Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2017

LÊ DUY| 30/12/2017 06:00

Năm 2017, thế giới chứng kiến nhiều hiệp định thương mại tự do rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" vì chính sách ngoại giao của Mỹ cũng như những bất ổn địa - chính trị liên quan tới đàm phán Brexit, căng thẳng hạt nhân Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố. Cùng với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng cùng đồng tiền mã hóa Bitcoin, kinh tế thế giới cũng nhiều phen dậy sóng.

Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2017

"Hoa Kỳ trên hết" và quan hệ Mỹ - Trung

Với những phát ngôn tại các sự kiện lớn trên thế giới, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời ông thông qua chủ trương mang tên "Hoa Kỳ trên hết" (America First).

Cụ thể, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính mình khởi xướng vì cho rằng nó sẽ là rủi ro tiềm tàng với Hoa Kỳ. Thêm vào đó, Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cho rằng tổ chức này đã làm giảm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Với việc vòng đàm phán thứ 5 của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra không mấy khả quan, nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ rút khỏi hiệp định này vì mong muốn "lấy lại công bằng và giảm thâm hụt thương mại". Bên cạnh đó, nước này cũng đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và gần đây nhất là Hiệp ước Di trú toàn cầu.

Trong ngoại giao với Trung Quốc, kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu năm của ông Trump, quan hệ giữa hai nước dường như đã thân mật hơn cho tới khi Tổng thống Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia vào ngày 18/12.

Hy vọng về một mối quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm bị dội gáo nước lạnh khi Tổng thống Trump gọi Trung Quốc là "cường quốc đối thủ”, đang tìm cơ hội để "thách thức ảnh hưởng, giá trị và sự thịnh vượng của Mỹ”. Đồng thời, các vấn đề tranh chấp thương mại và tiếp cận thị trường cũng sẽ là thử thách về mặt lâu dài đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Chính sách đối ngoại mang tên

Chính sách đối ngoại mang tên "Hoa Kỳ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều hiệp định thương mại tự do rơi vào thế khó khăn. Ảnh: Inquirer Global Nation

Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên

Bất chấp sức ép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên đã 15 lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 trong năm 2017. Theo Harry J. Kazianis - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ thì trong năm 2018, Triều Tiên sẽ tiếp tục con đường phát triển vũ khí như những gì đang làm hiện nay.

Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 72 hồi tháng 9, nhằm phản ứng với động thái của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố: "Nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoại trừ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên". Ông Trump chỉ ra rằng, khủng hoảng hạt nhân không phải là vấn đề của riêng Mỹ với Triều Tiên mà là vấn đề của cả thế giới với nước này.

Tuy nhiên, chiến lược an ninh quốc gia vừa được Tổng thống Mỹ công bố đã xếp Trung Quốc và Nga vào nhóm "cường quốc đối thủ” và đang tìm cách "thách thức ảnh hưởng, giá trị và sự thịnh vượng của Mỹ”. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho việc chung tay giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Khủng bố và bạo lực leo thang

Theo số liệu tổng hợp của ESRI Story Maps và Peace Tech Lab, đã có 1.097 vụ khủng bố trong năm 2017, làm thiệt mạng 7.456 người. Trong đó, Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra tổng cộng 502 vụ tấn công, làm thiệt mạng 3.873 người (bao gồm cả nhóm Boko Haram). Khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng nhất là vụ đánh bom liên hoàn bằng xe tải tại Mogadishu (Somalia) khiến ít nhất 512 người chết và 316 người bị thương.

Bên cạnh đó, hàng loạt vụ xả súng, đánh bom hay đâm xe khủng bố cũng xảy ra tại khắp nơi trên thế giới. Các nước như Bỉ, Đan Mạch, Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ đều là mục tiêu của những vụ tấn công khiến toàn châu Âu rúng động. Còn tại Mỹ, theo tổ chức Gun Violence Archive, đã xảy ra 15.034 vụ bạo lực súng đạn, trong đó có 335 vụ xả súng hàng loạt.

Đàm phán Brexit

Dù việc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã diễn ra từ tháng 6/2016, song những diễn biến tiếp theo của nó vẫn khiến cả thế giới phải quan tâm. Bởi lẽ, "bóng đen" Brexit không chỉ bao trùm cả nước Anh mà còn lan rộng ra toàn cầu, đặc biệt là ở Eurozone.

Link bài viết

Vào cuối tháng 11, Anh và EU đã bước đầu đạt được những thỏa thuận liên quan đến nghĩa vụ tài chính mà nước này cần phải thanh toán khi quyết định "ly hôn". Dù chưa có con số chính xác nhưng theo ước tính, Anh sẽ phải trả cho EU từ 45 tới 55 tỷ euro. Chưa biết lợi ích từ việc rời khỏi EU là thế nào nhưng trước mắt, chính Brexit đã khiến Anh trượt khỏi top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngày 15/12, Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đã khép lại với việc lãnh đạo EU phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn đàm phán tiếp theo của Brexit. Theo đó, giai đoạn 2 sẽ hướng đến thảo luận quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa Anh với EU sau khi nước này chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019. Việc chuyển giao sẽ kéo dài khoảng 2 năm, tính từ ngày 30/3/2019. Trong thời gian này, Anh sẽ không còn là thành viên của Nghị viện Châu Âu, nên sẽ không có quyền tham gia các cuộc họp và không có quyền bỏ phiếu các chính sách chung của khu vực.

Biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu

Theo báo cáo của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), nhiệt độ trái đất vào năm 2017 đã lên tới mức kỷ lục, chỉ đứng sau năm nóng nhất trong giai đoạn 1880 - 2017 là năm 2016. Và những cơn "siêu bão", gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cũng như cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên thế giới trong thời gian qua chỉ là sự ứng nghiệm cho những điều đã được tuyên bố từ nhiều thập kỷ trước.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 72, Tổng thư ký Guterres phát biểu: "Mưa bão và lũ lụt trên toàn cầu là những minh chứng hùng hồn cho việc các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn bao giờ hết do biến đổi khí hậu".

Thế nhưng, dường như những bằng chứng tỏ tường thể này vẫn chưa đủ thuyết phục chính phủ các nước thay đổi chính sách để cắt giảm lượng xả thải khí nhà kính khi mà những kế hoạch và mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia mới chỉ dừng ở mức "lời nói".

Dù đã có những minh chứng rõ ràng, song các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu mới chỉ dừng ở mức

Dù đã có những minh chứng rõ ràng, song các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu mới chỉ dừng ở mức "lời nói" - Ảnh: Independent

Tấn công mạng

Trong năm 2017, nhiều cuộc tấn công mạng đã xảy ra với mức độ thiệt hại cùng phạm vi ảnh hưởng lớn hơn, trở thành mối lo ngại hàng đầu cho người sử dụng internet, doanh nghiệp và thậm chí là các tổ chức chính phủ. Có thể kể tên một số vụ tấn công mạng cộm cán trong năm qua là mã độc WannaCry, NotPetya.

Thậm chí, tại Mỹ, tội phạm đã đánh thẳng vào Equifax, một trong những hãng báo cáo tín dụng lớn nhất nước vào tháng 7. Được biết, dữ liệu của 145 triệu người dân đã bị đánh cắp, trong đó có cả số an sinh xã hội. Giới an ninh mạng cho rằng hậu quả từ vụ tấn công sẽ còn kéo dài trong nhiều năm bởi dữ liệu bị đánh cắp có thể được sử dụng để tạo ra những nhân thân giả.

Dự báo, trong năm 2018, tấn công mạng sẽ tăng tỷ lệ thuận cùng sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không chỉ đơn thuần là máy tính mà bất cứ thiết bị nào có kết nối internet đều có thể trở thành nạn nhân. Theo Tập đoàn Công nghệ thông tin Gartner, đến năm 2020, 99% những cuộc tấn công mạng sẽ diễn ra giống như WannaCry.

Tiền ảo "lên ngôi"

Có thể nói, năm 2017 là năm của các loại tiền mã hóa và cái tên được chú ý nhiều nhất chính là Bitcoin. Chỉ tính riêng năm nay, giá của Bitcoin đã tăng hơn 10 lần. Hưởng lợi từ "cơn sốt" tiền mã hóa này, hàng loạt "triệu phú Bitcoin" đã xuất hiện và cá biệt hai anh em sinh đôi Cameron và Tyler Winklevoss đã trở thành "tỷ phú Bitcoin" đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, việc giá của Bitcoin tăng phi mã khiến nhiều nhà đầu tư và chuyên gia trên thế giới tỏ ra lo ngại trước đồng tiền ảo này. Trong báo cáo mang tên "Giải mã Bitcoin", Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley ước tính đã có đến 2 tỷ USD được các quỹ đầu cơ rót vào tiền mã hóa trong năm 2017. Jamie Dimon - CEO của JPMorgan - đã so sánh Bitcoin với bong bóng kinh tế đầu tiên được ghi lại trong lịch sử, chính là "hội chứng củ tulip".

Hiện thời, sau khi chạm đỉnh gần 20.000 USD, Bitcoin đang lao dốc không phanh. Có thể nói, sự thật về việc loại tiền mã hóa này sẽ trở thành phương thức thanh toán trong tương lai như những người đầu tư vào nó đang quả quyết hay chỉ là một bong bóng đầu cơ khổng lồ sẽ sớm được hé lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO