Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay, những vị thuyền trưởng doanh nhân Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op và ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh đã có những chia sẻ về động lực và giải pháp giúp họ vững tay chèo vượt khó.
* Động lực nào để doanh nghiệp ông có thể vượt qua khó khăn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua?
- Ông Trần Lệ Nguyên: Tuy dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nhưng Tập đoàn KIDO vẫn hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu đề ra. Động lực giúp chúng tôi có thể vượt qua khó khăn đó chính là từ niềm tin yêu và sự ủng hộ của khách hàng. Với lĩnh vực kinh doanh chủ lực là thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Những sản phẩm của tập đoàn trong mùa dịch vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là dầu ăn. Do đó, trong mùa dịch, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp đầy đủ hàng hóa đến tay người tiêu dùng, kiểm soát chuỗi cung ứng để hạn chế tối đa tình trạng thiếu hàng, đặc biệt là những vùng tâm dịch.
Bên cạnh đó, tập thể cán bộ nhân viên tập đoàn trong tâm thế luôn theo dõi diễn biến mới nhất từ Chính phủ, tuân thủ quy định, các hướng dẫn từ cơ quan chức năng và triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ nhân viên. Chính sức mạnh tập thể, tính kỷ luật và luôn hướng về mục tiêu là động lực giúp chúng tôi có thể vượt qua những khó khăn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
- Ông Phan Minh Thông: Khi Vũ Hán phong tỏa tôi đã nhìn thấy viễn cảnh khó khăn. Lúc đó dù châu Âu và Mỹ chưa nhận thức được hiểm nguy, còn tôi đã xác định mình phải nỗ lực hơn rất nhiều để lỡ có gì thì mình còn có lương khô dùng dần. Thời gian qua, tôi khẳng định là đã nỗ lực không ngừng. Song mọi thứ không như mong muốn, cứ khó dần lên, lớn hơn lên. Ban đầu là thị trường Ý, Tây Ban Nha đóng cửa, rồi dần dần là tất cả các nước khác. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là châu Âu nên mọi khó khăn đều ập đến cùng lúc. Khi đó tôi nghĩ, mình có sự lựa chọn nhiều đâu? Phải thích nghi thôi!
Ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh |
Vậy là phải nghĩ làm sao để có thể bán được hàng, xem toàn bộ danh sách khách nào mà bán được nhiều thì tiếp cận họ. Thật may mắn là bao năm nay, chính sách của Phúc Sinh tiếp cận khá đa dạng khách hàng, nên điều đó đã hậu thuẫn cho chúng tôi trong khó khăn không ít.
- Ông Nguyễn Anh Đức: Trong suốt hơn 30 năm lịch sử hình thành và phát triển, việc Saigon Co.op được tôn vinh hình ảnh không chỉ là đơn vị đồng hành, mà còn là điểm tựa cho cộng đồng vượt qua những khó khăn, thách thức và gian khó, gian khổ. Chính động lực này khiến chúng tôi luôn suy nghĩ, trăn trở và nhất quyết phải tồn tại và vượt qua, không chỉ cho chính mình, mà cho cả cộng đồng, xã hội. Suy nghĩ này đã làm hun đúc thêm ý chí cho ban lãnh đạo, tập thể cán bộ nhân viên Saigon Co.op và cũng chính là bản lề trong mọi quyết định xuyên suốt thời gian dịch bệnh Covid-19.
Động lực để chúng tôi vượt qua, còn là cuộc sống của hơn 20.000 gia đình cán bộ - nhân viên Saigon Co.op, là nhu cầu thực phẩm, nhu yếu phẩm của hàng triệu gia đình khách hàng đã tin tưởng giao phó trách nhiệm cho Saigon Co.op trong hơn 30 năm qua. Tập thể Saigon Co.op cảm thấy trách nhiệm rất lớn của mình đối với xã hội. Đây cũng chính là động lực giúp tập thể Saigon Co.op từng bước vượt qua khó khăn để tồn tại và trụ vững.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh ngược lại, với sự tận tâm trong thời gian dài phục vụ, khách hàng, những đối tác luôn đặt niềm tin Saigon Co.op là một điểm tựa để cùng gắn kết. Lãnh đạo cơ quan quản lý các cấp cũng tin tưởng giao những nhiệm vụ đặc thù để chúng tôi cùng đồng hành, cùng phối hợp với nhiều lực lượng để tham gia chống dịch một cách hiệu quả. Mình cùng mọi người, mọi người cùng mình vượt qua gian khó.
Chúng tôi luôn tâm niệm trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội nên cố gắng nhìn nhận và nắm bắt những cơ hội có được. Saigon Co.op tâm huyết giữ gìn và phát huy bản sắc nhân văn cao đẹp của mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã. Chúng tôi tâm nguyện luôn nỗ lực hết sức, thực hiện tốt nhất những gì trong khả năng một cách vô tư nhất có thể.
* Doanh nghiệp của ông đã áp dụng những giải pháp nào để trụ vững, duy trì và phát triển sản xuất? Đâu là bài học có thể rút ra trong đợt khủng hoảng vừa qua?
- Ông Trần Lệ Nguyên: Khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối, dự trữ hàng hóa, kết nối với các đơn vị được phép phục vụ các sản phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân ở các khu vực “nóng” của dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhanh chóng đưa ra thị trường các sản phẩm bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng cho người dân, đẩy mạnh các sản phẩm cao cấp và tăng cường các hoạt động mở rộng thị phần trên các kênh phân phối.
Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO |
Song song đó, tập đoàn cũng triển khai rà soát và tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm cốt lõi và cao cấp. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và các hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường, nắm bắt được các xu hướng ăn vặt của giới trẻ và nhu cầu sử dụng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tập đoàn liền cho ra mắt các sản phẩm mới để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Qua đợt khủng hoảng vừa rồi, tôi nghĩ bài học rút ra không chỉ cho riêng KIDO mà cũng như các công ty kinh doanh khác là việc nên chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng trước những diễn biến khó lường của thị trường.
- Ông Nguyễn Anh Đức: Trong tổng thể, đứng trước khó khăn, chắc chắn doanh nghiệp nào cũng sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Với Saigon Co.op, chúng tôi thiết lập một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, những phương hướng, kế hoạch, dự án cho tương lai được tạm dừng nhanh, chuyển hướng tập trung ngắn hạn cho những khắc phục trước mắt, nắm bắt cơ hội ngắn hạn và dùng nguồn lực này để tập trung phát triển phù hợp với ngắn hạn. Tập trung cùng cả nước, xã hội chống dịch từ những thế mạnh của chính mình, tiên phong thực hiện.
Thứ hai, trong quá trình thực thi các chính sách điều tiết, không áp dụng những giải pháp dài hạn cho những giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt. Chính vì vậy, Saigon Co.op áp dụng những hạn mức kinh phí phù hợp để đáp ứng yêu cầu khắc phục tình hình nhằm có hiệu quả tức thì. Kể cả những giải pháp online, bán hàng không thông qua cửa hàng cũng được áp dụng là những giải pháp ngắn hạn. Trong điều kiện khó khăn, để phát triển dài hạn sẽ có những tính toán đầu tư căn cơ khác.
Thứ ba, trong các cắt giảm cho phù hợp với tình hình khẩn cấp thì tuyệt đối không cắt giảm nhân sự. Trên thực tế, không nhân sự nào của Saigon Co.op bị nghỉ việc trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Chính việc tạo điều kiện tối đa cho cán bộ - nhân viên, tập thể, hơn lúc nào hết sẽ thực tâm gắn bó với mái nhà chung và giúp cho Saigon Co.op thực thi các chính sách một cách hiệu quả.
Thứ tư, Saigon Co.op luôn theo đuổi chính sách khách hàng là trung tâm, chúng tôi luôn tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các đối tác giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và hàng hóa. Ở khía cạnh nào đó, Saigon Co.op sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi trước mắt để mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, đồng thời cùng khách hàng và đối tác gắn kết chặt chẽ hơn nhằm vượt qua khó khăn. Nguyên tắc này sẽ giúp xây dựng những mối quan hệ hợp tác bền vững, tin tưởng lâu dài giữa Saigon Co.oo với khách hàng và những đối tác có cùng chí hướng phát triển vì lợi ích cộng đồng.
- Ông Phan Minh Thông: Thực tế, có rất nhiều người khi gặp khách hàng “khủng” thì rất vui mừng và bán hết cho họ. Nhưng “cược” vào một khách hàng lớn, nếu họ có rủi ro gì thì mình cũng... lãnh đủ. Chúng tôi ngay từ đầu đã xây dựng chiến lược lựa chọn khách hàng tầm trung nhưng tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tôi không hướng đến lựa chọn khách hàng quá lớn, mà chú trọng sự tử tế và thanh toán tốt. Nói cách khác là thực sự tôi ít bị lóa mắt bởi khách hàng cực lớn hay người rất giàu. Trong kinh doanh, biết nói không cũng rất tốt. Đấy là một lợi thế lớn để khi dịch xảy ra, các khách hàng tầm trung cũng đã nỗ lực và tài chính tốt để tiếp tục cầm cự, khai thác và đáp ứng nhu cầu mua từ kênh online lẫn siêu thị. Thậm chí họ mua gấp đôi hay gấp ba những năm trước. Chúng tôi tập trung vào họ và cố gắng kiên trì cung cấp ngày đêm cho họ. Từ tháng 1-4/2020, Phúc Sinh tăng 30% về sản lượng bán ra cho thị trường.
* Ông có thể chia sẻ cảm nhận về Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay?
- Ông Nguyễn Anh Đức: Thật tự hào khi đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, hai từ “doanh nhân” đã xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013.
Ngày Doanh nhân Việt Nam không đơn thuần chỉ là một ngày kỷ niệm, mà còn là sự tôn vinh giới doanh nhân Việt, đề cao vai trò và vị trí họ trong hoạt động kinh doanh, đóng góp thiết thực cho đất nước.
Giới doanh nhân Việt cũng càng có ý thức hơn đối với vai trò của mình khi thực hiện các trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, đất nước. Có thể thấy rằng, từ khi hai từ “doanh nhân” xuất hiện trong Hiến pháp 2013, số lượng doanh nghiệp và chất lượng doanh nghiệp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam tăng cao và các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội của các doanh nhân, doanh nghiệp cũng càng có ý nghĩa lớn lao hơn.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op |
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, tập thể Saigon Co.op xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cộng đồng doanh nhân đã có nhiều cống hiến cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển bền vững. Saigon Co.op luôn tự hào là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam của người Việt xây dựng, và vì người Việt phục vụ. Saigon Co.op mong muốn luôn là cầu nối gắn kết cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và luôn sẵn sàng cùng hợp tác để cùng chung tay xây dựng và phát triển một thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động tầm khu vực.
- Ông Phan Minh Thông: Cộng đồng doanh nhân tạo ra vô vàn công ăn việc làm cho xã hội. Họ là những người đi đầu trong các tầm nhìn, dự án, công việc khó khăn để tạo nhiều công ăn việc làm cũng như góp phần xây dựng xã hội ngày càng thịnh vượng hơn và đó cũng là trách nhiệm và nhiệm vụ của cộng đồng doanh nhân.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, xin gửi lời chúc tới các doanh nhân trên mọi miền Tổ quốc có nhiều sức khỏe và ý chí mạnh mẽ để cùng xây dựng một xã hội tươi đẹp và thịnh vượng hơn.
- Ông Trần Lệ Nguyên: Tôi luôn có ao ước cần thêm nhiều doanh nghiệp Việt có quy mô doanh số trên 10.000 tỷ đồng. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thực sự lớn và mạnh chưa nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi với một thị trường tiêu dùng quy mô gần 100 triệu dân, doanh nghiệp tư nhân có điều kiện để vươn tới mục tiêu cao hơn.
Ngay cả bản thân KIDO, từ nhiều năm trước chúng tôi cũng xác định nếu chỉ làm bánh kẹo thì cố gắng lắm cũng chỉ đạt quy mô 4.400-5.000 tỷ đồng là hết. Nếu muốn đột phá phải tìm cách khác, đây chính là lý do để chúng tôi quyết định rẽ hướng, chuyển nhượng lại mảng bánh kẹo và thâm nhập vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.
Không chỉ có KIDO, ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thông qua các thương vụ M&A để lấn sân những mảng kinh doanh mới, tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Đó là tín hiệu rất mừng.
Theo tôi, chúng ta không thể phủ nhận vai trò đóng góp của kinh tế tư nhân, các chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này đều đã có. Do đó, chỉ cần tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, họ sẽ tự phát huy được các lợi thế này.
Tôi hy vọng, Ngày Doanh nhân Việt Nam mỗi năm sẽ ngày càng chào đón nhiều gương mặt trẻ, triển vọng, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam cũng như ghi dấu trên thị trường quốc tế.