Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh: Trách nhiệm từ hai phía

Phương Hà| 25/10/2019 05:00

Tham gia cuộc Talk Show do Báo Doanh Nhân Sài Gòn vừa tổ chức để hưởng ứng cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, các chuyên gia và doanh nhân đã thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết.

Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh: Trách nhiệm từ hai phía

Vẫn còn tình trạng “dưới lạnh”

PGS-TS. Nguyễn Văn Trình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nói: “Nghị quyết số 10 của Trung ương (ngày 3/6/2017), khẳng định kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Khuyến khích KTTN tham gia góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thực tế chứng minh, 80% GDP hằng năm là do doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đóng góp, nhiều DNTN đã đầu tư đa ngành, như bất động sản, ngân hàng, hàng không, cảng biển, công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng, kể cả ô tô, xe máy; thương mại, giáo dục... Tức là DNTN đã đầu tư vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế nước nhà, trừ một vài lĩnh vực thuộc an ninh, quốc phòng hoặc an sinh xã hội. Một quốc gia không có nền kinh tế thị trường sẽ không thể phát triển trong dài hạn. Kinh tế thị trường ở bất kỳ quốc gia nào cũng có các yếu tố như tính độc lập của các chủ thể kinh tế, hệ thống giá cả được xác lập thông qua tương quan cung cầu. Cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường là cạnh tranh tự do, nhà nước tham gia vào kinh tế thị trường chủ yếu là quản lý xã hội. Xét từ những yếu tố căn bản đó, kinh tế thị trường ở nước ta đang phát triển ổn định”.

“Bây giờ không ai xem DNTN là hạng ba, tức bình đẳng với DNNN và DN FDI. Nhưng theo tôi biết thì DN FDI được nhiều ưu đãi hơn”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tiếp lời. Ông Hưng nói: “Chẳng hạn, DN FDI hầu như không bị kiểm tra, trừ khi phát hiện chuyển giá, còn DNTN thì một năm có khi đến ba bốn đoàn thanh tra, kiểm tra mà nội dung thường chồng chéo. DNTN vẫn bị vướng về thủ tục hành chính, vốn, đất đai, trong khi những thủ tục này với DN FDI khá thoáng. Mặc dù Chính phủ đã đốc thúc các bộ, ngành ráo riết cải cách thủ tục hành chính nhưng đến nay còn đến một nửa thủ tục không cần thiết chưa bỏ được, làm DN rất mất thời gian, thậm chí phải “lót tay” công chức mới “xong việc”. Vai trò quản lý nhà nước, nhất là nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Vì sao có tình trạng ấy? Tôi tin là Chính phủ biết nguyên nhân, nhưng tiếc rằng “trên nóng, dưới lạnh” như chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần chỉ ra”.

Doanh nhân hoạt động trên thị trường, hơn ai hết họ biết cần gì, cơ chế, chính sách nào để có thể làm ăn tốt nhất. DN, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà phải có tiếng nói, tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Chỉ có vậy, cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát với thực tiễn cuộc sống, tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi. Nghị quyết 10 chỉ rõ: Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất, kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của KTTN. Tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Vậy nhưng, theo các doanh nhân tham dự tọa đàm, DNTN không dễ gì vay được vốn bởi tài sản thế chấp thường bị ngân hàng đánh giá chỉ bằng một nửa hay hai phần ba giá trị thực. Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DN nhỏ và vừa được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường (hiện nay là 6,5%/năm) thì đối tượng này cũng khó mà vay được với lãi suất ấy ngay cả ở các ngân hàng thương mại nhà nước. Cũng không thể trách các ngân hàng, bởi họ là DN kinh doanh tiền. 

Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ: “Qua Nghị quyết 10 càng thấy Trung ương muốn phát triển mạnh KTTN nhưng tôi băn khoăn là cấp bộ và tỉnh - thành chưa có được tinh thần ấy. Việc huy động vốn FDI là rất cần thiết nhưng cho mãi đến gần đây mới chú trọng bảo vệ DN trong nước bằng cách chỉ tiếp nhận DN FDI có công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường. Còn trước đây, cứ để DN trong nước trực tiếp cạnh tranh với DN nước ngoài, tất nhiên là DN trong nước thua ngay trên sân nhà. Rút ra được bài học ấy thì đã muộn. Không có doanh nhân nào muốn DN của mình “chết”, nhưng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển, như hỗ trợ lãi suất tiền vay, giảm bớt thủ tục cho thuê đất, luật và nghị định thi hành luật phải nhất quán… Có những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ chút nào, như một công ty giới thiệu sản phẩm của mình trên pano đặt trước trụ sở thì bị cho là quảng cáo trái phép, bị phạt nặng; không ít vụ án thuộc lĩnh vực dân sự lại biến thành hình sự làm doanh nhân bất an, nhiều người không muốn mở rộng kinh doanh là vì thế.

Trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, 31,8% DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,5% DN cho rằng không tuyển được lao động phù hợp, phải đào tạo lại nhưng đào tạo xong lại mất; 28,5% DN cho rằng lãi suất cao; 24,7% DN cho rằng hàng nhập khẩu miễn thuế hay thuế thấp tác động xấu đến việc cạnh tranh. 

Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Trình, những con số ấy phản ảnh đúng tình hình của DNTN hiện nay, nhưng không có nghĩa rằng tất cả “lỗi” ấy là do Nhà nước. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, việc liên thông qua cổng thông tin số, như cấp giấy phép thành lập DN, giấy phép đầu tư, nộp thuế, khai báo hải quan... đã thực hiện khá hiệu quả. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã mở nhiều lớp tập huấn (miễn phí) để giúp doanh nhân có kế hoạch thích ứng với các FTA thế hệ mới, nhất là để đối phó với hàng hóa miễn, giảm thuế từ nước ngoài tràn vào, nhưng nhiều DN cử nhân viên đi thay, rồi lại thắc mắc là chưa được phổ biến các hiệp định thương mại, hoặc lúng túng không biết cạnh tranh thế nào với hàng ngoại cùng chủng loại chứ chưa nói là đưa hàng của mình vào khối ASEAN. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, hiện nay các bộ luật liên quan đến DN, doanh nhân đã đủ, vấn đề là phải cập nhật tình hình để sửa đổi, bổ sung những điều khoản đã lạc hậu hoặc chưa hợp lý. Trách nhiệm của DNTN về việc này là đóng góp ý kiến với hội đoàn mà mình tham gia để hội đoàn tập hợp gửi lên các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa đồng ý với Luật sư Phạm Ngọc Hưng về cách làm ấy, nhưng đưa ra một số ví dụ mà theo ông là “góp ý để mà góp ý thì không có tác dụng gì”: Đã mấy lần HoREA tập hợp ý kiến của hội viên làm văn bản gửi đến nhiều cấp có thẩm quyền cảnh báo Công ty Địa ốc Alibaba lập nhiều dự án ma để bán đất nền, nhưng không ai quan tâm, đến khi Alibaba chiếm đoạt của khách hàng hàng nghìn tỷ đồng, các cấp chính quyền ở ba địa phương mới “ra tay” thì quá muộn. Nhiều lần HoREA kiến nghị tạo điều kiện mặt bằng và giảm thuế khi xây dựng nhà ở xã hội để động viên DN bất động sản đầu tư vào phân khúc ít sinh lợi này nhưng đến nay vẫn “bất động”.

Nghị quyết 10 có đoạn: “Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của KTTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi” cũng là cách để DNTN thấy trách nhiệm kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội của mình.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh: Trách nhiệm từ hai phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO