Lạm phát: Còn dư địa để kiềm chế?

Anh Khoa| 11/12/2021 06:00

Lạm phát cơ bản (loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm) trong 11 tháng cũng chỉ mới tăng 0,82%, tuy nhiên nỗi lo xu hướng lạm phát có thể leo thang trở lại tại Việt Nam trong năm sau trở thành mối lo ngại chính trong những ngày gần đây. Nhưng liệu có quá sớm để lo ngại về một viễn cảnh u ám như thế?

Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 và còn cách rất xa mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay. Ngoại trừ chỉ số giá giao thông do ảnh hưởng của giá dầu, mức tăng của các hàng hóa còn lại trong rổ hàng hóa tính CPI vẫn tương đối thấp so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản (loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm) trong 11 tháng cũng chỉ mới tăng 0,82%, tuy nhiên nỗi lo lạm phát cao đang đến gần lại bất ngờ trở thành mối lo ngại chính trong những ngày gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng, lạm phát cao có thể buộc các ngân hàng trung ương (NHTƯ) phải sớm thắt chặt chính sách và làm tổn thương đà tăng trưởng, từ khóa "đình lạm" (chỉ nền kinh tế trưởng thấp kèm lạm phát cao) đang được nhắc đến thường xuyên hơn trong thời gian gần đây. 

Tuy nhiên, có lẽ còn quá sớm để lo ngại về một viễn cảnh u ám như thế. Việt Nam là một nước đặc thù vẫn có thế mạnh về nông nghiệp, nên cũng không chịu quá nhiều tác động từ xu hướng giá nhiều loại thực phẩm leo thang trên toàn cầu vì đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây. Đó là chưa nói đến việc nền kinh tế chỉ đang mở cửa dần ở mức độ vừa phải, nhiều ngành nghề, lĩnh vực vẫn bị hạn chế hoạt động, đơn cử như các hoạt động tổ chức sự kiện, khách sạn, nhà hàng tiệc cưới vẫn chỉ diễn ra cầm chừng, nên sức ép lên giá cả thực phẩm là không đáng quan ngại.

san-xuat-1-8028-1639123130.jpg

Cũng cần lưu ý là với kế hoạch đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chương trình mua tài sản cũng như tăng dần lãi suất cơ bản từ năm 2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng USD có thể tiếp tục duy trì đà đi lên, đồng nghĩa với việc giá nhiều mặt hàng định giá theo đồng USD tiếp tục chịu áp lực suy yếu. Trong khi đó, tiền đồng của Việt Nam thời gian qua cũng như giai đoạn tới sẽ tiếp tục giữ vững giá trị so với USD, theo như cam kết nhằm tránh bị cáo buộc thao túng tiền tệ, do đó không nên quá lo ngại Việt Nam có thể nhập khẩu lạm phát. Báo cáo mới nhất của Mỹ công bố hôm 3/12/2021 đã khẳng định lại kết luận hồi tháng 4, rằng Việt Nam không thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988.

Không như nhiều quốc gia đã sớm bơm tiền ồ ạt để ứng phó với sự suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra từ đầu năm ngoái, tỷ lệ quy mô các gói kích cầu so với GDP của Việt Nam trong gần hai năm qua là khá khiêm tốn, vì vậy cũng không lo ngại làm mất cân đối tiền - hàng mà có thể dẫn đến lạm phát tiền tệ. Gần đây, giới hoạch định chính sách mới bắt đầu đề xuất những gói kích thích kinh tế khổng lồ, nhưng cũng cần biết rằng nếu được triển khai cũng sẽ thực hiện dàn trải qua nhiều năm, do đó sẽ không gây áp lực quá lớn lên lạm phát.

Một trong những yếu tố được cho là gây áp lực lên lạm phát lớn nhất hiện nay là giá nhiều loại năng lượng tăng vọt trong những tháng gần đây, đặc biệt là giá dầu. Dù giá dầu những tuần gần đây đã điều chỉnh giảm mạnh do sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, nhưng hầu hết tổ chức đều dự báo giá "vàng đen" có thể vượt mốc 100 USD/thùng trong năm tới.

Dù là vậy, Chính phủ vẫn có thể thực thi những chính sách can thiệp để bình ổn thị trường trong nước, nhằm hạn chế sự tác động quá mức lên lạm phát. Một trong những giải pháp là giảm các loại thuế, phí, cũng như sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá. Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu đang phải gánh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, trích quỹ bình ổn giá.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được lạm phát kỳ vọng, tức tình trạng giá cả tăng lên vì yếu tố tâm lý hơn là vì mất cân đối cung cầu. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý cần có những chính sách truyền thông phù hợp và kịp thời, cũng như công tác thống kê và dự báo phải thực tế, hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm phát: Còn dư địa để kiềm chế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO