3 lý do kinh tế khiến Việt Nam "đặc biệt" trong mắt tân Thủ tướng Nhật

Khởi Vũ| 18/10/2020 02:00

Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Thời gian chuyến công du dự kiến từ 18-21/10/2020.

3 lý do kinh tế khiến Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: Mamoru Yago

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Suga sau khi nhậm chức cách đây 1 tháng và là lần thứ hai một tân Thủ tướng Nhật chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên khi công du. Cách đây 7 năm, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du sau khi nhậm chức. 

Theo đánh giá từ các chuyên gia, sự lựa chọn của ông Suga là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác - phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, quyết định này cũng là tín hiệu cho thấy, ông Suga sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao của người tiền nhiệm Shinzo Abe, trong đó nhấn mạnh vai trò của ASEAN đối với sự ổn định của khu vực. 

Riêng về mặt kinh tế và thương mại, có nhiều lý do để Việt Nam trở nên "đặc biệt" trong mắt tân Thủ tướng Nhật.

Link bài viết

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở

Theo nhật báo Japan Times, việc lựa chọn Việt Nam và Indonesia làm 2 điểm đến đầu tiên cho thấy tân Thủ tướng Nhật đang thể hiện quyết tâm của Tokyo trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở (FOIP), cũng như trong mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, an ninh quốc gia với khu vực.

Tại một cuộc họp của Đảng Dân chủ Tự do cách đây 5 ngày, ông Suga đã khẳng định: "ASEAN nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện FOIP. Tôi muốn thể hiện quyết tâm cả ở trong lẫn ngoài nước rằng, Nhật Bản sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực này".

Theo đó, thông qua chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nhật sẽ khẳng định lại cam kết về FOIP, cũng như thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại cả Việt Nam lẫn Indonesia. Với Việt Nam, ông Suga kỳ vọng có thể thắt chặt hơn quan hệ kinh tế giữa hai bên thông qua đẩy mạnh tự do thương mại, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hợp tác an ninh quốc gia.

Tìm lối thoát từ căng thẳng Mỹ - Trung

Theo phân tích của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), sự đối đầu ngày một quyết liệt giữa Washington và Bắc Kinh kể từ năm 2018 đã thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật vào ASEAN.

So với mức đầu tư Nhật Bản đổ vào Trung Quốc, mức đầu tư vào ASEAN đã tăng 191 triệu USD trong năm 2019, gấp đôi so với mức của năm 2017. Đây là động thái dễ hiểu, khi đặt trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang đã tạo ra không ít rào cản cho các quốc gia có quan hệ với cả hai nước.

Với việc Trung Quốc là thị trường đầu tư thương mại lớn nhất của Nhật Bản, các chính sách "cứng rắn" từ phía Mỹ dành cho Trung Quốc chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực đối với đảo quốc này, qua đó thúc đẩy Nhật Bản tìm "lối thoát".

sự đối đầu ngày một quyết liệt giữa Washington và Bắc Kinh kể từ năm 2018 đã thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật vào ASEAN.

Sự đối đầu ngày một quyết liệt giữa Washington và Bắc Kinh kể từ năm 2018 đã thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào ASEAN.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư, nhờ dân số gần tương đương với Nhật Bản, nguồn lao động trẻ, lành nghề cũng như là thị trường đầy tiềm năng. Và, bản thân nhiều khảo sát với DN Nhật gần đây cũng cho thấy, nếu cần chuyển giao đầu tư ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là lựa chọn tốt nhất

Theo số liệu từ báo cáo thương mại và đầu tư thường niên của JETRO, 41% DN Nhật trong số 3.562 DN được cơ quan này khảo sát đang cân nhắc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Nếu so với năm ngoái, con số này đã tăng 5,5%. Ngoài ra, có đến 50% trong số 30 DN Nhật (trên hơn 100 DN đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á chọn Việt Nam để đầu tư.

Đồng thời, cần biết rằng, hiện có đến 3 hiệp định thương mại mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, nếu cần chuyển giao đầu tư ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là điểm đến phù hợp. Và, chuyến viếng thăm của tân Thủ tướng Suga sẽ góp phần củng cố cho xu hướng này.

Link bài viết

Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phục hồi sau đại dịch

Đồng thời, trong chuyến thăm này, ông Suga cũng sẽ đề cập tới việc nối lại hoạt động đi lại giữa hai nước. Việc chọn các nước kiểm soát tốt Covid-19 để nối lại hoạt động đi lại sẽ có tác dụng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi.

Trên thực tế, Nhật Bản là nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài (cả về nguyên liệu và sản phẩm tiêu dùng), nên đã gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ yếu từ Trung Quốc, bị gián đoạn do Covid-19. 

Shinya Nojima - Chủ tịch của một công ty sản xuất linh kiện bán dẫn tại Nhật cho biết, khi đại dịch bùng phát và khiến các nhà cung cấp cho Fujikin tại Trung Quốc rơi vào tình trạng "tê liệt" vào đầu năm nay, các khách hàng của công ty này đã hết sức lo lắng. "Có lấy được hàng từ Trung Quốc không? Chúng ta có kịp tiến độ không? Các khách hàng của chúng tôi đã hỏi dồn như vậy", Nojima nói.

Cho nên, việc DN Nhật tìm hướng thoát khỏi Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc và bảo vệ chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hoá nơi sản xuất là điều dễ hiểu. "Thậm chí, ngay cả trước khi virus Corona và thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, làn sóng chuyển hướng sản xuất khỏi Trung Quốc đã tồn tại", Phó giám đốc JETRO Satoshi Kitajima nói. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho dòng đầu tư của Nhật Bản, và nằm trong số các thị trường ASEAN mà Tokyo muốn nhiều DN nội địa đầu tư hơn, nhằm đa dạng hóa chuỗi sản xuất. 

Nhật Bản là nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài (cả về nguyên liệu và sản phẩm tiêu dùng), nên đã gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ yếu từ Trung Quốc, bị gián đoạn do Covid-19.

Là nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài (cả về nguyên liệu và sản phẩm tiêu dùng), Nhật Bản trên thực tế đã vấp phải nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ yếu từ Trung Quốc, bị gián đoạn do Covid-19.

Được biết, trong giai đoạn 2014-2018, Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 280 triệu USD vốn rót cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực cũng như thực hành quản trị và môi trường. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

"Trước Covid-19, Việt Nam đã là một điểm đến phổ biến, nhờ tiềm năng phát triển, mức tăng trưởng GDP cao và quy mô thị trường. Sau dịch Covid-19, xu hướng này sẽ phổ biến hơn nhiều vì DN Nhật nhận thấy Chính phủ Việt Nam kiểm soát đại dịch rất nhanh chóng. Điều này cho thấy khả năng quản lý rủi ro rất tốt", theo Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM Hirai Shinji.

Thế nên, chuyến thăm của ông Suga được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, và góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội của hai nước sau đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 lý do kinh tế khiến Việt Nam "đặc biệt" trong mắt tân Thủ tướng Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO