Chống hàng giả: Thực thi pháp luật chưa nghiêm

Nguyễn Loan| 08/08/2019 00:08

Trong 7 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả (SXBBHG) với số tiền thu lời bất chính lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhìn lại những vụ án lớn đã bị khởi tố và đang mở rộng điều tra thời gian gần đây: đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng; vụ sản xuất thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả tại TP. HCM; vụ sản xuất giống cây trồng giả ở Quảng Bình... cho thấy quy mô và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này đã trở nên đáng báo động.

Chống hàng giả: Thực thi pháp luật chưa nghiêm

Nhờn thuốc

Đủ mọi chủng loại hàng giả, từ mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng gia dụng, điện tử, thuốc tân dược, đông dược, thuốc bảo vệ thực vật... Thậm chí đến cả bao cao su cũng có trong danh mục phát hiện hàng giả. Bên cạnh những mặt hàng giả rất khó phát hiện thì cũng có nhiều sản phẩm chỉ nhìn qua ai cũng biết là giả nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại.

Điển hình trong tháng 7/2019, các đội Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM kiểm tra phát hiện 110 vụ hàng giả, thu giữ trên 23.000 sản phẩm. Chợ Bến Thành và Sài Gòn Square là hai trung tâm tiêu thụ hàng giả, hoạt động náo nhiệt bao năm nay giữa lòng quận 1. Vậy mà phải chờ đến cuộc “tập kích” của QLTT mới phát hiện 1.834 sản phẩm (túi xách, ví, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo) giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Under Armour, Rolex, Bvlgari, Philippe, Audermars Piguet, Montblanc, Chanel… với trị giá hàng hóa chỉ trên 256 triệu đồng.

Nhìn vào kết quả này nhiều người cho rằng nó giống buổi diễn tập hơn là một đợt ra quân truy quét hàng giả (?). Cũng cùng thời điểm trên, tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, cơ quan chức năng đồng loạt ra quân phát hiện thu giữ hàng ngàn sản phẩm giả mạo được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại. Đặc biệt nghiêm trọng có thể kể đến các đường dây sản xuất thuốc tân dược, thuốc chữa ung thư, thực phẩm chức năng giả khiến dư luận phẫn nộ trong thời gian gần đây càng cho thấy cuộc chiến chống buôn lậu cực kỳ khó khăn và phức tạp.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP  ngày 15/11/2013 quy định  mức xử phạt cao nhất cho hành vi SXBBHG: phạt tiền từ 35 triệu - 45 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 14, khoản e). Đây là mức phạt không thấm tháp gì so với lợi nhuận từ việc SXBBHG đem lại và hoàn toàn không đủ sức răn đe.

Tội phạm nguy hiểm

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định chi tiết hành vi và tội danh cho loại hình SXBBHG tại các điều 192, 193, 194. Đáng chú ý khoản 4, điều 194 định rõ: tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định hình phạt tù từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình (trong các trường hợp: a-Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; b-Làm chết 02 người trở lên; c- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; d-Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên). Tuy nhiên, để chứng minh được mức độ phạm tội, hậu quả tổn hại trên người bệnh, nguyên nhân gây chết người… là điều gần như không thể. Đây là vấn đề mà tội phạm triệt để lợi dụng làm lá bùa hộ mệnh khi bị phát hiện.

Luật sư Lưu Văn Tám - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng: “Cái khó trong điều tra loại tội phạm này là ở chỗ hễ bị phát hiện các đối tượng bỏ của chạy lấy người hoặc tẩu tán tang vật. Muốn thu thập chứng cứ phải qua quá trình điều tra với đủ loại thủ tục tố tụng phức tạp. Nhiều vụ án lớn đến khi xác định được tội danh thì đối tượng đã trốn ra nước ngoài gây khó khăn cản trở quá trình điều tra”. Phải thẳng thắn nhìn nhận việc thực thi pháp luật trong quản lý, thanh, kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm. Nhiều địa phương nại lý do lực lượng mỏng nên chỉ ra quân theo kiểu phong trào. Tình trạng nhân viên công vụ ăn hối lộ rồi làm ngơ, bỏ lọt tội phạm hàng giả là có thật. Quá trình điều tra, xét xử các vụ án SXBBHG trong một thời gian dài không có tiến triển (Vụ VN Pharma là ví dụ điển hình )…

Tại Hội nghị sơ kết Ban chỉ đạo (BCĐ 138/CP) và (BCĐ 389) gần đây, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ rõ: Những hạn chế, tồn tại cần khắc phục đó là tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp; gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ công chức thoái hóa, biến chất.

Doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng đều bị thiệt hại bởi vấn nạn hàng giả, thậm chí phải đối mặt với những vụ kiện bảo hộ thương hiệu quốc tế khi Việt Nam bước vào sân chơi thương mại toàn cầu. SXBBHG là loại tội phạm nguy hiểm phải chịu sự chế tài nghiêm minh của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống hàng giả: Thực thi pháp luật chưa nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO