Trật tự mới ở Bắc Á

THANH TÂM| 22/01/2010 09:00

Nửa thế kỷ đánh dấu Hiệp ước An ninh chung cho phép quân Mỹ có nhiều đặc quyền trên đất nước Mặt trời mọc, Tokyo đưa ra thông điệp muốn cân bằng hơn với Washington.

Trật tự mới ở Bắc Á

Nửa thế kỷ đánh dấu Hiệp ước An ninh chung cho phép quân Mỹ có nhiều đặc quyền trên đất nước Mặt trời mọc, Tokyo đưa ra thông điệp muốn cân bằng hơn với Washington. Trong khi đó người Mỹ lại không muốn đánh mất căn cứ chiến lược cũng như tầm ảnh hưởng của mình tại châu Á.

Ngoảnh mặt nhưng không làm ngơ

Đầu năm mới 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton hối hả công du đến châu Á - Thái Bình Dương nhằm giải quyết căng thẳng với đồng minh chiến lược Nhật Bản. Thứ Ba, ngày 12/1, tại Honolulu, Hawaii, bà đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Katsuya Okada để điều đình về vệc tiếp tục đặt sân bay Futenma của Thủy quân Lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ tại đảo Okinawa. Bà phát biểu trong buổi họp báo: “Hoa Kỳ và bạn bè thế giới gắn kết tình thân thông qua việc chấp hành những giao ước đã ký. Chúng tôi hy vọng tiếp tục làm bạn với Nhật Bản”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Hatoyama khẳng định: “Không cần thiết phải nói lại rằng, mấu chốt của liên minh Mỹ - Nhật là an ninh quân sự. Nhưng cũng cần phải thể hiện rõ, ở nhiều cấp độ khác, Nhật và Mỹ cũng có mối quan hệ quan trọng”. Đây là lời phát biểu có nhiều hàm ý đến mức sứ quán Mỹ từ chối bình luận. Hay nói một cách khác, người Mỹ không muốn thừa nhận thực tế người đồng minh Nhật Bản đang ngày càng có xu hướng tách dần khỏi cái bóng của đối tác Mỹ trên nhiều phương diện.

Căng thẳng được biểu hiện qua việc Nhật liên tục yêu cầu Mỹ phải nhanh chóng di dời các căn cứ quân sự khỏi Nhật Bản. Theo Hiệp ước An ninh được ký kết năm 1960, các lực lượng vũ trang Mỹ được phép sử dụng các cơ sở, lãnh thổ của Nhật Bản và hiện khoảng 47.000 quân Mỹ đang đồn trú tại Nhật. Đổi lại, Mỹ có trách nhiệm phải phản ứng lại trước các cuộc tấn công vào Nhật và bảo vệ Nhật dưới tấm chắn hạt nhân của mình.

Hơn một nửa số binh sĩ trên hiện đang đồn trú ở đảo Okinawa, miền nam nước Nhật. Nhiều người dân nơi đây liên tục phàn nàn về tiếng ồn, tình trạng ô nhiễm cũng như tội phạm liên quan đến các căn cứ của Mỹ. Thậm chí, một phiên tòa năm 2008 yêu cầu chính phủ Nhật phải bồi thường cho người dân về những rắc rối do quân đội Mỹ gây ra. Làn sóng phản đối và biểu tình ngày càng dâng cao... Nhật và Mỹ đều đồng ý là sẽ di chuyển căn cứ ra xa khu đông dân cư trên đảo.

NĂM NGOẠI GIAO CON THOI

* Tháng 11/2009: Tổng thống Mỹ Barack Obama công du đến châu Á, ghé thăm Nhật Bản.

* Tháng 10/2009: Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Katsuya Okada đối thoại cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.

* Tháng 7/2009: Thực thi thỏa thuận di dời lực lượng Thủy quân Lục chiến Viễn chinh III của Mỹ từ Okinawa, Nhật Bản đến đảo Guam.

* Tháng 5/2009: Nghị Viện Nhật thông qua thỏa thuận di dời lực lượng Hải quân Mỹ từ Okinawa đến Guam.

* Tháng 2/2009:

- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du đến châu Á, ghé thăm Nhật Bản.

- Thủ tướng Nhật Taro Aso ghé thăm Washington, Hoa Kỳ.

- Ký kết thỏa thuận giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Nhật về việc di dời lực lượng Thủy quân Lục chiến Viễn chinh III của Mỹ từ Okinawa đến Guam.

- Chương trình giao lưu văn hóa - chính trị cho lính Mỹ tại Nhật.

Tuy nhiên, sự việc vẫn nhùng nhằng, không dứt khoát cho đến khi liên minh chính phủ mới DPJ lên cầm quyền. Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã vận động đẩy căn cứ ra khỏi Okinawa hoàn toàn, và nếu được thì ra khỏi Nhật Bản luôn. Trong một bài báo đăng trên website của The New York Times, ngài Thủ tướng đã phát biểu: “Nền tảng quan hệ ngoại giao Nhật - Mỹ là gắn kết và bình đẳng. DPJ có chiến lược ngoại giao tự trị. Nhật phải duy trì tự chủ kinh tế và chính trị...”.

Trung Quốc: Người thứ ba

Sự kiện Okinawa này, nói nặng thì là đánh dấu việc Nhật “ngoảnh mặt” với người đồng minh Mỹ. Một trong những nguyên nhân có lẽ là do thế lực kinh tế của Mỹ suy yếu, trong khi Nhật cần mở rộng mối quan hệ kinh tế để sớm thoát khỏi trì trệ kéo dài hơn một thập kỷ. Đặc biệt, chính quyền Hatoyama hiện đang thúc đẩy mở rộng ngoại giao với các quốc gia hàng xóm, nhất là Trung Quốc (TQ).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, sự chuyển dịch trong quan hệ thương mại của ba nền kinh tế lớn này theo hướng: TQ chen vào giữa Mỹ và Nhật. Năm 2000, tổng giá trị sẳn phẩm Nhật nhập từ Mỹ đạt 64,9 tỷ USD; xuất sang Mỹ 146,4 tỷ USD. Nhưng trong 11 tháng đầu năm 2009 thì chỉ còn 46,2 tỷ và 86,4 tỷ USD.

Mặt khác, theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản (JETRO), từ đầu năm 2009, TQ đã thành bạn hàng lớn nhất của Nhật về cả xuất khẩu và nhập khẩu. So với cùng kỳ năm 2008, xuất khẩu sang TQ giảm 25,3%, còn 46,5 tỷ USD và nhập khẩu giảm 17,8%, còn 56,2 tỷUSD.

Tuy nhiên, thương mại với những nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, còn giảm mạnh hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2009, thương mại với TQ chiếm 20,4% tổng thương mại của Nhật Bản. Cùng lúc đó, TQ - Mỹ cũng gắn chặt với nhau hơn trong kinh doanh, buôn bán. Theo Cục Điều tra Hoa Kỳ U.S, tính đến tháng 11/2009, TQ đứng thứ hai, chiếm 14% thương mại hàng hóa của Mỹ. Còn Nhật Bản đứng thứ tư, chỉ chiếm 5,6%...

Những thông tin về một mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nhật Bản và TQ được đưa ra trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới châu Á - Thái Bình Dương hẳn sẽ khiến Washington lo ngại. Để trấn an đồng minh Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada phát biểu: “TQ có nền kinh tế đặc biệt quan trọng đối với cả Nhật Bản và Mỹ, nhưng lại có một hệ thống chính trị khác, vì vậy, Nhật Bản và TQ về cơ bản không thể là đồng minh”.

Ông Okada đưa ra phát biểu này sau cuộc đàm phán tại Hawaii với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tuy nhiên, không thể phủ nhận giữa Nhật và Mỹ đã có khoảng trống về cả quan hệ chính trị lẫn giao dịch kinh tế. Quan hệ Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục là một trụ cột trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, nhưng các nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể thấy được chiến lược của Mỹ thời gian tới không còn phù hợp một cách tự nhiên đối với những lợi ích quốc gia.

Vì vậy, những "căng thẳng lớn" trong quan hệ giữa hai cường quốc quyền lực nhất thế giới có thể xảy ra nếu sự mất cân bằng về kinh tế không được giải quyết. Trật tự thế giới mới đang nổi lên nhanh chóng ở châu Á khi khu vực này đang dần vượt qua sự vượt trội hàng thập kỷ của Mỹ.

Thế giới đang bước vào thời đại mà Mỹ cần có quyền lực của các đồng minh và các nước ngoài đồng minh để tái tạo và tái thiết trật tự thế giới. Các nước cần chung tay và làm những gì có thể để giải quyết hàng loạt vấn đề như tái thiết Afghanistan và Iraq, kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân và ngăn chặn thay đổi khí hậu. Do đó, trong khi hợp tác với Mỹ, Nhật Bản không thể duy trì quan điểm liên minh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chính sách ngoại giao trước cộng đồng quốc tế đang có xu hướng tiến tới thời đại của quan hệ đa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trật tự mới ở Bắc Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO