Những chính sách khó lường của Tổng thống Trump

LÊ PHAN| 31/05/2018 06:28

Những chính sách thiếu nhất quán, khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng khiến tình hình thế giới thêm bất ổn.

Những chính sách khó lường của Tổng thống Trump

Tưởng rằng vấn đề Triều Tiên sẽ sớm được giải quyết trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump khi lãnh đạo hai nước đã đồng ý gặp nhau tại hội nghị thượng định dự kiến sẽ diễn ra ngày 12/6 tới, thì bất ngờ ông Trump cho biết sẽ hủy cuộc gặp này để đáp trả lại thái độ thù địch của Triều Tiên.

Dù trước đó ông Trump đã khen ngợi hành động của nhà lãnh đạo Kim Jong Un về kế hoạch gặp Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân, nhưng việc ông đơn phương quyết định hủy bỏ cuộc gặp khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, thậm chí ngay với những đồng minh thân cận như EU và Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia lo ngại Mỹ có thể bị gạt ra rìa trong vấn đề Triều Tiên và khả năng ông Trump rơi vào cái bẫy do phía Triều Tiên giăng sẵn. Tuy nhiên, gần đây ông Trump cũng chia sẻ là cơ hội mở lại đàm phán với Triều Tiên vẫn còn.

Về thương mại, ông Trump cũng chỉ trích tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngay từ lúc tranh cử, cũng như phê phán chính sách thao túng đồng tiền của nước này. Và kết quả là khi lên nắm quyền, ông bắt đầu có những hành động đáp trả, cụ thể là đe dọa đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị 50 - 60 tỷ USD .

Tuy nhiên, những mâu thuẫn thương mại giữa hai nước gần đây đã phần nào dịu lại, sau khi vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra vào cuối tuần trước tại Washington. Kết quả công bố sau cuộc họp cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí rút lại các lời đe dọa áp đặt thuế suất, đồng thời bàn luận về một thỏa thuận thương mại rộng hơn, theo đó Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa năng lượng và công nghiệp từ Mỹ để thu hẹp khoản thâm hụt thương mại và dịch vụ hằng năm của Mỹ với Trung Quốc.

Dù vậy, ông Trump cho biết vẫn chưa hài lòng với kết quả cuộc đàm phán này.  Ông cũng cho rằng Bắc Kinh đã trở nên "hư hỏng" và kỳ vọng của ông đối với cuộc đàm phán đã giảm xuống mức thấp. Ông phát biểu: "Liệu cuộc đàm phán có thành công không? Tôi có khuynh hướng nghi ngờ điều đó”.

Những chính sách bất ngờ của ông Trump còn bao gồm việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vào đầu tháng 5 này. Iran sau đó đã cho biết sẽ không tuân theo những gì mà Mỹ sắp đặt, thậm chí đe dọa có thể quay trở lại chương trình hạt nhân. Cụ thể, sau khi hủy bỏ thỏa thuận cũ, phía Mỹ đưa ra những điều kiện mới buộc Iran phải thực hiện nếu muốn tránh các lệnh trừng phạt trở lại.

Nhiều chính trị gia cho rằng việc Mỹ thể hiện sự cứng rắn với Iran là nhằm muốn cho Triều Tiên thấy Mỹ không bao giờ chấp nhận hay thỏa hiệp với những quốc gia có ý đồ phát triển hạt nhân. Quan sát những chính sách, phát biểu của ông Trump suốt thời gian qua có thể thấy, đầu tiên là những lời phê phán, chỉ trích để buộc đối thủ phải ký kết các hiệp định theo điều kiện mà Mỹ đưa ra; việc đả kích đe dọa liên tiếp sau đó cũng nhằm giúp Mỹ có được lợi thế cửa trên ở bàn đàm phán.

Nếu những điều kiên đưa ra không đạt được kết quả như mong đợi, ông Trump có thể đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận, đàm phán, dù sau đó vẫn tuyên bố "cánh cửa" chưa hoàn toàn khép lại với những nước này và để ngỏ khả năng cho giai đoạn kế tiếp.

Tuy nhiên, dù là gì đi nữa thì những chính sách khó lường, những phát ngôn, tuyên bố dù mạnh mẽ nhưng  thiếu nhất quán của ông Trump càng khiến tình hình địa - chính trị trên thế giới luôn đối mặt với cục diện có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào, trong khi các thị trường tài chính phải nhiều phen chao đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chính sách khó lường của Tổng thống Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO