Chủ tịch nước: Doanh nghiệp cần chủ động kiến nghị chính sách

VÂN THẢO - ẢNH: QUÝ HÒA| 04/03/2016 08:43

Các doanh nghiệp cần tìm tòi những sáng kiến mới, năng động và chủ động kiến nghị chính sách, cùng Trung ương và cả nước tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch nước: Doanh nghiệp cần chủ động kiến nghị chính sách

Ngày 4/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội thuộc tổ đơn vị 1 đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với cử tri quận 4 và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của TP.HCM.

Đại diện các hội ngành nghề và chủ các doanh nghiệp đã có dịp bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng và cả những kỳ vọng vào hoạt động hiệu quả của các cơ quan chức năng. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh nhận định, trong 5 năm vừa qua, tình hình kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã và đang phục hồi rõ nét. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội vẫn còn những khó khăn chưa được giải quyết, điều các doanh nghiệp quan tâm là làm sao các chính sách phải lâu dài, ổn định giúp cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh báo cáo trước hội nghị

Theo phản ánh của đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), liên quan tới hoạt động xuất khẩu, bên cạnh việc các doanh nghiệp chưa được đầu tư đúng mức để chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với hội nhập thì một số quy định trong Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước là chưa phù hợp, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. "Điều đó có thể “giết chết” nền nông nghiệp Việt Nam", đại diện VASEP nhận định.

Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp nước ngoài rút dần vốn đầu tư nông nghiệp ra khỏi Việt Nam, những khó khăn trong vay vốn ngân hàng cũng khiến nhiều doanh nghiệp nông nghiệp điêu đứng.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành

Liên quan tới hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đại diện Hội Dệt - May - Thêu - Đan cho biết, trong năm 2015, hoạt động kinh doanh của ngành dệt may tương đối ổn định, với kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2014. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích từ TPP, FTA đem lại thì dòng vốn FDI ồ ạt vào Việt Nam cũng gây sức ép đáng kể lên các doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay chỉ có 25% doanh nghiệp trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn của TPP để nhận được ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, đang có dấu hiệu cho thấy khả năng cạnh tranh của ngành bị mài mòn vì chi phí cao.

Các doanh nghiệp may mặc đánh giá cao chủ trương đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên tiến độ triển khai chủ trương này vẫn còn chậm, chưa kể đến tình trạng quản lý giá trên thị trường còn lỏng lẻo, các chính sách tăng lương tối thiểu, những thay đổi trong quy định đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.  

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP XNK Nam Thái Sơn nêu những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan

Tình trạng nhập lậu tăng cao lên mức đáng báo động là lo lắng của hầu hết các doanh nghiệp. Đại diện Hội Da giày TP.HCM cho biết, 90% sản phẩm giày dép tại các chợ đầu mối là nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc. Hàng may mặc cũng tương tự.

Đại diện Hội Dược học phản ánh hiện tượng cùng một loại thuốc thông thường, giá chỉ định thầu dành cho doanh nghiệp ngoại cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần nếu so với giá của doanh nghiệp nội.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến - Phó TGĐ Công ty CP Nhựa Bình Minh thắc mắc một số quy định về xử lý nợ thuế

Thay mặt ngành nhựa, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP XNK Nam Thái Sơn bày tỏ lo lắng trước tình trạng thời gian thông quan của hải quan Việt Nam còn khá chậm so với các nước khác. "Chúng tôi mong rằng trong tương lai, xuất nhập khẩu Việt Nam thông quan phải được tính bằng giờ thay vì ngày thì hoạt động xuất nhập khẩu mới phát triển được", vị này chia sẻ.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và các hội ngành nghề, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, những vấn đề được nêu ra tại hội nghị đều đã được cảnh báo, tuy nhiên từ cảnh báo đến chuẩn bị đối phó là khoảng cách tương đối xa. TP.HCM nắm giữ vị trí chiến lược về phát triển kinh tế của đất nước, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thử thách phía trước, tìm tòi những sáng kiến mới, năng động và chủ động kiến nghị chính sách, cùng Trung ương và cả nước tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch nước lưu ý, các hiệp hội cần nâng cao vai trò liên kết - cầu nối, với những gì khó khăn thực sự thì phải có ý kiến, không lùi bước khi theo đuổi những đòi hỏi chính đáng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Chúng ta hội nhập nhưng phải có sức mạnh nội tại, nếu đủ sức đứng vững và vượt qua được cuộc cạnh tranh này, Việt Nam sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển ở một tầm cao mới với những tiêu chí hiện đại. Đây là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp, mọi người dân phải cùng nhau góp sức".

>Tham gia thị trường chung: Hiệp hội DN cũng cần đoàn kết

>Hiệp hội DN nước ngoài hỗ trợ DN FDI đầu tư vào Việt Nam

>Hiệp hội các nhà sản xuất đồ chơi thế giới muốn đầu tư ở TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch nước: Doanh nghiệp cần chủ động kiến nghị chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO