Trang trại trường học

18/12/2014 04:44

Mô hình vừa là trang trại, vừa là trường đại học là kết quả về “điều không tưởng” của một tỉ phú Mỹ.

Trang trại trường học

Mô hình vừa là trang trại, vừa là trường đại học là kết quả về “điều không tưởng” của một tỉ phú Mỹ. Nơi đây nằm giữa sa mạc California và là nơi đón nhận miễn phí những tài năng trẻ. Sáng là sinh viên, chiều là “cao bồi”, đích đến cuối cùng của họ là những trường danh tiếng như Đại học Harvard hay Yale. Nội dung đào tạo ở đây là sự kết hợp giữa kiến thức học thuật, kỹ năng tự chủ và lao động thể lực.

Tay cầm xẻng và bình hút côn trùng, Sebastian bắt đầu đi “khám phá” quanh trang trại. Đầu hơi cúi và mắt dán chặt vào mặt đất, cậu dò tìm từng mô đất nhú lên trên cát. Đó có thể là dấu hiệu một tổ kiến.

Cậu đang kiếm vài mẫu vật để tìm hiểu các cách thức tổ chức xã hội tinh vi cho bài học về “tính xã hội quần thể và các xã hội hữu cơ”. Sebastian đào một lỗ nhưng chưa hài lòng nên đào cái khác xa hơn một chút và lần này có vẻ ổn hơn.

Mặc lại chiếc áo thun từ ngày hôm qua, thậm chí là hôm kia, cậu cuốc đất và nằm dài trên cát để hút kiến. “Nơi này là một phòng thí nghiệm khổng lồ và điều đó thật tuyệt vời”, cậu cười lớn, tự do và sảng khoái.

25 học viên khác cũng tự do và sảng khoái. Bởi lẽ họ đang học tập tại Trường Deep Springs, nằm giữa sa mạc California, phía Tây Bắc Thung lũng Chết và phía Đông dãy Nevada, tại một trang trại có những đồng cỏ rộng lớn bao quanh bởi những đỉnh núi đá và những vùng đất khô cằn trải dài của Mahattan.

Thành lập năm 1917, ngôi trường “thể nghiệm” này, với chương trình học hai năm, là thành quả từ một “điều không tưởng” theo ý tưởng này của tỉ phú Mỹ, ông Lucien L. Nunn. Ông là người muốn xây dựng một nền giáo dục lý tưởng dựa trên 3 cột trụ: kiến thức học thuật, kỹ năng tự chủ và lao động thể lực. Một xã hội mơ ước nhằm rèn giũa người trẻ thành những trí thức phục vụ cho xã hội.

“Dù trở thành thợ rèn hay tổng thống Mỹ, nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là phụng sự xã hội với tinh thần trách nhiệm”, Hamza Hassan giải thích. Chàng sinh viên Somali này là một trong những sinh viên nước ngoài hiếm hoi hiện nay của Trường Deep Springs.

Trách nhiệm là yếu tố nền tảng của ngôi trường khác thường này. Tại đây, những thành viên được quyết định và chịu trách nhiệm về mọi thứ. Cuộc sống tại Trường khác xa với các tiêu chuẩn về sự tiện nghi kiểu Mỹ.

Trường chỉ gồm vài tòa nhà dân dã trên nền khung cảnh thường thấy trong các bộ phim miền viễn Tây và được các sinh viên, một số ít giảng viên thường trực và các giáo sư thỉnh giảng cùng điều hành.

Cơ cấu tổ chức của Deep Springs dựa trên nhiều ủy ban khác nhau do sinh viên và nhân sự của Trường (giáo viên giảng dạy và nhân viên hành chính) quyết định. Đó là Ủy ban Tuyển sinh tiếp nhận và tuyển chọn sinh viên mới, Ủy ban Truyền thông thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, Ủy ban Học thuật lựa chọn môn học, tên lớp học và… cả các giảng viên.

Còn Ủy ban Đối nội thì thường xuyên đánh giá “công dân” của Deep Springs, trên cả mặt học thuật và lao động, nhằm đảm bảo các công dân này vẫn đi theo tinh thần nền tảng của Trường, tức là trí tuệ sắc sảo và dấn thân phục vụ cộng đồng. Ba tối mỗi tuần, các “cao bồi-trí thức” lại họp mặt để thảo luận các vấn đề liên quan đến cộng đồng nhỏ của mình.

Khác với truyền thống

“Chúng tôi không áp đặt điều gì cả. Chúng tôi thảo luận sau đó bỏ phiếu”, Nick Jones từ tốn giải thích. Anh sinh viên năm hai này đến từ Colorado và là thợ làm bánh mì của cộng đồng nhỏ Deep Springs. Tối nay, trong khi một sinh viên dạo piano bản Autumn Leaves (Lá rụng) ở tòa nhà chính, thì một nhóm khác lại tụ họp tại “bảo tàng”.

Các tủ kính đầy ắp đá sỏi và côn trùng, các tấm ảnh cũ và trên một chiếc bàn vuông lớn. Tại đây, họ tranh luận về kỳ tuyển sinh tới. Đầu tóc rối bù và móng tay cáu bẩn - một dáng điệu rất Deep Springs - họ chia thành những nhóm nhỏ và nghiên cứu thư xin học của khoảng 1% những học sinh trung học xuất sắc nhất nước Mỹ gửi đến.

Mặc dù tỉ lệ nhập học chỉ vào khoảng 6%, các hồ sơ xin học luôn chất cao. Học phí 50.000 USD/học viên/năm sẽ do tài sản Lucien L. Nunn để lại và những nguồn tài trợ khác chi trả.

Nhiều bình luận về ứng viên được đưa ra: “Tự thân vận động”, “cá tính mạnh mẽ”, “hài hước”, “kiêu ngạo”, “thú vị”. Hai mươi phút cân nhắc cho mỗi hồ sơ, các ba-rem điểm được lập tùy theo các tiêu chuẩn học thuật và cá nhân, và quyết định cuối cùng: ứng viên này không được chọn.

Một ngày bình thường ở Deep Springs, cách thị trấn gần nhất một giờ đi xe, diễn ra như sau: buổi sáng học kiến thức học thuật rộng, như “Nền Cộng hòa của Platon”, “Thẩm mỹ học và các khía cạnh tâm lý trong điện ảnh Cộng hòa Weimar”; buổi chiều là hoạt động thể lực - hai mươi giờ mỗi tuần.

Buổi tối là lúc thư giãn với các “bữa tiệc” được tổ chức khá thường xuyên.

Vào buổi chiều mùa thu nắng thiêu đốt này, sinh viên ai nấy đều bận rộn với công việc. Người chăm lo bãi chăn thả và đàn gia súc 300 con đang trên yên ngựa, một số thì kiểm tra các cánh đồng cỏ linh lăng, vừa cười ngặt nghẽo vừa đặt các bẫy chống dịch hại, một số khác thì đang cuốc xới vườn rau củ 100% hữu cơ, nhóm vừa hạ một con bò ngày hôm trước thì đang chuẩn bị xẻ thịt con vật, một người vắt sữa bò trong khi một người khác đang thử nghiệm các nguyên lý cơ khí cơ bản trên nông cụ.

“Không có thì giờ cho sự thụ động ở đây”, William Elhers đùa. Chàng sinh viên người Đức này phụ trách các đồng cỏ. “Không làm việc, chúng tôi sẽ không được ăn tối. Hậu quả tới liền. Điều đó làm tăng ý thức trách nhiệm của chúng tôi!”.

Một sinh viên khác đang thuộc da bò nói thêm: “Tuy nhiên, lịch học và làm việc dày đặc đến nỗi đôi khi chúng tôi không có thời gian để trò chuyện với nhau”. Với những sinh viên đang ở mùa xuân của cuộc đời này, Trường Deep Springs giống như một hợp tác xã hay một trại tập trung? Một giáo phái? Một trại giáo dưỡng? “Tất cả đều không phải” Sebastian Hart bật cười.

“Mặc dù chúng tôi đều có ít nhiều hy sinh cá nhân khi vào Trường, nhưng sự tương thân tương ái tại đây lại là một phần thưởng rất xứng đáng. Ở đây, chúng tôi học cách tập trung vào mục tiêu cuộc đời mình và phát triển các khả năng của bản thân”. Và dường như tất cả đều hài lòng khi tránh được vòng xoáy cổ điển “bia rượu-tình dục-ma túy”, vốn đã thành lệ thường trong hai năm đại cương tại các đại học Mỹ.

Không gái gú, không rượu bia, không ma túy, không điện thoại và không được quyền đi vào thành phố, ngoại trừ 4 tình nguyện viên đi mua các đồ dùng thiết yếu một lần mỗi tuần… “Cách ly không phải là một điều kiện cần. Điều quan trọng nhất là giúp họ tránh xa dòng chảy văn hóa đô thị, vốn kém phong phú và không có lợi cho tinh thần, David Neidorf cho biết. Ông hiện là Hiệu trưởng đồng thời là giảng viên triết học của Trường.

Nhìn họ làm việc một cách cật lực, xa rời những bận tâm của bạn bè đồng trang lứa ở “thế giới bên ngoài” và họ lặp đi lặp lại điều ấy một cách thật thà, một câu hỏi tự nhiên đặt ra, rất hợp lý: liệu như vậy có khắc nghiệt quá không? “Đôi khi, câu trả lời là có nhưng chúng tôi nhận được rất ít sự phản đối”, Neidorf cười. “Ngược lại, khi hoàn thành những công việc được giao, họ dần nhận ra rằng họ mạnh mẽ hơn họ nghĩ”.

Học cách suy nghĩ thoát lối mòn

Một lối sống mới được hình thành. Lao động trên đồng, chăm sóc gia súc, làm vườn rau củ… Tại đây, công việc diễn ra không ngừng khiến cuộc sống của cộng đồng nhỏ được tiếp nối suôn sẻ. Thể thao cũng có mặt trong chương trình, với các trận bóng đá ngẫu hứng trên bãi cỏ của trang trại.

Không ai bị bắt buộc phải ở lại và mặt khác, tất cả dường như nhận ra rằng điều khó khăn nhất không phải là khối lượng công việc mà là “học cách để hoàn thiện bản thân, hướng về người khác, sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo, trong bất kể lĩnh vực nào mình tham gia” John Stuart, một sinh viên của Trường, giải thích. Về phần mình, anh đã quyết định ở lại Deep Springs thêm một năm nữa.

Gần một trăm năm sau ngày lập Trường, số hồ sơ xin nhập học đã không ngừng tăng lên. Chắc chắn một phần vì được miễn học phí, nhưng cũng bởi vì khóa học tại Trường đều dẫn lối phần lớn số sinh viên ít ỏi của mình tới “Ivy League”, tức top 10 trường đại học tốt nhất của Mỹ.

Nhà tiên phong nhìn xa trông rộng

Lucien L. Nunn (1853-1925) là một nhà tiên phong được người Mỹ yêu mến. Vào đầu thế kỷ XX, ông gây dựng cơ nghiệp tại Colorado và trải qua các công việc như thợ mỏ, nhân viên ngân hàng… và trên hết khi xây dựng các nhà máy điện, đặc biệt là công trình tại thác Niagara.

Nhìn con người chinh phục miền Tây trong các điều kiện khó khăn và nguy hiểm, ông hình thành ý tưởng rèn giũa những thanh niên trí tuệ sắc sảo nhưng đồng thời chịu đựng được những điều kiện sống khắc nghiệt, về thể chất cũng như tinh thần.

Tin rằng “sa mạc đang cất lời”, ông mong muốn thế hệ ưu tú tương lai phải được trui rèn trong một “cuộc sống phụng sự” xa rời những xô bồ thành thị. Và ông quyết định dành trọn gia sản cho lý tưởng của mình. Ông mua 1.000 ha đất trong sa mạc California và vào năm 1917 Trường Deep Springs đón nhận miễn phí những học viên đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trang trại trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO