Chính phủ họp báo: Có thể đạt mục tiêu năm 2010

01/09/2010 08:19

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2010 hôm 31/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã công bố lý do đình chỉ chức vụ tổng giám đốc điều hành Vinashin là do có dấu hiệu sai phạm.

Chính phủ họp báo: Có thể đạt mục tiêu năm 2010

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2010 hôm 31/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã công bố lý do đình chỉ chức vụ tổng giám đốc điều hành Vinashin là do có dấu hiệu sai phạm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 31/8 - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp báo, ông Dũng cũng cho biết dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được nghiên cứu lại “để đáp ứng nhu cầu chính đáng của Quốc hội”.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp tháng 8-2010 Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, tình hình phòng chống tham nhũng, khiếu nại tố cáo...

Tóm tắt kết luận của Thủ tướng, ông Phúc khẳng định các số liệu cho thấy tình hình tám tháng đầu năm tốt. Từ tháng 8/2010, Chính phủ chính thức cho rằng các mục tiêu năm 2010 có thể đạt được theo nghị quyết của Quốc hội như: tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng đạt 6,7%, CPI có thể giữ ở 7%, bội chi ngân sách khoảng 6% (nhờ tăng thu)... Ông Phúc cho biết Thủ tướng đã nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới phải đặc biệt chú trọng kiểm soát giá, đẩy mạnh giải ngân xây dựng để đạt chỉ tiêu bằng hoặc vượt mức Quốc hội giao.

Tổng giám đốc Vinashin có dấu hiệu sai phạm

Về việc tổng giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ vừa được bổ nhiệm gần hai tháng đã bị đình chỉ chức vụ, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đình chỉ chức vụ tổng giám đốc và trưởng ban kiểm soát của Vinashin vì có dấu hiệu sai phạm của hai cá nhân này.

Theo ông Dũng, bên cạnh tái cơ cấu, củng cố Vinashin, Chính phủ có chỉ đạo thanh tra, điều tra dấu hiệu sai phạm của các cá nhân. Không nêu rõ sai phạm là gì, nhưng ông Dũng cho biết việc điều tra thời gian qua đã phát hiện có “dấu hiệu sai phạm” của cá nhân tổng giám đốc và trưởng ban kiểm soát. Trên cơ sở kiến nghị của cơ quan điều tra, Thủ tướng đã yêu cầu đình chỉ chức vụ hai cá nhân để phục vụ công tác thanh tra, điều tra...

Đề cập về tái cơ cấu HĐQT Vinashin, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết hướng sắp tới sẽ nghiên cứu chỉnh lại điều lệ tập đoàn, quy hoạch phát triển, cơ cấu về tổ chức, nhân sự... “Thật ra giải pháp cán bộ vừa rồi mới đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt, còn việc nhân sự cho ổn định cần có thời gian” - ông Dũng nói.

Đối với thông tin nhiều nhà máy của Vinashin vẫn nợ lương công nhân, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định nợ lương của Vinashin đã được giải quyết xong. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chỉ cam kết “tái cơ cấu nợ của Vinashin trước hết sẽ ưu tiên trả lương, bảo hiểm cho người lao động. Quá trình đó đang được triển khai một cách tốt nhất để giữ công nhân. Người lao động có thể yên tâm đóng góp sức mình vào ngành công nghiệp đóng tàu”...

Chưa khẳng định khi nào đầu tư đường sắt cao tốc

Trước thông tin của một số phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng đã yêu cầu đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đến trả lời báo chí. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chính phủ đã báo cáo dự án tiền khả thi đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong kỳ họp Quốc hội trước để xin chủ trương đầu tư, Quốc hội vì nhiều lý do khác nhau chưa thông qua. Tôn trọng quyết định của Quốc hội, ông Dũng cho biết Chính phủ chưa hề có kế hoạch đầu tư hoặc triển khai đầu tư đường sắt cao tốc.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục nghiên cứu là cần thiết để làm rõ những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, vì báo cáo ở mức tiền khả thi chưa thể đề cập các vấn đề đại biểu quan tâm như sức chịu đựng của nền kinh tế, thời gian hoàn thành, ảnh hưởng môi trường... “Đường sắt cao tốc là vấn đề rất mới. Chỉ báo cáo khả thi mới giải quyết được những câu hỏi lớn nên Chính phủ mới quyết làm dự án khả thi để đáp ứng nhu cầu chính đáng của Quốc hội” - ông Dũng nói.

Về hợp tác với Nhật Bản, ông Hồ Nghĩa Dũng chính thức xác nhận Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc và Bộ Giao thông vận tải đang đàm phán với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để tiếp nhận viện trợ ODA không hoàn lại từ Nhật nhằm nghiên cứu tiếp dự án đường sắt cao tốc.

Tuy nhiên, nghiên cứu sẽ tập trung vào việc xây đường sắt cao tốc tuyến Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang và cả tuyến đường sắt từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài. Ông Dũng khẳng định: “Không có chuyện việc lập dự án tiền khả thi đường sắt cao tốc trước đây tốn hết 70 tỉ đồng ngân sách” và cam kết “việc nghiên cứu khả thi lần này sẽ không dùng đến tiền ngân sách”.

Trục Thăng Long: Chưa làm nhưng cũng nên quy hoạch

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, trong quy hoạch hệ thống giao thông Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải chủ trì trước đây chưa có trục Thăng Long. Sau khi một số vùng đất sáp nhập vào thủ đô mới có ý tưởng dành quỹ đất để sau này các cơ quan nhà nước chuyển về đó. Đó không phải quy hoạch trung tâm hành chính mới hay dời đô, mà chỉ quy hoạch quỹ đất để một số cơ quan sau này có thể phát triển.

Trục Thăng Long không chỉ đảm bảo giao thông mà là trục kết nối sinh thái, văn hóa tạo tiền đề phát triển các trục bên cạnh. “Theo tôi, quy hoạch là cần thiết. Quỹ đất cho giao thông hiện chưa nhiều nên đừng nghĩ có trục Láng - Hòa Lạc là đủ, phải có tầm nhìn 50 năm. Có thể ngoài trục Thăng Long còn cần một số trục nữa. Quan điểm của chúng tôi cần có quy hoạch trục, nhưng không phải đầu tư lúc này” - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhận hỗ trợ của Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn đối tác làm đường sắt cao tốc sau này, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết hiện Bộ Giao thông vận tải đang bàn với JICA và cơ bản thống nhất Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan chủ quản, cần thành lập ban chỉ đạo phối hợp với các bộ để tiếp tục nghiên cứu dự án. Đặc biệt, “không có bất cứ ràng buộc nào giữa nghiên cứu và đầu tư dự án. VN sẽ hoàn toàn có quyền chọn lựa nhà thầu. Công nghệ đường sắt cao tốc từ nước nào chúng ta cũng chưa xác định” - ông Dũng nói.

Trước ý kiến cho rằng Quốc hội vừa bác dự án đường sắt cao tốc xong Chính phủ đã tiếp tục nghiên cứu lại sẽ gây phản cảm, ông Nguyễn Xuân Phúc phủ nhận và cho rằng “Quốc hội không hề bác bỏ toàn bộ dự án mà chỉ yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn. Văn bản Thủ tướng cũng mới yêu cầu các bộ tiếp tục nghiên cứu cho sâu sắc, toàn diện hơn”.

Về câu hỏi nghiên cứu khi nào sẽ xong và bao giờ tiếp tục “xin” Quốc hội, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Nghiên cứu này thường khá lâu, mất 3-4 năm. Chúng tôi sẽ ưu tiên nghiên cứu đường sắt Hà Nội - Nội Bài trước”.

Cũng theo ông Hồ Nghĩa Dũng, việc khi nào đầu tư phải dựa trên kết quả nghiên cứu về sức chịu đựng của nền kinh tế, các giải đáp về tác động kinh tế - xã hội và môi trường... “Chính phủ sẽ tính thời điểm thích hợp để báo cáo Quốc hội quyết định, có thể 5-10 năm nữa hoặc lâu hơn. Hiện Chính phủ chưa có ý định khi nào trình Quốc hội”... Tuy nhiên, ông Dũng nêu “quan điểm nhất quán là cần có đường sắt cao tốc, cao tốc hay tốc độ cao sẽ tính sau trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh: “Thời điểm đầu tư lúc nào phải tính nhưng không thể có đường sắt cao tốc Bắc - Nam thứ hai. Chúng tôi sẽ nghiên cứu xác định mốc giới mặt bằng để Chính phủ có điều kiện lập dự án, cắm mốc giới, giữ đất cho vài chục năm sau. Bên cạnh đó, phải đi sâu nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, công nghệ của đường sắt cao tốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ họp báo: Có thể đạt mục tiêu năm 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO