Vùng KTTĐPN bao gồm 8 tỉnh chiếm 50,45 % GDP của cả nước năm 2020 |
TP.HCM là hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN), là đầu mối kết nối giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, giữa trong nước với ngoài nước (đường bộ, đường hàng không, đường biển). Có thể nói, TP.HCM là nơi hội đủ các điều kiện để thu hút, khai thác các nguồn lực trong hoạt động sản xuất, giao thương, đồng thời có khả năng tạo xung lực, lan tỏa sang các địa phương trong và ngoài vùng KTTĐPN.
Vai trò của các doanh nghiệp (DN) và liên kết giữa các DN là yếu tố nổi trội của TP.HCM trong vùng và cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, TP chiếm 31,4% tổng số DN của cả nước, 72,72% % số DN toàn vùng và thu hút khoảng 50% lao động trên địa bàn vùng.
TP.HCM có đội ngũ doanh nhân đông đảo nhất cả nước, hơn thế đội ngũ doanh nhân TP đã có nhiều kinh nghiệm thương trường và hội nhập quốc tế, đã xuất hiện nhiều doanh nhân đạt đẳng cấp quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển và thành công chung của TP, vùng và cả nước. Đây không chỉ là nguồn lực quý giá, mà còn là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển và kết nối, lan tỏa của DN, doanh nhân thành phố trong vùng KTTĐPN.
Tuy nhiên, các hoạt động liên kết kinh tế vùng KTTĐPN trong thời gian qua còn khá hạn chế, chủ yếu mới dựa vào “công năng của thị trường” mà chưa có sự chủ động kết nối giữa các địa phương trong vùng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đợt 4 đang diễn ra nghiêm trọng và khó lường ở các địa phương trong vùng, thì những yếu kém của liên kết vùng đã bộc lộ rõ nét hơn, thể hiện qua việc điều phối chống dịch cũng như lưu thông hàng hóa, duy trì hoạt động sản xuất tại các địa phương.
Thực tế này cho thấy, vấn đề liên kết vùng càng trở thành vấn đề cấp bách cả trong thời kỳ dịch bệnh và hậu Covid. Theo chúng tôi, đây là dịp có thể “biến nguy thành cơ” trong việc đưa ra các giải pháp để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, trong đó thể hiện được vai trò hạt nhân, lan tỏa của kinh tế TP.HCM.
Cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân, DN trong vùng |
Thứ nhất, về mặt nhận thức, liên kết vùng KTTĐPN phải dựa trên quan điểm khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng địa phương và của vùng nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đó là điểm xuất phát nhằm thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực và tạo động lực cho mọi hoạt động liên kết kinh tế.
Thứ hai, về mặt ngắn hạn, trong điều kiện phải ưu tiên cho việc kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh, thì hoạt động liên kết Vùng phải thể hiện trên các khía cạnh:
(i) Liên kết giữa các địa phương trong vùng trong việc chống dịch, thực hiện an sinh xã hội, phối hợp các nguồn lực về nhân lực, vật tư y tế giữa các địa phương;
(ii) Phải có các biện pháp đồng bộ phối hợp giữa các địa phương trong việc lưu thông nguyên liệu, hàng hóa, không để các chuỗi cung ứng đầu vào - đầu ra bị đứt gãy, duy trì sản xuất, đặc biệt là các DN sản xuất hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu;
(iii) Khơi thông chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa, cũng là duy trì và phát huy thế mạnh nội lực của nông-lâm-ngư-nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác trong liên kết kinh tế với vùng KTTĐPN;
(iv) Hỗ trợ các DN duy trì hoặc chuyển hướng sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động và giữ chân nguồn nhân lực của các DN…
Thứ ba, về mặt dài hạn, khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các địa phương từng bước nới lỏng giãn cách, tiến tới mở cửa và phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, để thúc đầy liên kết Vùng trong phát triển kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp quan trong, có tính cấp thiết:
(i) Rà soát, tích hợp quy hoạch vùng, địa phương, bảo đảm yêu cầu khoa học, kết nối khai thác, phát triển các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững;
(ii) Cần tập trung nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ “điểm nghẽn” về hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không trên địa bàn TP.HCM và vùng KTTĐPN;
(iii) Giữa các địa phương trong vùng, bên cạnh việc duy trì và nâng cao hiệu quả cơ chế “Hội đồng Vùng”, cần kiến tạo, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác liên kết kinh tế theo chiều dọc và chiều ngang giữa các DN, tổ chức khoa học công nghệ, hiệp hội ngành nghề sản xuất kinh doanh, nhằm phát huy ưu thế của cơ chế thị trường, thúc đầy tăng trưởng và phát triển kinh tế tại các địa phương và toàn vùng;
(iv) Liên kết nội vùng cần gắn với liên kết ngoại vùng và mở rộng hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, các địa phương trong vùng cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các DN chủ động trong các hoạt động liên kết kinh tế, đồng thời cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong việc hỗ trợ cho các ngành hàng, sản phẩm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Quý 3/2021, dự án Đường Vành đai 3 - tuyến giao thông quan trọng, ý nghĩa với người dân TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương sẽ được chính thức khởi công |
Thứ tư, vai trò động lực, “dẫn dắt” của TP.HCM trong phát triển kinh tế của vùng KTTĐPN cần được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có một “thủ lĩnh” với vai trò “dẫn dắt” trong hợp tác, liên kết vùng, điều này hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, không nên “hành chính hóa” mục tiêu này. Vai trò trung tâm, “dẫn dắt” của TP.HCM phải thể hiện do chính vị trí, vai trò của nền kinh tế của TP với năng lực tạo động lực và khả năng kết nối giữa các địa phương trong và ngoài vùng.
Để nâng cao vị thế, cũng như năng lực kết nối của TP.HCM trong vùng KTTĐPN, TP cần khởi động mạnh mẽ hơn bằng chính sách và hành động cụ thể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của TP.HCM với các TP lớn trong vùng Đông Nam Á và châu Á.
TP.HCM cần phân cấp mạnh hơn, thực hiện cơ chế đặc thù về thu chi ngân sách, huy động vốn và chính sách tiền lương, thu hút nhân tài để tạo nên sự phát triển kinh tế đột phá của TP.
Cuối cùng, một nhân tố hết sức quan trọng, đó là TP.HCM cần khai thác, phát huy vai trò trung tâm văn hóa, với những đặc điểm đặc sắc về đất và người của vùng đất Nam Bộ. Đây chính là lợi thế, mà không có địa phương nào ở trong nước và quốc tế có được.
Tóm lại, liên kết kinh tế vùng là một vấn đề không mới cả về lý luận cũng như thực tiễn, song lại là một hạn chế trong phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, vùng KTTĐPN nói riêng. Trong điều kiện dịch Covid-19, yếu tố liên kết vùng càng bộc lộ những hạn chế, bật cập. Do vậy, theo chúng tôi, đã đến lúc phải coi việc đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, là một yếu tố đột phá trong phát triển kinh tế TP.HCM và vùng KTTĐPN.
(*) Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc Gia TP.HCM