Giải ngân khó, hạ tầng chậm

NGUYÊN HẢO| 03/07/2009 08:31

Hội nghị Tổng kết 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM diễn ra cuối tuần qua thông báo: Hơn 20 năm qua, TP.HCM đã thu hút được 3.141 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 25,68 tỷ USD.

Giải ngân khó, hạ tầng chậm

Hội nghị Tổng kết 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM diễn ra cuối tuần qua thông báo: Hơn 20 năm qua, TP.HCM đã thu hút được 3.141 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 25,68 tỷ USD. Chỉ riêng năm 2008, số vốn FDI đạt hơn 8 tỷ USD, cao hơn tổng vốn từ năm 2002-2007. Trong những năm gần đây, xu hướng vốn FDI trên địa bàn thành phố tập trung vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ cao với quy mô ngày càng lớn.

Xuất mũi khoan ở Công ty TNHH Unika VN (vốn 100% Nhật Bản - Ảnh: Quý Hòa

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, khu vực có vốn FDI luôn là khu vực hấp dẫn các lực lượng lao động hiện nay, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ có chuyên môn cao. Sự cạnh tranh thu hút lao động lành nghề, khiến thị trường lao động trở nên năng động hơn.

Tuy nhiên, vấn đề giải ngân vốn FDI của các dự án quy mô lớn trên địa bàn vẫn đang là một bài toán khó. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu thu hút trên 20 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn 2010 trở đi. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều nhà đầu tư luôn đề cập chính là việc giải ngân vốn đăng ký và vốn thực hiện đạt hiệu quả thấp, đây quả là thách thức lớn và là điều đáng lo ngại. Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chọn ra 50 dự án FDI lớn đang gặp nhiều khó khăn trong việc chậm giải ngân để trình các cấp thẩm quyền cao hơn nhằm nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ.

Về lĩnh vực cải cách hành chính trong thu hút đầu tư FDI, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, công tác đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay tiến hành quá chậm. Cơ chế để thu hút vốn cho các dự án ở lĩnh vực này thực hiện không đồng bộ giữa các cơ quan. “Trong chiến lược cạnh tranh, các nhà đầu tư luôn coi trọng khía cạnh cạnh tranh tốc độ, vậy mà chúng ta lại kém nhất về mặt này”, ông Thắng nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải ngân khó, hạ tầng chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO