Chờ đợi sự chuyển mình của ngành ngân hàng

Anh Khoa| 29/01/2020 06:00

Bước sang năm mới 2020, thời hạn cuối cho kế hoạch tái cơ cấu lần 2 của  ngành ngân hàng, nền kinh tế đang trông chờ vào sự chuyển mình của hệ thống các ngân hàng.

Chờ đợi sự chuyển mình của ngành ngân hàng

Đường đua tăng vốn và đáp ứng chuẩn mới

Sau nhiều năm chật vật tăng vốn khiến hoạt động kinh doanh không thể đẩy mạnh như kỳ vọng, giai đoạn 2018-2019 đã chứng kiến một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) tăng vốn khủng, từ chào sàn rầm rộ cho đến các thương vụ gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thành công ngoài mong đợi.

Trong khi Vietcombank tiếp tục bứt tốc để cạnh tranh tốp đầu, thì BIDV được kỳ vọng sớm trở lại đường đua sau màn tăng vốn ấn tượng vào cuối tháng 10/2019. Điều đáng nói, không chỉ nhận được nguồn lực tài chính, BIDV còn được hỗ trợ về nhân lực, chiến lược, công nghệ, kinh nghiệm quản trị... từ đối tác mới là KEB Hana Bank.

Thị trường cũng chờ đợi một ông lớn khác là Vietinbank có thể sớm tăng vốn thành công, khi vốn điều lệ của Vietinbank đã không đổi trong nhiều năm qua. Một ngân hàng lớn khác là Agribank cũng có thể bước vào cuộc đua quyết liệt hơn trong giai đoạn tới, khi ngân hàng này đang đẩy nhanh tái cấu trúc hiệu quả để chuẩn bị cho cuộc cổ phần hóa sắp tới.

Chính vì vậy, các thương vụ bán vốn cho nước ngoài sẽ tiếp tục được chờ đợi trong năm 2020. Ngay cả nhóm các NHTM cổ phần có quy mô nhỏ hơn và nhóm các ngân hàng yếu kém, vốn đã có giải pháp xử lý và có thể bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ phục hồi. Thực tế đã có những tổ chức tài chính quốc tế thể hiện sự quan tâm đối với nhóm các ngân hàng này.

Link bài viết

Đáng lưu ý, theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém.

Do đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ phải đẩy nhanh tiến độ hơn để kịp về đích. Trong khi OceanBank và Ngân hàng Xây dựng đã có đối tác nước ngoài tìm hiểu, thì GPBank cuối tháng 11/2019 cũng bất ngờ đăng thông báo tìm đối tác có đủ năng lực, kinh nghiệm có nhu cầu quan tâm tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

Đối với mục tiêu số 2 là đến năm 2020, các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên). Hiện tại, đã có xấp xỉ 17 ngân hàng có thể áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN theo chuẩn Basel trước đầu năm 2020, nên mục tiêu này đã có thể hoàn thành. Ngoài ra, với mục tiêu có ít nhất từ 1-2 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, hiện tại Vietcombank đang là nhà băng có cơ hội lớn nhất đáp ứng mục tiêu trên.

Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

Với nguồn vốn tăng thêm, các ngân hàng không chỉ giải tỏa được áp lực từ các chỉ tiêu an toàn đè nặng lên hoạt động kinh doanh suốt bấy lâu nay, mà còn có thể “xông xênh” hơn trong việc đầu tư các dự án mới, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ, vốn đang làm thay đổi chóng mặt hành vi khách hàng, cũng như đủ sức cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính đang phát triển ồ ạt.

Đặc biệt, với dịch vụ thanh toán di động (Mobile Money), không loại trừ khả năng một số sản phẩm dịch vụ hiện nay của các TCTD sẽ bị tác động và làm giảm nguồn thu phí. Theo đó, các ngân hàng buộc phải thay đổi nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển, giữ chân khách hàng và tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng mới. Việt Nam có dân số trẻ, nền tảng khách hàng cá nhân lớn nhưng chỉ mới ở giai đoạn đầu của khai thác dịch vụ tài chính, thì việc phát triển theo hướng ngân hàng số và bán lẻ sẽ tiếp tục là chiến lược được ưu tiên lựa chọn.

Ngoài ra, với định hướng thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng sẽ tiếp tục cuộc đua tìm kiếm, gia tăng vốn rẻ bằng cách giảm một số khoản phí dịch vụ liên quan đến thẻ, tài khoản khách hàng. Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng lên nguồn thu phi tín dụng, do đó càng thúc đẩy các ngân hàng phát triển dịch vụ khác để bù đắp cho việc giảm phí, trong đó bancassurance (quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm) sẽ tiếp tục là một trong những sản phẩm trọng tâm trong năm 2020 do có nguồn phí thu được khá lớn.

Link bài viết

Đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp hai lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM. Điều này càng khẳng định việc tìm kiếm thêm các nguồn thu phí, lợi nhuận từ các lĩnh vực đầu tư khác là rất quan trọng, trong bối cảnh hoạt động tín dụng có thể tiếp tục thắt chặt hơn khi nhà điều hành vẫn định hướng ưu tiên ổn định vĩ mô.

Không chỉ vậy, tỷ lệ thu nhập lãi thuần của các TCTD có thể ngày càng bị thu hẹp do định hướng giữ ổn định lãi suất và giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Thực tế trong quý IV/2019, NHNN bất ngờ điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, để thúc đẩy các NHTM giảm thêm lãi suất vay vốn theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, một loạt chỉ tiêu an toàn mới cũng bắt đầu có hiệu lực trong năm 2020 theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, như tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tiếp tục giảm về 37% từ ngày 1/10/2020, về 34% từ ngày 1/10/2021, và 30% từ ngày 1/10/2022; các khoản cho vay tiêu dùng từ 4 tỷ đồng trở lên sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ ngày 1/1/2020 và tăng lên 150% từ ngày 1/1/2021; hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản cũng tăng từ 150% lên 200%...

Trong hoàn cảnh đó, ngân hàng nào có điều kiện tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào mới có thể giữ được ổn định biên độ lãi suất và các hệ số sinh lời. Theo đó, các ngân hàng không chỉ nỗ lực gia tăng tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn có giá rẻ, mà cần phải nhanh chóng niêm yết lên sàn để gọi thêm vốn. Vì vậy, thị trường sẽ chứng kiến các ngân hàng còn lại buộc phải lên sàn niêm yết theo quy định, bởi Đề án tái cơ cấu cũng đặt ra mục tiêu phải hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối vào năm 2020. 

Với nguồn vốn tăng thêm, các ngân hàng không chỉ giải tỏa được áp lực từ các chỉ tiêu an toàn đè nặng lên hoạt động kinh doanh suốt bấy lâu nay, mà còn có thể “xông xênh” hơn trong việc đầu tư các dự án mới, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ, vốn đang làm thay đổi chóng mặt hành vi khách hàng, cũng như đủ sức cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính đang phát triển ồ ạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chờ đợi sự chuyển mình của ngành ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO