Cổ tức VinaCapital đạt hơn 150 triệu USD trong 18 tháng

HÀN NGUYÊN| 17/10/2013 06:29

Trong vòng 18 tháng qua, VinaCapital đã trả cổ tức cho các nhà đầu tư hơn 150 triệu USD. Quỹ sẽ tiếp tục tái đầu tư vào một số khoản khác tại thị trường Việt Nam.

Cổ tức VinaCapital đạt hơn 150 triệu USD trong 18 tháng

Bên lề “Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2013”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, trong vòng 18 tháng qua, VinaCapital đã trả cổ tức cho các nhà đầu tư (NĐT) hơn 150 triệu USD. Đồng thời, quỹ sẽ tiếp tục tái đầu tư vào một số khoản khác tại thị trường Việt Nam.

Tính đến tháng 9/2013, VinaCapital đang quản lý 4 quỹ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 1,5 tỷ USD (không tính tiền vay); trong đó, có 3 quỹ đang niêm yết trên thị trường chứng khoán London.

Hiện, VinaCapital Opportunity Fund Ltd. (VOF) đang quản lý danh mục đầu tư có giá trị tài sản ròng (NAV) cao nhất, đạt 753 triệu USD (con số sau khi trả cổ tức cho NĐT) và chiếm đến 80% trong tổng số giao dịch của các quỹ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo ông Andy Ho, từ đầu năm đến nay, NAV của VOF tăng 15%; riêng phần đầu tư vào công ty niêm yết (chiếm 50% trong danh mục đầu tư) có mức độ tăng trưởng 28% với Hòa Phát, Kinh Đô, Vinamilk…

Từ tháng 7/2013 đến nay, tăng trưởng của VOF nói chung đạt 5%; trong khi khoản đầu tư vào cổ phần công ty niêm yết tăng trưởng 9,3%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của VN-Index từ đầu năm đến nay (17,5%) và từ tháng 7 đến nay (2,5-3%).

“Điều này cho thấy chúng tôi đầu tư chứng khoán rất hiệu quả”, ông Andy nói. Ngoài ra, trong thời gian qua, VOF cũng đã thực hiện thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư lớn như Prime Group (227 triệu USD), trường quốc tế, bệnh viện Hoàn Mỹ, khách sạn Legend…

Khach sạn Legend Saigon, một trong những khoản đầu tư mà VinaCapital đã thoái vốn trong 18 tháng qua

Tuy nhiên, đại diện của VinaCapital cũng tỏ ra lo ngại rằng, từng chứng chỉ quỹ của VOF dựa trên NAV đang ở mức 3USD/chứng chỉ quỹ, nhưng giá giao dịch thực lại chỉ nhỉnh hơn 2 USD/chứng chỉ, do đó làm cho tỷ lệ chiết khấu (giá chứng chỉ quỹ thấp hơn giá tài sản) cao, xấp xỉ 28 - 29%.

Nguyên nhân là do một số yếu tố như cung - cầu không cân bằng; tức nhu cầu NĐT nước ngoài vào Việt Nam ít hơn nguồn cung chứng chỉ quỹ, bởi lẽ, ở thị trường Việt Nam không chỉ VinaCapital hoạt động mà còn có sự tham gia của nhiều quỹ khác như Dragon Capital, Indochina Capital…

Hơn nữa, có những tài sản trong danh mục của VOF đạt thanh khoản không cao, điển hình như các dự án bất động sản nhà ở hay khách sạn. Xét về chiến lược đầu tư từ đây cho đến năm 2014, VOF sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm các khoản đầu tư vào lĩnh vực y tế, nông nghiệp và hàng tiêu dùng; song song với việc giảm tỷ lệ chiết khấu.

Trong lĩnh vực BĐS, VinaLand Ltd (VNL) hiện quản lý danh mục với hơn 30 dự án trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó 66% dự án ở TP.HCM.

Trong 2 năm vừa rồi, VNL đã thoái vốn khỏi 14 dự án. VNL hiện có tính thanh khoản thấp, NAV đạt 466,5 triệu USD nhưng giao dịch trên thị trường chỉ khoảng 200 triệu USD.

Tuy nhiên, VinaCapital cũng cho biết, đặc điểm chung của các quỹ khi đầu tư vào BĐS tại các nền kinh tế đang phát triển luôn có tỷ lệ chiết khấu từ 40 - 60%.

Trong khi đó, quỹ đầu tư vào hạ tầng VNI (Vietnam Infrastructure Ltd, có tổng giá trị tài sản ròng gần 200 triệu USD, giá trị trên sàn chứng khoán chỉ ở mức 130 triệu USD) cũng có tính thanh khoản thấp, tỷ lệ chiết khấu khá lớn.

VNI đang tập trung đầu tư vào ngành viễn thông với hơn 2.000 trạm thu phát sóng (dành cho điện thoại). Mảng thứ hai là lĩnh vực khu công nghiệp (tại Hà Nội và TP.HCM), và lĩnh vực thứ ba là cầu đường, logistics.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ tức VinaCapital đạt hơn 150 triệu USD trong 18 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO