Doanh nghiệp ứng phó trước bão giá

15/03/2011 07:50

Diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu…đã khiến nhiều DN không chỉ thực hiện các biện pháp ứng phó mà còn điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước.

Doanh nghiệp ứng phó trước bão giá

Diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu…đã khiến nhiều DN không chỉ thực hiện các biện pháp ứng phó mà còn điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước.

Tự vượt khó

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, trong 2 tháng đầu năm 2011, thị trường giá cả trên thế giới đã biến động rất lớn. Chỉ số giá các nhóm hàng thiết yếu trên thế giới tháng 1/2011 tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 4% so với tháng trước; Chỉ số giá lương thực trong tháng 2/2011 tăng 34% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 2,2% so với tháng trước…

Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu… đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong nước.

Chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, đời sống công nhân… trở thành những vấn đề nan giải mà DN phải đối mặt. Và đối với họ, không điều gì quan trọng hơn lúc nãy là phải tìm cách tự cứu lấy mình. 

Tại buổi hội thảo “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Cty CP nhựa Đại Đồng Tiến cho biết, DN phải làm nhiều việc hơn như: cắt giảm chi tiêu, ra sản phẩm mới giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn với giá tốt. Nếu sản phẩm không tăng chất, tăng lượng mà chỉ đơn thuần tăng giá thì sẽ “khó sống” được qua mùa khó khăn này..

Cùng quan điểm, ông Trần Kim Thành, Tổng giám đốc Cty CP Kinh Đô cũng cho rằng, cần phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hiện tại, ví dụ khó khăn thì người dân ăn bánh mì nhiều hơn, đó là cơ hội để mình đẩy mạnh bánh mì…

“Hơn nữa, DN cần phải tiên đoán, dự báo mức ảnh hưởng để có những kế hoạch nhập nguyên liệu ra sao, xuất khẩu thế nào… Phải lường trước mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu để có những điều chỉnh phù hợp, để việc kinh doanh trong tầm kiểm soát.” – ông Thành chia sẻ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã chuyển mục tiêu từ “có lãi” sang mục tiêu “giữ vững thị trường.

Ảnh hưởng lớn nhất đến DN là tỷ giá

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp để tự cứu lấy mình, song bản thân các DN vẫn không khỏi lo lắng khi thị trường tiền tệ có những dấu hiệu bất ổn, kèm theo đó là chính sách thực thi khó lường trước được.

Điển hình như việc thay đổi tỷ giá vừa qua, ông Nguyễn Khắc Tùng – đại diện công ty bánh kẹo Hữu Nghị, Hà Nội cho rằng: “Đợt điều chỉnh tỷ giá lần này quá đột ngột khiến DN lúng túng, ảnh hưởng đến hoạt động của DN, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.”

Rồi lãi suất ngân hàng quá cao gây sức ép lớn về giá thành. Bà Bùi Thị Thúy Loan, Giám đốc Công ty bột thực phẩm Tài Ký lo lắng: Sản phẩm giá cao thì sản lượng sẽ giảm. Đây là vòng xoay luẩn quẩn không có đường gỡ để đưa hàng đến tay người tiêu dùng.

Do đó, theo đề xuất của bà Loan, những chính sách hỗ trợ cho DN càng áp dụng sớm càng tốt để DN có điểm tựa qua thời kỳ khó khăn. Hơn nữa, hỗ trợ cho DN cũng là hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Mặt khác, ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá buộc DN phải tăng giá sản phẩm nhưng điều này lại khiến DN gặp khó do phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

“Tôi cho rằng nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ DN trong những dự án sản xuất những sản phẩm mang hiệu suất cao. Về lâu dài nên có quy định chặt chẽ hơn về rào cản kỷ thuật để hạn chế hàng ngoại kém chất lượng tran lan trên thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với hàng trong nước.” - ông Đỗ Hải Triều, Trưởng ban kỹ thuật & Marketing, Cty bóng đèn phích nước Rạng Đông kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ứng phó trước bão giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO