Doanh nhân nội giữ vai trò chính

Nguồn SGTT| 24/08/2009 07:39

Chẳng nước nào có nền kinh tế phát triển mà đa số người dân lại thích xài hàng ngoại hơn hàng nội...

Doanh nhân nội giữ vai trò chính

Chẳng nước nào có nền kinh tế phát triển mà đa số người dân lại thích xài hàng ngoại hơn hàng nội: đơn giản, không chinh phục được lòng tin của đồng bào, thì đừng hòng đi chinh phục người nước ngoài.

Người giữ vai trò trung tâm, quyết định cho sự thành công của chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là doanh nhân nội, chứ không phải là người tiêu dùng, cũng không phải là nhà chức trách công.

Bởi vậy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là biện pháp phát huy lòng yêu nước: nó tạo ra một trong những điều kiện then chốt, cả về vật chất và tâm lý, cho việc thực hiện những dự tính cao xa và dài hơi của doanh nhân nội về tìm kiếm, kiểm soát, gìn giữ và phát triển thị phần, về quảng bá rộng rãi thương hiệu Việt.

Vả lại, lòng yêu nước không sinh ra từ việc dùng hàng nội. Tình cảm ấy có trước và đặt cơ sở cho sự hình thành ý thức coi trọng những gì do đất nước làm ra; ý thức này, đến lượt mình, thúc đẩy người ta đến với hàng nội như là kết quả sự lựa chọn ưu tiên và tự nguyện. Theo thời gian, những ghi nhận tích cực về chất lượng sản phẩm càng lúc càng hoàn thiện khiến người tiêu dùng nội thêm tin tưởng và kiên định với sự lựa chọn của mình, đồng thời gia tăng niềm tự hào về những giá trị gắn liền với đất nước, dân tộc mình.

Tất nhiên, trong điều kiện nền sản xuất còn non yếu, sức cạnh tranh của sản phẩm nội cũng yếu. Chấp nhận dùng hàng nội trong hoàn cảnh ấy thực sự là hành động mang ý nghĩa hy sinh, cần dựa vào lòng yêu nước, có khi phải dựa vào cả những định kiến thiên lệch, cực đoan.

Đối với các thành viên cơ quan nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức hưởng sự hỗ trợ ngân sách hoạt động từ Nhà nước, còn có thể áp dụng các biện pháp mệnh lệnh: phải dùng hàng nội mới được thanh toán hoá đơn, mới được xét công nhận đạt thành tích trong công tác, trao tặng các danh hiệu thi đua, phần thưởng,…

Vấn đề là hàng nội hay hàng ngoại trước hết đều là sản phẩm kinh tế, là cái được doanh nhân làm ra để bán và thu lợi, chứ không phải để cho không. Một khi hàng nội được tiêu dùng, người đầu tiên và trực tiếp hưởng lợi, không ai khác, là doanh nhân nội.

Từ thời xưa, các nhà hiền triết nói rằng theo một trong những nguyên tắc cơ bản mà xã hội có tổ chức phải tuân thủ để có thể vận hành bình thường, gọi là nguyên tắc công bằng hình học, thì mỗi thành viên chỉ được hưởng những lợi ích mà mình xứng đáng thụ hưởng. Sự xứng đáng ấy được đánh giá chủ yếu dựa trên sự cống hiến được ghi nhận của thành viên đó đối với xã hội.

Chẳng hạn, người lao động có được thu nhập vì đã đánh đổi giá trị của lao động cơ bắp hoặc lao động trí tuệ; người làm ra tác phẩm văn chương, khoa học, nghệ thuật phải được thừa nhận có quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;…

Việc hưởng lợi ích của doanh nhân cũng phải dựa trên nguyên tắc này. Cụ thể, doanh nhân phải đáp ứng đòi hỏi của xã hội, tức là của người tiêu dùng, về tìm kiếm lợi ích cả trước mắt và lâu dài thông qua việc khai thác công dụng của sản phẩm, thì mới được xã hội, người tiêu dùng đền bù bằng cách trả tiền mua sản phẩm đó. Mua hàng để dùng, chứ không phải để vứt vào sọt rác hay để đánh vật với hỏng hóc, đặc biệt là không phải để đặt người tiêu dùng trước sự thách đố về năng lực lựa chọn phương án ứng xử hợp lý trong quá trình đôi co xoay quanh chuyện bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Sự xứng đáng của doanh nhân nội phải được thể hiện ngay trong thời gian hưởng sự bảo bọc của Nhà nước, xã hội, thông qua chính sách quốc gia về ưu tiên dùng hàng nội. Có thể ở giai đoạn này, hàng nội có chất lượng kém hơn hàng ngoại, giá bán cũng không rẻ hơn; nhưng nó vẫn nên (cần phải) được người tiêu dùng tiếp nhận, sử dụng với thái độ trân trọng, một khi nó thể hiện được các nỗ lực không mệt mỏi của nhà sản xuất nội trong việc thực thi các cam kết về cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Nói khác đi, nhà sản xuất phải làm thế nào để sản phẩm xuất xưởng ngày hôm sau có chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn so với ngày hôm trước. Phải có sức sống, sức cạnh tranh của bản thân, thì sản phẩm mới có thể tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhân đôi, nhân ba lực lượng bằng hiệu ứng cộng hưởng, để trở nên mạnh hơn, bền bỉ hơn.

Tất cả những điều đó cho thấy rằng người giữ vai trò trung tâm, quyết định cho sự thành công của chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là doanh nhân nội, chứ không phải là người tiêu dùng, cũng không phải là nhà chức trách công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân nội giữ vai trò chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO