EVFTA và EVIPA: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Minh Huy| 26/05/2020 04:56

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) và các nước thành viên EU.

EVFTA và EVIPA: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, những nội dung về bảo hộ, tự do hóa đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư đã được đàm phán như một phần của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) từ năm 2012. Tuy nhiên, sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên nên EU đề xuất tách EVFTA thành hai hiệp định riêng biệt gồm EVFTA quy định các vấn đề thương mại và toàn bộ nội dung về tự do hóa đầu tư trực tiếp đã được hai bên thống nhất trước đây và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) gồm các quy định bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.

Thảo luận về việc phê chuẩn EVFTA và việc phê chuẩn EVIPA, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự thống nhất cao đối với việc cần thiết sớm phê chuẩn hai hiệp định quan trọng này. Các đại biểu đánh giá cao Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế trong quá trình đàm phán đi đến ký kết EVFTA và EVIPA, Đoàn công tác Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ vận động phê chuẩn hai hiệp định, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước thành viên EU và EU.

Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn các hiệp định sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế.

Việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường CPTPP và EU. Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Báo cáo thuyết minh về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý, thể chế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự kiến các định hướng lớn và nội dung chính của kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA với 5 nhóm công việc chính, gồm tuyên truyền, phổ biến, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở; chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Các công việc cụ thể đã được phân công cho từng bộ, ngành với thời gian thực hiện tương ứng.

1-2594-1590460060.jpg

Sau khi EVFTA được Quốc hội phê chuẩn, dự thảo kế hoạch này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng chi tiết hơn các phân công cụ thể và lộ trình thực hiện, để từ đó trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành, bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ.

Trong khi đó, báo cáo thuyết minh Hiệp định EVIPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện cam kết theo EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, để thi hành EVIPA, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích mang lại từ hiệp định này, Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Để vượt qua những thách thức đó, đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích.

Cho biết ý kiến về việc phê chuẩn EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận ở Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội nói: Giống như một con đường "cao tốc" hội nhập với Liên minh Châu Âu, EVFTA sẽ giúp Việt Nam có cơ hội hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định, cũng là bấm nút "thông xe" cho con đường "cao tốc" quan trọng này. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để "đoàn xe" doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên tuyến đường này. Trước tiên, chúng ta phải làm ngay những "đường gom", "lối mở" để vào "cao tốc". Đó chính là những luật, nghị định, thông tư, tức luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó. Soạn thảo và ban hành thật nhanh chóng, kịp thời các văn bản hướng dẫn này là việc cấp thiết để Hiệp định có hiệu lực, để xe đi lên được đường cao tốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVFTA và EVIPA: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO