Đón FDI: Còn nhiều “điểm nghẽn”

Hồng Nga - Ý Nhi| 12/04/2021 06:50

Là trung tâm kinh tế của Việt Nam và là điểm dừng chân của nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI), nhưng TP.HCM đang mất dần vị thế đầu tàu. Để thúc đẩy năng lực cạnh tranh và trở lại đường đua hút vốn ngoại, Thành phố cần giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính, đất đai, hạ tầng, vốn, môi trường...

hinh-bai-2-samsung-7732-1618216087.jpg

Khu Công nghệ cao TP.HCM cần thực hiện cơ chế "một cửa tại chỗ"

Khan hiếm quỹ đất, giá thuê quá cao

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, từ năm 2014-2017, nguồn vốn đầu tư vào TP.HCM tăng liên tục và trung bình mỗi dự án có vốn đăng ký xấp xỉ 2 triệu USD, nhưng đến cuối năm 2020, vốn đầu tư bình quân mỗi dự án giảm còn khoảng 500.000 USD. Các dự án mới có quy mô từ trăm triệu USD trở lên cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi các dự án đang hoạt động có tăng vốn cũng không nhiều. Việc dịch chuyển các dự án từ TP.HCM đến các địa phương khác có xu hướng tăng lên... Cụ thể, hai tháng đầu năm 2021, vốn ngoại vào TP.HCM thấp hơn cả Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương và Tây Ninh. 

Nhiều doanh nghiệp FDI chỉ ra điểm nghẽn thu hút vốn lớn nhất của Thành phố hiện nay là thiếu quỹ đất sạch và giá thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cao hơn các địa phương khác. Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, trong năm 2021, HEPZA đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thực hiện, ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, còn do quỹ đất sạch thu hút đầu tư trong năm nay chỉ còn 120ha và số diện tích thực cho thuê để phát triển công nghiệp chỉ khoảng 80ha... 

Cũng theo nghiên cứu của HEPZA, hiện giá thuê đất ở các KCX, KCN của Thành phố bình quân 125 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm, trong khi con số này ở Đồng Nai chỉ 74 USD, Bình Dương 43,7 USD hay Long An 76 USD... 

Tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM hồi đầu tháng 3 năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, hạ tầng KCN và khu công nghệ cao hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. 5 năm qua, TP.HCM không có thêm KCN nào mới. Hiện Thành phố vẫn chỉ có 18 KCN,  KCX với tổng diện tích 3.700ha đất công nghiệp cho thuê. 

Điểm nghẽn hạ tầng, thủ tục hành chính...

Cùng với đất đai, các vấn đề về môi trường đầu tư, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, hạ tầng... cũng được các nhà đầu tư FDI quan tâm. Bà Mary Tanowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho rằng, Thành phố cần dành nguồn vốn lớn để phát triển đường cao tốc, tàu điện ngầm, cảng, sân bay kết nối với các vùng kinh tế, trong đó có Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện JETRO cũng cho rằng, Thành phố cần phát triển thêm cơ sở hạ tầng các vùng cách trung tâm từ 1-2 giờ di chuyển, vì các doanh nhân và chuyên gia Nhật Bản, tuy làm việc ở những địa phương cách Thành phố khoảng 2 giờ đi xe nhưng vẫn thích sống tại TP.HCM. 

Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham) cho biết, các thành viên EuroCham vẫn gặp khó khăn khi xin giấy phép đầu tư do các sở ngành thiếu hướng dẫn chi tiết và dẫn giải luật quy định không thống nhất khiến doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian. Có một doanh nghiệp thành viên của EuroCham muốn nhập khẩu máy móc, nguyên liệu chất lượng cao vào Việt Nam nhưng họ mất ít nhất 6 tháng mới hoàn thành thủ tục giấy tờ để thông quan. 

GS-TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Viện Friedrich Naumann (Đức) tại Việt Nam cũng nhận định: “Không giống như Thái Lan với mô hình phát triển hướng tâm, Việt Nam là một đất nước có nhiều trung tâm. Thành phố lớn xếp thứ hai của Thái Lan là Chiang Mai với vỏn vẹn khoảng 150.000 dân. Bởi vậy, hầu như tất cả nhà đầu tư tại Thái Lan đều hướng về một cái tâm duy nhất là thủ đô Bangkok.

Trong khi đó tại Việt Nam, cuộc đua giữa các địa phương lại sôi nổi hơn nhiều. Năm thành phố lớn trong cả nước là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng cùng 58 tỉnh, thành khác đều nỗ lực thu hút các nhà đầu tư về địa phương mình. Đây là một môi trường cạnh tranh hết sức tích cực bởi nó thúc đẩy sự phát triển và tính hiệu quả của mỗi địa phương trên cả nước.

Song thách thức lớn nhất mà thành phố triệu dân này đang đối mặt không phải là hiện tượng thu hút quá nhiều ưu đãi đầu tư, mà nằm ở môi trường và quy hoạch đô thị. Trong đó bao gồm việc nên thận trọng trong việc xây dựng nhiều tòa nhà dân cư và văn phòng gần khu vực bờ sông bởi điều kiện địa hình.

Bên cạnh đó, lĩnh vực cung cấp nước và xử lý nước thải, một nhiệm vụ thực sự nặng nề ở một thành phố đông dân như TP.HCM. Rác thải và xử lý chất thải cũng như chính sách giao thông cũng là vấn đề cần xử lý. Tại một số thời điểm, vấn đề ô nhiễm tại Thành phố trở nên đáng báo động. Đây là những điều kiện cần thiết và đáng quan tâm để Thành phố thu hút hơn nữa dòng vốn FDI, doanh nghiệp và người lao động, tiến tới hoàn thành kế hoạch trở thành trung tâm kinh tế lớn. 

Bieu-do-bai-2-FDI-2335-1618216087.jpg

Gỡ nút thắt

Theo ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế Quản lý TP.HCM, với tiềm năng và thế mạnh riêng, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM có thêm thành phố Thủ Đức với loạt chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ trong năm nay, TP.HCM có nhiều lợi thế vì hầu như các nhà đầu tư lớn nước ngoài đến Việt Nam đều có văn phòng đặt tại đây. Đây cũng là nơi giao thương lớn, gặp gỡ, hội tụ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước và là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Năm 2021, lợi thế của TP.HCM cũng là của Việt Nam trong thu hút FDI là các hiệp định thương mại quan trọng đã ký kết trong năm qua và vài năm trước. 

Để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, TP.HCM đã xây dựng 10 nhóm giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tiếp cận nguồn lực đất đai, hoàn thiện thiết chế pháp lý... là những giải pháp được ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng chính quyền thành phố cần phải tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để họ tiếp tục tin tưởng và an tâm đầu tư lâu dài. Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào TP.HCM có môi trường kinh doanh thuận lợi. Bởi nhà đầu tư không chỉ muốn đem tiền đầu tư vào mà còn lôi kéo thêm bạn bè quốc tế tới đầu tư tại Việt Nam. 

Còn GS-TS. Andreas Stoffers thì cho rằng: “Để giúp các doanh nghiệp FDI có “lộ trình” đầu tư thông thoáng hơn, cần rất nhiều chính sách và quyết định ở tầm trung ương. Bao gồm các chính sách thương mại. Ví dụ việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (như EVFTA hoặc UKVFTA), chính sách tài khóa và tiền tệ, và Luật Đầu tư (ví dụ Luật Bảo vệ đầu tư mới của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1/2021). 

Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố có thể phát huy ảnh hưởng của mình và ủng hộ chính sách kinh tế mở tại địa phương, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh một cách tích cực giữa các vùng mà tôi đã mô tả. Cụ thể, Thành phố có thể khuyến khích các ngành công nghiệp then chốt và các dịch vụ quan trọng đặt trụ sở tại Thành phố thông qua các chương trình và ưu đãi”. 

Đưa ra chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) với hai ví dụ thành công là tỉnh Quảng Ninh với sự phát triển mô hình một cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tỉnh Thừa Thiên - Huế với việc áp dụng mô hình thành phố thông minh, GS-TS. Andreas Stoffers nhấn mạnh một số cách tiếp cận để thúc đẩy năng lực cạnh tranh. “Tất nhiên, những cách tiếp cận này không thể áp dụng một cách công thức từ nơi này qua nơi khác. Những ý tưởng mới sẽ luôn xuất hiện. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp nhân sự có trình độ là vô cùng cần thiết. Giáo dục đại học và đào tạo là những lĩnh vực còn nhiều điều có thể làm được tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách kinh tế và quy hoạch đô thị, TP.HCM cũng cần tăng cường nỗ lực xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu và định hướng mục tiêu của riêng mình. “Cũng như các thành phố lớn như Berlin, Paris, New Delhi và Washington, tại TP.HCM các doanh nhân nên định vị bản thân và đẩy mạnh truyền thông trên trường quốc tế như một “trung tâm kinh tế”, “thành phố đáng sống” và là “cửa ngõ vào ASEAN và khu vực Thái Bình Dương”, GS-TS. Andreas Stoffers nói.    

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Nếu đầu tư nhà nước cho TP.HCM giảm dần sẽ tạo thành điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về hạ tầng vì đầu tư nhà nước trước hết là đầu tư hạ tầng. Năng lực hạ tầng, năng lực kết nối kém thì toàn vùng không phát huy được lợi thế. TP.HCM và vùng kinh tế Đông Nam Bộ đang thiếu nguồn lực trầm trọng, đó là vốn đầu tư cho hạ tầng. Việc đầu tư thêm vào TP.HCM và vùng, đặc biệt là đầu tư nhà nước trở thành mệnh lệnh của sự phát triển đối với cả nước.

Trong nhiệm kỳ Chính phủ tới đây, phải giải quyết cho được sự đồng thuận tăng thêm nguồn lực cho TP.HCM, cụ thể là tăng ngân sách để lại cho Thành phố từ 18% lên 23% như Thành phố đang kiến nghị để làm cơ sở cho Quốc hội, Bộ Chính trị quyết định. Chúng ta không thể lấy đi của TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ quá mức được nữa, phải tăng tỷ lệ ngân sách để lại một cách nhanh nhất.

----------------------------------

Ông Lê Hoài Quốc - nguyên Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP):

Quý I/2021, SHTP không còn dẫn đầu về số vốn nếu so sánh với các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM (HEPZA). Và thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận như Đồng Nai.

SHTP đã đề xuất lên lãnh đạo Thành phố các cơ chế cho SHTP nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu. Một trong số đó là cơ chế "một cửa tại chỗ”.  Trước đây, với cơ chế "một cửa tại chỗ”, TP.HCM đã cấp kinh phí và thẩm quyền độc lập thẩm định khả năng chấp thuận dự án đầu tư trước khi trình lên UBND Thành phố cấp phép. Khi đó, tất cả quy trình thẩm định một dự án đầu tư vào SHTP do Hội đồng khoa học tại SHTP xử lý cho doanh nghiệp, đúng nghĩa một cửa tại chỗ.

Tuy nhiên, theo thời gian, các văn bản luật của các bộ, ngành ra đời đã lấy dần quyền thẩm định các dự án, chuyển về các bộ, ngành chuyên môn, buộc doanh nghiệp phải gõ cửa nhiều nơi. Trong khi trước đó, tất cả quy trình thủ tục này đều được xử lý ngay tại Khu Công nghệ cao.

Việc SHTP đề xuất thực hiện cơ chế "một cửa tại chỗ” là rất cần thiết vì giờ đây SHTP đang mất đi tính chủ động trong hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi, cơ chế "một cửa tại chỗ” rõ ràng đã hỗ trợ doanh nghiệp một cách tiện lợi, ít tốn kém nhất cả về thời gian và chi phí. Ngoài ra, "một cửa tại chỗ” còn giúp quản lý minh bạch, tránh tiêu cực, bởi vì khi cho phép SHTP tự quyết hay phân tán thẩm quyền về các sở, ngành thì ở đâu cũng phải kiểm soát tránh tiêu cực. Nếu không áp dụng cơ chế "một cửa tại chỗ” trao quyền chủ động thẩm định dự án cho SHTP thì ít nhất cũng xây dựng cơ chế một đầu mối tại SHTP. 

B.Tâm ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đón FDI: Còn nhiều “điểm nghẽn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO