Đột phá chính sách để TP.HCM bắt nhịp xu thế mới

Ngọc Quỳnh| 25/05/2023 01:00

Nhiều cơ chế, chính sách vượt trội được đề xuất tại dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (sau đây gọi tắt là NQ54), dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 đang diễn ra để TP.HCM bắt nhịp với xu thế phát triển mới. Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

* Ông đánh giá thế nào về việc TP.HCM phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, dẫn dắt phát triển vùng Đông Nam bộ những năm gần đây?

- Vai trò đầu tàu của TP.HCM thể hiện ở việc đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP cả nước (nhất là đóng góp của ngành công nghiệp) cũng như ngân sách nhà nước, tính năng động, tiên phong cải cách, sự lan tỏa phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, vai trò ấy đều đã  suy giảm.

Giai đoạn 2012-2015 được xem là phát triển giảm bớt dựa vào lợi thế về nhân công lao động, tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang dựa vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, thì TP.HCM bắt nhịp còn chậm, chưa tạo ra được những nền tảng, tiền đề mới để phát triển. Tốc độ tăng năng suất của TP.HCM những năm gần đây chậm, thậm chí năm 2022 tốc độ còn chậm hơn cả mức bình quân chung cả nước.

Nguyên nhân TP.HCM suy giảm vai trò đầu tàu, xét trong trong bối cảnh chung thì cải cách phát triển của cả nước cũng chưa nhanh. Tính tiên phong của TP.HCM cũng không còn nhiều, đội ngũ cán bộ, công chức một bộ phận thiếu năng động, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm bị suy giảm, thậm chí đùn đẩy vì sợ trách nhiệm...

* Năm 2017, Quốc hội ban hành NQ54, qua 5 năm triển khai, ông đánh giá thế nào về tác động và hiệu quả khi thực thi nghị quyết này?

- NQ54 đã đặt kỳ vọng khá cao là tạo ra được cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển mạnh hơn. Thực tiễn cho thấy, các cơ chế, chính sách tại NQ54 cũng mới chỉ nới đôi chút "cái áo cũ đã chật", mới giúp TP.HCM có thể đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án nhóm A so với việc phải trình Trung ương thẩm định, tăng hạn mức huy động vốn qua việc chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực chi đầu tư phát triển; điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức để khơi gợi tinh thần sáng tạo, hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước; đẩy mạnh ủy quyền... Song nhìn chung NQ54 vẫn chưa tạo được động lực đủ cho TP.HCM bứt phá về kinh tế, chưa giải quyết được các vướng mắc tạo động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu, chưa giải quyết được vấn đề phát sinh do cấu trúc chính quyền thay đổi khi có thêm thành phố Thủ Đức trực thuộc. Việc phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ cho TP.HCM còn giới hạn, chưa giải quyết được các bất cập cản trở sự phát triển theo xu thế mới dựa vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

* Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết thay thế NQ54 tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra với những cơ chế, chính sách vượt trội cho TP.HCM phát triển. Theo ông, dự thảo nghị mới có sự khác biệt gì so với NQ54?

- Dự thảo nghị quyết thay thế NQ54 được xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung NQ54 và tăng cường những cơ chế, chính sách đặc thù khác theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn, giúp TP.HCM giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn phát sinh do cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành, cũng như giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra mà pháp luật chưa quy định. 

Cách tiếp cận để đưa ra cơ chế, chính sách tại dự thảo nghị quyết thay thế NQ54 đã có những đột phá để TP.HCM bắt nhịp với xu thế phát triển mới. 

Chẳng hạn, đối với nhóm cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, cho phép TP.HCM linh hoạt điều hành kế hoạch vốn đầu tư công, chủ động quyết định danh mục dự án, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn mà không phải chờ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đã phân giao; cho phép thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa... sẽ tạo điều kiện thu hút vốn để đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn về giao thông...

Nhóm cơ chế, chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, sẽ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục về quy hoạch để chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại dân cư, tăng tiện ích cho cộng đồng; giảm thủ tục hành chính, giải quyết các bất cập trong việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển theo hướng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

-2086-1684980069.jpg

Nhóm cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, cho phép TP.HCM hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên thông qua miễn giảm thuế, hỗ trợ kinh phí, giảm tiền thuê mặt bằng; các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo được nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghệ mới. Những chính sách ấy sẽ giúp TP.HCM trở thành trung tâm thu hút khởi nghiệp sáng tạo của khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh đón đầu các xu hướng mới phát triển khoa học, công nghệ.

Nhóm cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược đối với đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ số, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng sạch, mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE)... sẽ giúp TP.HCM thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính và năng lực công nghệ mạnh, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhóm cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy TP.HCM (bao gồm thành phố Thủ Đức) sẽ giúp điều chỉnh cơ cấu cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực tế, phục vụ tốt hơn người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính thông qua phân cấp, ủy quyền mạnh; tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả vận hành bộ máy quản lý nhà nước thành phố Thủ Đức đáp ứng yêu khi thành lập thành phố này.

* Ông đánh giá thế nào tính khả thi của những cơ chế, chính sách đề xuất tại dự thảo nghị quyết thay thế NQ54 khi đưa vào thực tiễn?

- Cơ chế, chính sách ban hành muốn tăng tính khả thi cần gắn với thời điểm, nhất là việc xử lý những tồn tại, bất cập, đồng thời phải bắt nhịp được với xu thế phát triển mới. Dù là vượt trội so với hiện hành, song nghị quyết mới cũng chưa phải là đã hoàn hảo, bởi cuộc sống rất phong phú và luôn thay đổi, khi triển khai vẫn có thể gặp vướng mắc phát sinh, do đó cần kịp thời nắm bắt, điều chỉnh để vận hành trơn tru. 

Ban hành cơ chế, chính sách mới có tính vượt trội thực chất vẫn là quá trình vừa làm, vừa học, giống như kiểu sandbox (cơ chế thử nghiệm), cần mạnh dạn đột phá. Chẳng hạn, đề xuất để TP.HCM phát triển trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao tại dự thảo nghị quyết thay thế NQ54, do còn có những ý kiến khác nhau về tính khả thi, nên trước khi trình Quốc hội xem xét đã được tách ra để xây dựng thành một đề án riêng nhằm đảm bảo cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn, chứ không phải bỏ qua việc này.

* Ông dự báo tác động từ nghị quyết thay thế NQ54 sau khi Quốc hội thông qua đối với sự phát triển của TP.HCM ngay trong năm 2023?

- Trong bối cảnh cơ chế, chính sách chung vẫn còn có nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, nghị quyết thay thế NQ54 được thông qua và đi vào cuộc sống kịp thời sẽ giúp TP.HCM giải quyết ngay được các vướng mắc của một số dự án đầu tư đang gặp phải để sớm triển khai. Kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2023 của TP.HCM cao hơn dự kiến 6,5% bình quân chung của cả nước khi được tiếp sức bởi nghị quyết thay thế NQ54 thì chưa thể khẳng định, song chắc chắn là sẽ sớm có những bước thay đổi có ý nghĩa, dự báo tăng trưởng kinh tế của TP.HCM từ quý III/2023 sẽ chuyển biến tốt hơn. 

* Theo ông, TP.HCM nên làm gì để thực hiện tốt nghị quyết mới này?

- TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị tốt nhất để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết mới thay thế NQ54 ngay sau khi được Quốc hội thông qua, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh liên quan trong quá trình thực hiện.

Nghị quyết thay thế NQ54 có thể xem như một "khung pháp lý sandbox" gắn với xu thế phát triển mới, yêu cầu mới về quản trị, cần theo thông điệp "Linh hoạt - tốc độ - học - hoàn thiện tiếp" để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cán bộ, công chức của TP.HCM cần mạnh dạn triển khai nghị quyết theo ý nghĩa này.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đột phá chính sách để TP.HCM bắt nhịp xu thế mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO