnh, cạnh tranh và đóng góp bền vững. Muốn vậy, chính quyền các cấp cần thực thi chính sách nhất quán, loại bỏ tư duy phân biệt đối xử, và coi doanh nhân tư nhân là đối tác phát triển, chứ không đơn thuần là “đối tượng quản lý”.

Kinh tế Việt Nam muốn bước vào kỷ nguyên tăng trưởng nhanh, bền vững và đổi mới sáng tạo thì không thể thiếu động lực tư nhân. Và khi DN tư nhân được khơi thông nguồn lực, được bảo vệ quyền sở hữu, được hỗ trợ kiến tạo môi trường phát triển, họ sẽ không chỉ là trụ cột kinh tế, mà còn là lực lượng tiên phong đưa quốc gia tiến về phía trước một cách tự chủ, bền vững và có bản sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghị quyết 68 và khát vọng quốc gia hùng cường từ khu vực kinh tế tư nhân: Vì sao doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO