Vì sao tour du lịch 0 đồng gây thất thu cho các nước sở tại?

N.N/DNSGCT| 31/10/2017 04:40

Nhờ tỷ giá đồng rúp thấp so với các ngoại tệ mạnh cũng như chính sách miễn thị thực du lịch nhóm, dòng khách du lịch Trung Quốc đến Nga đã tăng liên tục trong bốn năm qua.

Vì sao tour du lịch 0 đồng gây thất thu cho các nước sở tại?

Nhờ tỷ giá đồng rúp thấp so với các ngoại tệ mạnh cũng như chính sách miễn thị thực du lịch nhóm, dòng khách du lịch Trung Quốc đến Nga đã tăng liên tục trong bốn năm qua.

Đọc E-paper

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Du lịch Nga công bố gần đây, trong sáu tháng đầu năm 2017, số du khách Trung Quốc đã tăng 36% so với cùng kỳ năm 2016. Và cũng theo tính toán của cơ quan chức năng, khách du lịch Trung Quốc tiêu hàng tỉ USD tại Nga. Nhưng điều đáng nói là số tiền này không tăng thu cho ngân sách Nga, mà lại quay về túi tiền của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Giám đốc Chương trình China Friendly của “Hiệp hội Du lịch Thế giới không biên giới” – Anna Sibirkina cho biết khách du lịch Trung Quốc chủ yếu là các cặp vợ chồng tuổi ngoài 50. Họ chọn đến Moscow và Saint Petersburg để chụp ảnh bên cạnh Điện Kremlin, Cung điện mùa Đông và những điểm tham quan hấp dẫn khác. Một tuyến du lịch nữa cũng rất phổ biến trong du khách Trung Quốc là tour tham quan các tỉnh cận biên giới với Trung Quốc như Irkutsk, Ulan-Ude, hồ Baikal – những nơi có khí hậu trong lành. Giá tour du lịch một tuần lễ vào khoảng 70.000 rúp (1.200 USD). 

Năm 2016, trung bình một du khách Trung Quốc mua 3.000 USD hàng hóa trong các chuyến đi nước ngoài. Tính toán mới đây của tổ chức “Thế giới không biên giới” cho thấy, hiện nay mỗi ngày tại nước Nga một du khách Trung Quốc chi khoảng 530 USD, bao gồm chi phí mua sắm, di chuyển và lưu trú.

Tuy nhiên các công ty du lịch Nga phát hiện những công ty Trung Quốc tổ chức tour bằng cách sử dụng hướng dẫn viên người Trung Quốc và du khách chỉ đến ăn và lưu trú tại nhà hàng và khách sạn của công dân Trung Quốc.

Các tour du lịch Nga được các công ty Trung Quốc bán với giá 0 đồng, thu về hàng triệu nhân dân tệ từ các công ty đại diện tại Nga, các hướng dẫn viên đưa những đoàn khách đến các cửa hàng bán giá cao ngất ngưởng, chỉ phục vụ riêng cho khách Trung Quốc. Doanh số của một cửa hàng như thế có thể lên tới từ 4 đến 5 triệu rúp mỗi ngày, trong đó công ty tổ chức tour hưởng 30% hoa hồng cộng với 30% trả cho hướng dẫn viên, tất cả được trả bằng tiền mặt.

Hiện nay các công ty du lịch Nga chỉ còn nguồn thu từ vé tham quan còn phần lớn giá trị gia tăng đổ vào túi các đồng nghiệp Trung Quốc. Ngành du lịch Nga đã không còn kiểm soát được dòng khách, cũng như mất khả năng tác động đến dòng khách hàng này.

Thật ra người Trung Quốc không phải là những vị khách đầu tiên được chào bán tour giá rẻ (0 đồng). Hình thức này đã xuất hiện từ rất lâu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi người dân có điều kiện đi du lịch hàng chục năm trước.

Các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường tour 0 đồng nhưng chưa tìm được giải pháp triệt để, cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du lịch.

Thái Lan – nước bị thất thu hằng năm lên tới gần 9 tỉ USD – đã chỉnh đốn tour 0 đồng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, chi phí tour đã tăng lên đến 1.300 USD/khách cho một tour khoảng 5-6 ngày, dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến nước này sụt giảm nghiêm trọng, thị trường vô cùng ảm đạm khiến Thái Lan phải điều chỉnh và nới lỏng thị trường.

Đài Loan và Hongkong cũng từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng, thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm. Chính quyền Hongkong áp dụng rất nhiều biện pháp, quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành, nhưng số lượng tour này vẫn còn phổ biến. Đài Loan cũng đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bằng video để khách cảnh giác với hàng nhái và những cái “bẫy mua sắm”, bước đầu phát huy hiệu quả tốt.

Chính phủ Hàn Quốc từng tước giấy phép của 68 doanh nghiệp phục vụ tour 0 đồng cho khách Trung Quốc với quyết tâm tuyên chiến với hiện trạng này. Đầu tháng 3 vừa qua, cơ quan Quản lý Du lịch Trung Quốc tuyên bố sẽ tìm mọi cách chấm dứt tour du lịch 0 đồng ra nước ngoài, điển hình là tại Hàn Quốc, nơi du khách thay vì được đi tham quan thì lại bị ép vào các khu trung tâm mua sắm với mức giá cao ngất ngưởng.

Các nước Âu – Mỹ đều chấp nhận sự tồn tại của tour giá rẻ trên thị trường, nhưng phải cho khách du lịch biết rõ dịch vụ bao gồm và không bao gồm, vì thế tỷ lệ khiếu kiện của khách rất ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận.

Tour du lịch 0 đồng cũng đang phát triển ở Việt Nam và là bài toán khó của ngành du lịch.

>>Tugo: Khởi nghiệp bằng tour du lịch giá rẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao tour du lịch 0 đồng gây thất thu cho các nước sở tại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO