Đổi mới giáo dục: Khế ước với xã hội

TRẦN ĐỨC CẢNH/DNSGCT| 30/11/2013 08:54

Ở bất cứ nền giáo dục nào, yếu tố thị trường và sự chấp nhận của xã hội trong lâu dài về sản phẩm, điển hình là học sinh và sinh viên đã qua đào tạo, là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển.

Đổi mới giáo dục: Khế ước với xã hội

Vừa qua, Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo được ban hành, thể hiện sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong công cuộc đổi mới giáo dục đất nước. Tuy nhiên, nhìn từ nhiều góc độ, bản thân ngành giáo dục sẽ khó mà giải quyết các vấn đề một cách đồng bộ và hiệu quả nếu không có sự đồng hành của toàn xã hội và đáp ứng được một số điều kiện căn bản giáo dục đại học dưới đây.

University of Texas - Austin có đến 170 ngành học

Định hướng và kế hoạch nguồn nhân lực một cách hiệu quả

Ở bất cứ nền giáo dục nào, yếu tố thị trường và sự chấp nhận của xã hội trong lâu dài về sản phẩm, điển hình là học sinh và sinh viên đã qua đào tạo, là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Để phát triển đất nước, kế hoạch nguồn nhân lực phải gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội theo nghĩa rộng.

Tại các nước, những nghiên cứu về nguồn nhân lực các cấp thường xuyên được mổ xẻ, phân tích, tranh luận trên các tập san khoa học, diễn đàn hoặc trong các hội thảo một cách rộng rãi. Các trường đại học, trung tâm đào tạo sẽ nghiên cứu và tham khảo các tài liệu cần thiết để lập kế hoạch cho riêng mình.

Một khi kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội trong chu kỳ 10 đến 25 năm còn nhiều bất cập như ở Việt Nam thì khó định hướng và vạch kế hoạch nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Thêm vào đó là kế hoạch của Bộ GD-ĐT qua cách quản lý, xét điểm sàn, cấp chỉ tiêu cho các trường ĐH và CĐ hằng năm còn nặng phần tập trung và chủ quan.

Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay không phải là bắt đầu từ chất lượng nguồn nhân lực thấp hay kinh tế chậm phát triển, mà là một định hướng phát triển kinh tế và xã hội ngắn và dài hạn được nghiên cứu, phân tích và đánh giá một cách khoa học và bài bản, được sự chấp nhận của xã hội.

Dưới đây là một ví dụ về mô hình phát triển nguồn nhân lực trong chu kỳ 25 năm.

Con số của năm 2013 theo thống kê, còn con số của năm 2038 mang tính giả định. Nhưng đây là mô hình lý tưởng nếu kế hoạch nguồn nhân lực nước ta có thể đạt được trong 25 năm tới, tức là có nền công nghiệp tiên tiến và đòi hỏi sự tập trung đầu tư đúng hướng.

Để tận dụng nguồn nhân lực có chuyên môn cao cho ngành giáo dục theo mô hình này, đến thời điểm năm 2038 chúng ta cần khoảng 75% số tiến sĩ, 25% số có chuyên môn cao (Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, Luật sư...) và 10% số thạc sĩ của cả nước tham gia vào công tác giảng dạy ĐH-CĐ.

Theo ước tính, hiện nay chỉ có khoảng 40% trong số trên dưới 25.000 tiến sĩ trên cả nước tham gia giảng dạy, phần lớn còn lại làm công tác chuyên môn, quản lý tại các cơ quan nhà nước.

Nếu như đa số họ được đào tạo theo chương trình tiến sĩ bài bản thì đây là một nghịch lý và phí phạm lớn, vì mục đích đào tạo tiến sĩ ở các nước là để làm nghiên cứu và giảng dạy, chứ không phải làm quản lý.

Tái cấu trúc mô hình đại học, cao đẳng

Theo giả định trên thì dân số Việt Nam năm 2038 là 120 triệu người, số tuổi lao động từ 15 - 50+ là 69,6 triệu người, chiếm 58% dân số. Tỷ lệ (%) được tính theo dân số tuổi lao động.

Trong nghị quyết vừa được ban hành có phần tái cấu trúc mô hình ĐH-CĐ. Nếu Việt Nam muốn theo mô hình của các nước tiên tiến thì đây là việc nên làm. Tái cấu trúc, tổ chức có thể chia ra thành các nhóm trường như sau:

Nhóm A: Phân loại khoảng 10 ĐH công lớn ở các vùng trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Cần Thơ thành ĐH nghiên cứu, làm cả hai công tác nghiên cứu và giảng dạy.

ĐH nghiên cứu không nhất thiết là tất cả các ngành học đều tham gia nghiên cứu mà nên tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh. Ví dụ như ĐH Nha Trang có thể kết hợp với Viện Hải dương học nghiên cứu sâu về biển và ngành hải sản, ĐH Cần Thơ đã có lợi thế về nông nghiệp và công nghiệp chế biến...

Hiện đã có phương án đầu tư nâng cấp vài trường ĐH lớn trong nước để ngang tầm với khu vực và quốc tế (như Thái Lan hiện nay có ba trong số 100 trường hàng đầu của châu Á và hai trong số 300 trường trên thế giới).

Nhưng cách nhanh và ít tốn kém nhất là đầu tư phát triển ngành mũi nhọn, khai thác có lợi thế có sẵn của một số trường ĐH nghiên cứu, từ đó sẽ kéo theo và san bằng dần sự khác biệt của các ngành khác cùng trường.

Điển hình như ĐH UC Davis (Mỹ) trước kia là một trường thuần túy về nông nghiệp, nhưng nay là một trường đa ngành, xếp hạng thứ 39 trong số các trường ĐH danh tiếng nhất nước Mỹ.

Nhóm B: Các ĐH công cấp vùng, tỉnh còn lại. Nhiệm vụ chính là giảng dạy và phát triển các ngành mang tính quản lý, công nghệ và ứng dụng, đáp
ứng nhu cầu phát triển ngành nghề cấp vùng hay địa phương.

Nhóm C: Các trường CĐ nên rút ngắn thời gian từ ba năm xuống hai năm, vừa thiết thực và tránh lẫn lộn chương trình 3-4 năm CĐ/ĐH sau này, tập trung vào hai chức năng: Chương trình tương đương hai năm đầu ĐH và đào tạo ngành nghề thích ứng với nhu cầu nhân lực của địa phương.

Nhóm D: Hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập dù còn non trẻ nhưng là tác nhân của sự linh hoạt, sáng tạo và cập nhật. Nhóm này cần sự đối xử công bằng từ phía nhà nước trong các chính sách giáo dục và đào tạo.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT nên quản lý nhóm này theo mặt định hướng và chính sách chứ không xen sâu vào việc quản lý của các trường.

Nhóm E: Ngoài ra, các trường ĐH nước ngoài đầu tư vào trong nước là những nhân tố tích cực cho nền giáo dục nước nhà. Mô hình các đại học tiên tiến sẽ giúp các trường trong nước phát huy.

Nhà nước nên có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường bất vụ lợi, đa ngành, nặng về nghiên cứu và mang tính đầu tư lâu dài, như mô hình ĐH Fulbright (Mỹ) đang được đề xuất ở Việt Nam.

Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các trường ĐH và các trung tâm nghiên cứu

Cấu trúc của trung tâm nghiên cứu và một số trường ĐH, CĐ chuyên ngành hiện nay đã lỗi thời và kém hiệu quả. Theo mô hình ĐH các nước tiên tiến thì cần phải có sự tập hợp hay liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm nghiên cứu và trường ĐH, nếu không sẽ làm phân tán nguồn nhân lực cần thiết cho việc nghiên cứu và giảng dạy, khiến cho sinh viên mất cơ hội học và nghiên cứu. Điều này càng đúng khi nguồn lực nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta vừa thiếu vừa yếu.

Theo đó, không những cần đưa phần lớn các trung tâm nghiên cứu khoa học và xã hội hiện nay vào các ĐH, mà cũng cần tập hợp một số các ĐH công lại với nhau.

Chẳng hạn ở Mỹ, trường ĐH đa ngành UCLA có 11 trường (school hay college), 109 khoa (department) và 125 ngành học (major) cho 42 ngàn sinh viên (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ), tương tự University of Texas - Austin có 17 trường, 170 ngành học cho 50 ngàn sinh viên.

Lợi thế là tập hợp và hiệu quả nguồn lực giảng dạy, nghiên cứu và học tập, cùng với môi trường sống, sinh hoạt linh động và đa dạng cho sinh viên. Sinh viên có cơ hội lấy các môn ngoài ngành cùng một trường, với các giáo sư, giảng viên chuyên ngành, thay vì chấp vá như một số trường trong nước hiện nay.

Các ĐH lớn của Mỹ đều tổ chức theo mô hình đa ngành, vì nó vừa hiệu quả trong quản lý điều hành sử dụng tốt nhân vật lực. Nếu đem so sánh với mô hình này thì các ĐH công của cả Việt Nam giảm xuống dưới 50 trường, và hai thành phố lớn còn lại chừng tám trường là nhiều.

Bên cạnh đó, các ĐH dân lập phần lớn đang phát triển theo hướng đa ngành, tự họ có thể sắp xếp chương trình và kế hoạch nguồn lực để tồn tại và phát triển. Nếu không thì sẽ bị đào thải theo luật vận hành của cơ chế thị trường.

Để thực hiện được mô hình ĐH tập hợp và đa ngành, lâu dài cần phải có một không gian và môi trường sống, học tập lành mạnh và thông thoáng, việc di dời các ĐH và CĐ hiện nay ra khỏi trung tâm là điều tất yếu.

Kiểm soát chất lượng các trường ĐH, CĐ ở địa phương

Theo thống kê thì cả nước hiện có 424 trường ĐH và CĐ cùng 2.179.000 sinh viên. Tỷ lệ số lượng trường tăng 108% và lượng sinh viên tăng 113% trong vòng một thập niên qua đã làm mất cân đối cả hệ thống giáo dục, kèm theo một số vấn đề mang tính hệ thống khiến chất lượng đào tạo sinh viên xuống cấp trầm trọng.

Việc cho phép thành lập mạng lưới trường cao đẳng ở 60/63 tỉnh, thành phố là phù hợp, nhưng với số lượng trường CĐ tăng nhanh, kèm theo sự cho phép nâng cấp các trường CĐ lên ĐH công và mở thêm nhiều trường ĐH ngoài công lập tại các địa phương, trong khi nguồn lực giảng dạy tại
chỗ còn quá hạn hẹp đã tạo ra những bất cập.

Lẽ ra thì chỉ cho phép mở trường CĐ ở một số tỉnh, nâng cấp hay cho mở thêm ĐH chỉ khi nào địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện nguồn nhân, vật lực. Phần lớn nhu cầu nhân lực tại nhiều tỉnh, địa phương hiện nay chỉ cần đào tạo đến bậc CĐ, nhu cầu đào tạo ĐH ở cấp vùng là đủ.

Để tập trung hiệu quả nguồn lực giáo dục để phát triển, cũng nên xem xét các trường ĐH, CĐ công nằm rải rác ở các Bộ ngành, có thể tập trung nằm dưới Bộ GD-ĐT, đặc biệt là CĐ nghề hiện nay dưới sự quản lý của Bộ LĐTB-XH. Thực ra CĐ nghề chỉ là một hệ của trường CĐ.

Cuối cùng, để thực hiện đề án đổi mới giáo dục thành công, vai trò của người lãnh đạo phải thật kiên quyết, liên tục và có khả năng thuyết phục. Để thực hiện thành công đề án đổi mới giáo dục lần này, thì nó phải được xem như một khế ước với xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới giáo dục: Khế ước với xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO