Kinh tế khó khăn, Hà Nội vẫn "khai sinh" hơn 8.600 doanh nghiệp

14/07/2011 06:22

Trong bối cảnh nền kinh gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều lĩnh vực của kinh tế Thủ đô vẫn tăng trưởng khá.

Kinh tế khó khăn, Hà Nội vẫn

Trong bối cảnh nền kinh gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều lĩnh vực của kinh tế Thủ đô vẫn tăng trưởng khá.

Quang cảnh kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố sáng 13/7 - Ảnh: Bảo Anh.

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội trình các đại biểu Hội đồng Nhân dân tại kỳ họp thứ 2, khóa XIV sáng 13/7 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, thành phố cũng đã chấp thuận đề xuất dự án và cấp chứng nhận đầu tư cho 79 dự án đầu tư với tổng số vốn là 30.745 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng 136,4 ha.

Tiến hành cấp đăng ký kinh doanh cho khoảng 8.630 doanh nghiệp, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2010, với số vốn đăng ký khoảng 47,9 ngàn tỷ đồng, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2010.

Đánh giá về sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn nói chung, báo cáo của UBND thành phố cho hay, tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng ước tăng 9,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành dịch vụ tăng 8,7%, đóng góp 3,9% vào mức tăng chung, công nghiệp – xây dựng 10,4%, đóng góp 5,1% vào mức tăng chung, nông – lâm – thủy sản 5,1%, đóng góp 0,3% vào mức tăng chung.

Theo UBND thành phố cho, đây là mức tăng khá, ghi nhận sự cố gắng của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Tuy nhiên, do xu thế chung của cả nước nên tăng trưởng GDP quý 2/2011 của thành phố chỉ đạt 9,4% cao hơn quý 1 (9,2%) nhưng thấp hơn so với quý 1/2010 (11,6%). GDP 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với mức cùng kỳ của năm 2010 (10,1%).

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng trên địa bàn tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2010 (mức của năm 2010 là 13,9%). Trong đó, kinh tế nhà nước tăng 9,8%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 12%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2%.

Tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành xây dựng đạt 10,1% (mức cùng kỳ năm 2010 là 11,4%).

Trong lĩnh vực dịch vụ của thành phố, lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội vẫn phát triển, tuy nhiên, tốc độ tăng thấp hơn so với mức của năm 2010.

Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội dự kiến đạt 484.975 tỷ đồng, tăng 21,7% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 117.734 tỷ đồng, tăng 23,3% (mức cùng kỳ năm 2010 tương ứng là 27,8% và 28,2%).

Các ngành dịch vụ đều duy trì tăng trưởng. Có 4 phân ngành cấp 1 có giá trị tăng thêm tăng cao hơn mức tăng chung là: vận tải kho bãi và bưu điện (tăng 10,7%, chiếm 9,8% GDP), thương nghiệp (tăng 11,3%, chiếm 9,7% GDP), tài chính – tín dụng (tăng 10,9%, chiếm 3,4% GDP), khách sạn nhà hàng (11,5%, chiếm 3,3% GDP).

Bốn ngành này chiếm tới 26,3% GDP, là động lực thúc đẩy giá trị tăng thêm dịch vụ tăng cao và duy trì mức tăng chung GDP của thành phố. Tuy nhiên, ngành tài chính – ngân hàng và vận tải kho bãi, bưu điện trong quý 2 đã tăng chậm hơn so với quý 1/2011.

Khách du lịch nội địa đến Hà Nội cộng dồn 6 tháng đạt 3,7 triệu lượt, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Mặc dù khách du lịch quốc tế trong tháng 6 giảm 16,5% so với tháng 5 nhưng cộng dồn 6 tháng đạt khoảng 615,3 nghìn lượt, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng tăng 20,7%.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố 6 tháng tăng khá, tuy nhiên, những tháng gần đây thể hiện xu hướng tăng chậm hơn so với những tháng đầu năm. Nhập siêu trên địa bàn có xu hướng gia tăng.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 4.259 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2010, cao hơn chỉ tiêu đề ra là 14%. Xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại: quý 2 chỉ tăng 11,8%, thấp hơn so với quý 1 (28,1%).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội tiếp tục phục hồi. Số dự án được cấp mới và tăng vốn là 162 với tổng số vốn là 891,8 triệu USD, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2010 (891,8/130,1); trong đó, cấp mới 125 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 420,1 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 37 dự án với giá trị vốn tăng 471,7 triệu USD. Vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện đạt 370 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2010.

Giải ngân vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, gấp 1,5 lần kế hoạch giao đầu năm (trong đó vốn ODA là 570 tỷ đồng, gấp 2 lần kế hoạch).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế khó khăn, Hà Nội vẫn "khai sinh" hơn 8.600 doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO