Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm mùa dịch, khó chồng khó

Nguyễn Loan| 14/07/2021 09:00

Hàng loạt quy định về lưu thông đặt nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm lâm vào tình thế tiến thoái, lưỡng nan trong khi họ vẫn phải đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân. Việc phải bố trí "3 tại chỗ" cho người lao động tại nhà máy cũng khiến DN khó càng thêm khó.

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm mùa dịch, khó chồng khó

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn được tuân thủ 5K

Đợt giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 lần này khiến nhiều DN sản xuất trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Từ 0 giờ ngày 15/7, TP.HCM chính thức thực hiện việc ngừng hoạt động các DN  không đủ điều kiện bố trí cho người lao động ăn, ở tại nơi sản xuất hoặc không có xe trung chuyển theo nguyên tắc "1 cung đường 2 địa điểm", không đảm bảo đảm 5K trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Riêng DN ngành lương thực, thực phẩm, cung cấp, sản xuất nhu yếu phẩm được tạo điều kiện duy trì hoạt động nhưng vẫn phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh. 

Thực tế, ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tái bùng phát, khảo sát nhanh trên 100 DN của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy: 84% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó (40% thiếu vốn, 80% bị thu hẹp thị trường, 52% phải cắt giảm lao động, trên 50%  gần như tê liệt hoạt động do giãn cách xã hội.

Trăm dâu đổ đầu tằm

Sản lượng bị giảm 50% do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá do quy định giãn cách, nay công ty có lái xe chở hàng xét nghiệm có kết quả dương tính, Giám đốc một công ty thực phẩm có trụ sở tại TP.HCM trong khi nhà máy chế biến lại đặt ở Đồng Nai như đang ngồi trên chảo lửa vì khu vực sản xuất bị phong tỏa. 

Vị này cho biết, Công ty liên hệ cho các F1 đi cách ly mà vẫn chưa có chỗ nào thu dung. Hiện DN đang phải chờ ở bệnh viện để lấy kết quả và giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính cho nhân viên xuất trình khi qua các chốt kiểm dịch. Hơn nữa, với 230.000 đồng/giấy xác nhận kết quả/\người mà chỉ có giá trị trong 3 ngày. Như vậy bình quân 1 tháng sẽ phát sinh trên dưới 2.000.000 triệu đồng/ người lao động chỉ để lấy “giấy thông hành”. 

Vị giám đốc này cũng than thở rằng, vận chuyển càng khó khăn khi quy định phòng chống dịch bệnh từng địa phương không thống nhất ngay tại các chốt kiểm dịch, sản xuất thì cầm chừng bởi nhà phân phối cắt giảm đơn hàng do kênh cung cấp chợ đầu mối bị gián đoạn, nhưng công nhân không thể cho nghỉ việc. Đủ mọi thứ đè nặng vào chi phí. 

Không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng, theo ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, khó khăn hiện giờ của các DN tại TP.HCM để cung ứng cho các kênh tiêu thụ là vấn đề vận chuyển hàng hoá đi giữa các tỉnh. Việc vận chuyển hàng hóa nan giải bởi hàng rào kỹ thuật trách nhiệm giữa các tỉnh, thành phố mà DN phải vận chuyển hàng hóa hoặc lưu thông qua lại. 

Theo ông Dũng, việc xác nhận kết quả âm tính được coi là giấy thông hành khi qua lại giữa các tỉnh là rất ấu trĩ, bởi xét nghiệm chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu. Quay ra chẳng may quệt phải ông F0 là dính rồi. Cho nên hàng rào kỹ thuật về trách nhiệm giữa các địa phương vô hình chung đẻ ra một loại giấy phép con càng gây khó khăn, tăng chi phí của DN.

Để giải quyết khâu cung ứng, lưu thông hàng hóa ông Dũng đề xuất giữa các Bộ Công thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Nông nghiệp cần phải chỉ đạo các địa phương thống nhất quy định cho DN lưu thông hàng hóa được thuận lợi

Tổ chức "3 tại chỗ", DN thiếu nhân công sản xuất

Theo báo cáo nhanh của Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM (FFA) ngày 14/7, với một số nhóm hàng, DN đang gặp khó khăn khi triển khai áp dụng việc bố trí ăn ở cho lao động tại nhà máy do người lao động có tâm lý tránh dịch. DN đang vận động công nhân bằng nhiều hình thức và hiện mới 50% công nhân đồng ý tham gia sản xuất. 

A-n-nghi-ta-i-nha-ma-y-jpeg-2752-1626256

Một DN tổ chức chỗ ăn nghỉ tại chỗ cho nhân viên

Trong khi đó, chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cho biết, trước đây DN có 240 người lao động, tuy nhiên, nhiều người nằm trong vùng phong toả, nguồn nhân lực mất đi phân nửa, do đó, hiện công ty phải tăng ca, làm luôn cả Chủ nhật. 

Với Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, để đảm bảo an toàn sản xuất, ông Dũng cho biết, DN đã tổ chức đi chợ giúp công nhân và giảm giá 25% các mặt hàng mua của công ty. Tuy nhiên, về yêu cầu bố trí cho người lao động ăn ở tại nơi sản xuất, ông Dũng rất băn khăn.

Ông Dũng cho rằng, ngoài công việc, người lao động còn phải lo cho gia đình, con cái. Chưa kể đến việc bố trí chỗ ăn nghỉ cho 400 người trong khuôn viên nhà xưởng chật hẹp làm sao đảm bảo sức khỏe, vệ sinh an toàn lao động. “Việc tập trung quá đông người sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nếu có”, ông Dũng nói. 

Khó khăn là vậy, đại đa số các chủ DN đều ý thức được rằng thời điểm cam go này phải đặt công tác phòng chống dịch bệnh lên trên hết, phải chấp nhận hy sinh vì lợi ích của xã hội, của cộng đồng. “Trong lúc này, mỗi DN phải chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi, làm sao để chống cho được dịch”, ông Hiến chia sẻ. 

Mong mỏi lớn nhất của các DN và người lao động lúc này là tình hình dịch bệnh sớm ổn định và sớm có vaccine để tiêm chủng. Có như vậy mới vực lại sản xuất và nhanh chóng ổn định đời sống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm mùa dịch, khó chồng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO