Người Nhật Bản và văn hóa làm việc như thiêu thân

12/10/2017 08:11

Mỗi năm, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Nhật Bản, chết do làm việc quá sức.

Người Nhật Bản và văn hóa làm việc như thiêu thân

Tuần vừa qua, việc đài truyền hình NHK công khai vụ một nữ phóng viên tử vong do làm việc quá sức, một lần nữa khiến dư luận chú ý tới vấn nạn nhức nhối "làm việc tới chết" tại Nhật Bản, Washington Post đưa tin.

Cô Miwa Sado, phóng viên chính trị 31 tuổi, tham gia đưa tin bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo và bầu cử thượng viện Nhật Bản từ tháng 6 đến 7/2013. Sau khi làm thêm 159 giờ và chỉ nghỉ hai ngày trong vòng một tháng, cô Sado tử vong do suy tim.

Miwa Sado, phóng viên chính trị 31 tuổi của đài NHK Nhật Bản, tử vong do làm việc quá sức. Ảnh: NHK

Phóng viên Sado là một trong số hàng trăm nạn nhân mỗi năm của hiện tượng "karoshi", trong tiếng Nhật có nghĩa là chết do làm việc quá sức. Theo các chuyên gia, nếu tính cả thống kê không chính thức, con số này có thể lên tới hàng nghìn.

Đại diện của đài NHK tuyên bố trong cuộc họp báo rằng cái chết của Sado cho thấy "vấn đề nằm trong bộ máy tổ chức của đài, bao gồm hệ thống nhân sự và cách thức đưa tin các cuộc bầu cử". Tuy nhiên, vấn nạn "làm việc tới chết" ở Nhật Bản không đơn giản như vậy.

Văn hóa làm việc như thiêu thân

Người Nhật không có khái niệm "cân bằng giữa cuộc sống và công việc". Họ coi làm việc ngoài giờ là điều tất nhiên.

Văn hóa này bắt đầu từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Lúc đó, do đồng lương ít ỏi, người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ để gia tăng thu nhập. Dân Nhật duy trì thói quen này suốt những năm 1980 khi kinh tế bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ.

Và họ tiếp tục làm việc như những con thiêu thân kể cả khi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thế rồi, khi bước vào thập niên 90, thời kỳ kinh tế bong bóng xảy ra khiến hàng loạt các công ty phải tái cấu trúc và cắt giảm nhân sự.

Trong cơn khủng hoảng, người lao động Nhật Bản căng mình làm thêm giờ để giữ bằng được công việc. Đến lúc này, làm việc liên tục 12 tiếng một ngày đã trở thành điều bình thường ở Nhật Bản.

"Trong môi trường công sở Nhật Bản, người ta luôn làm thêm giờ. Lao động ngoài giờ gần như là một phần của công việc. Không ai cưỡng ép nhân viên làm vậy nhưng họ cảm thấy đây là điều bắt buộc",  giáo sư đã nghỉ hưu Koji Morioka tại trường đại học Kansai cho biết. Ông Morioka đồng thời là chuyên gia tư vấn cho chính phủ các giải pháp đối phó với vấn nạn "karoshi".

Theo luật, giờ làm việc ở Nhật Bản là 40 tiếng mỗi tuần. Nhưng đa số người lao động làm thêm giờ vì sợ bị cấp trên đánh giá là yếu kém. Bên cạnh đó, đa số người Nhật, sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ đầu quân cho một công ty với hy vọng sẽ gắn bó với doanh nghiệp đó đến ngày về hưu.

"Ở những quốc gia như Mỹ, mọi người tự do chuyển sang làm việc cho một công ty có chế độ đãi ngộ tốt hơn", giáo sư Kenichi Kuroda giảng dạy tại trường đại học Meiji ở Tokyo cho biết. "Nhưng tại Nhật Bản, người ta thường có xu hướng chôn chân tại một công ty cho đến hết đời. Không dễ mà chuyển chỗ làm".

Chưa kể các tổ chức công đoàn thường chỉ tranh đấu để đòi tăng lương cho người lao động chứ không quan tâm tới việc yêu cầu doanh nghiệp giảm giờ làm cho nhân viên.

Chết do làm việc quá sức

Một người đàn ông đi bộ trong hành lang một tòa nhà văn phòng ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Các nạn nhân chết do làm việc quá sức ở Nhật Bản thường bị trụy tim hoặc trầm cảm dẫn tới tự tử. Bộ Lao động Nhật Bản ước tính 189 người đã chết do làm việc quá sức vào năm 2015, trong đó 49% tự tử và 51% do đau tim, đột quỵ hoặc nguyên nhân khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này phải lên tới hàng nghìn.

Ngoài ra, người Nhật thường xuyên không dùng hết ngày nghỉ phép theo quy định. Vào năm 2015, thống kê cho thấy trung bình một người lao động chỉ nghỉ phép 9 ngày một năm, tức là chưa tới một nửa tổng số ngày nghỉ.

Hiện tượng "karoshi" vốn được coi chỉ xảy ra với lao động nam giới. Nhưng ngày càng nhiều lao động nữ, đa phần tự tử, trở thành nạn nhân của văn hóa làm việc này. Quan trọng hơn, các nạn nhân nữ thường còn rất trẻ, thậm chí chỉ mới hơn 20 tuổi, theo luật sư Hiroshi Kawahito, tổng thư ký của hiệp hội bảo vệ nạn nhân của karoshi.

"Thực sự, thanh niên mới ngoài 30 chết vì đau tim không phải là chuyện hiếm ở Nhật Bản", ông Kawahito cho biết.

Sau khi cơ quan chức năng xác nhận nạn nhân chết do hậu quả của làm việc quá sức, gia đình sẽ tự động được nhận đền bù qua một hệ thống phúc lợi dành cho người lao động. Tuy nhiên theo luật sư Kawahito, chỉ chưa tới 1/3 số trường hợp nộp đơn đề nghị nhận đền bù được chấp nhận.

Theo một nghiên cứu của chính phủ thực hiện với 10.000 công ty vào năm 2016, hơn  20% số doanh nghiệp được hỏi cho biết nhân viên của họ làm thêm quá 80 giờ mỗi tháng. Và cứ một trong 5 người lao động Nhật, tương đương với 20% tổng số nhân lực, làm 49 tiếng trở lên mỗi tuần. Con số này cao hơn hẳn 16,4% ở Mỹ, 12,5% ở Anh và 10,1% ở Đức.

Chính phủ vào cuộc

Nữ phóng viên Sado làm thêm 159 giờ có nghĩa là trong suốt một tháng trước khi tử vong, cô đã liên tục làm thêm 5,5 giờ mỗi ngày. Theo báo địa phương Asahi Shimbun, Sado quá bận rộn đưa tin về các ứng cử viên và những người ủng hộ. Cô vừa ghi hình các bài phát biểu vừa phải tham dự các buổi họp trong suốt mùa bầu cử.

"Cô ấy ở trong tình thế mà không thể nghỉ. Trách nhiệm công việc buộc cô phải làm việc rất muộn. Có thể nói rằng Sado phải chịu đựng mệt mỏi về thể chất và thiếu ngủ tích tụ qua nhiều ngày", cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động cho biết.

Sado bắt đầu làm việc tại đài NHK từ năm 2005 khi cô mới hơn 20 tuổi, theo Japan Times. Và 4 năm sau cái chết của cô, đài NHK mới quyết định công bố nguyên nhân.

"Thậm chí cho tới tận bây giờ, 4 năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn không thể chấp nhận sự thật rằng con gái mình đã mất", cha mẹ của phóng viên Sado nói trong một thông cáo báo chí. "Chúng tôi hy vọng nỗi đau đớn mà các gia đình nạn nhân phải gánh chịu sẽ không hoài phí".

Mẹ của Matsuri Takahashi khóc trong buổi họp báo. Nữ nhân viên 24 tuổi Takahashi của tập đoàn quảng cáo Dentsu đã tự tử vì áp lực công việc. Ảnh: Reuters

Vào năm 2015, Matsuri Takahashi, làm việc tại tập đoàn quảng cáo Dentsu, nhảy lầu tự tử vào đúng ngày Giáng sinh khi mới 24 tuổi. Trước khi chấm dứt cuộc sống, cô gái trẻ đã tâm sự trên mạng xã hội Twitter rằng cô phải làm thêm hơn 100 giờ trong suốt một tháng.

"Tôi sắp chết. Tôi quá mệt mỏi rồi", Takahashi viết trong một tin nhắn điện thoại.

Sau thảm kịch hơn một năm, chủ tịch Dentsu từ chức để nhận trách nhiệm vụ việc. Và vào ngày 6/10, Dentsu phải nộp phạt 4.400 USD vì không khắc phục được tình trạng người lao động làm quá giờ bất hợp pháp. Tập đoàn này bị cáo buộc có hành vi ép bắt 4 nhân viên làm việc ngoài giờ và dẫn tới hậu quả là một trong số đó, cô gái trẻ Takahashi, đã tự tử.

Cũng vào cuối năm 2015, Kiyotaka Seriwaza, nam nhân viên 34 tuổi tại một công ty chuyên sửa chữa nhà ở, đã tự sát vì không chịu nổi cường độ làm việc 90 giờ mỗi tuần. Trước khi chọn cái chết, anh Seriwaza đã gửi thư xin từ chức nhưng không được chấp thuận.

Chính phủ Nhật Bản cố gắng từng bước thay đổi văn hóa làm việc để giải quyết tận gốc rễ vấn nạn nhức nhối "karoshi", bao gồm thông qua luật giảm số lượng người lao động làm hơn 60 giờ mỗi tuần và khuyến khích người lao động dùng hết số ngày nghỉ phép hàng năm.

Phát ngôn viên của chính phủ tuyên bố rằng Nhật Bản "cần phải chấm dứt văn hóa làm việc nhiều giờ để người dân cân bằng cuộc sống, (có thời gian) nuôi dạy con cái và chăm sóc người già", theo Bloomberg.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, các công ty bắt đầu khuyến khích nhân viên tan sở đúng giờ, đi nghỉ, tránh xa công việc. Tập đoàn quảng cáo Dentsu áp dụng biện pháp cụ thể hơn là tắt hệ thống chiếu sáng trong công ty vào lúc 10h tối và yêu cầu tất cả các nhân viên cứ 6 tháng phải nghỉ ít nhất 5 ngày.

Tương tự, hãng bảo hiểm nhân thọ Japan Post Insurance cũng tắt đèn vào đúng 7h30 tối. Trong khi đó, Yahoo tại Nhật đang tính tới phương án làm việc 4 ngày một tuần.

"Không thể chỉ xóa bỏ karoshi", giáo sư Morioka tại trường đại học Kansai nhận định. "Điều chúng ta cần làm là dần dần thay đổi văn hóa và tạo ra thói quen dành thời gian cho gia đình và các sở thích cá nhân... Con người ta bận đến mức còn chẳng có thời gian mà phàn nàn".

Trong một email mà Sado gửi đi trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, nữ phóng viên này đã có dự cảm không tốt về cái giá phải trả vì làm việc quá sức.

"Mình quá bận và quá căng thẳng. Ngày nào, mình cũng nghĩ đến bỏ việc ít nhất một lần. Nhưng chắc là phải cố thôi", Sado viết. Khi phát hiện xác của Sado trên giường, người ta thấy trên tay cô vẫn cầm chiếc điện thoại di động.

>Vì sao người Nhật "không thể lười biếng"?

>Những người "bốc hơi" ở Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Nhật Bản và văn hóa làm việc như thiêu thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO