Nâng cao trách nhiệm Vì ngôi nhà chung - Trái đât

Nguồn VOV| 17/12/2009 07:59

Thủ tướng khẳng định cam kết mạnh mẽ của VN thực hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Nâng cao trách nhiệm Vì ngôi nhà chung - Trái đât

Đêm 16/12 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại phiên họp cấp cao Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen, Vương quốc Đan Mạch.

Cùng với đưa ra nhiều đề xuất tích cực nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt nam nỗ lực thực hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu tại Copenhagen lần này thu hút sự tham gia của 120 lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham dự, cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu diễn ra hai sự kiện đặc biệt quan trọng là Hội nghị thường niên lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Hội nghị thường niên lần thứ 5 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto.

Hội nghị tập trung kiểm điểm quá trình thực hiện công ước về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời thảo luận các giải pháp và các hoạt động ưu tiên đối với thế giới trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển và chuyển giao công nghệ sạch...

Vấn đề quan trọng nhất tại hội nghị lần này là sự cần thiết phải có thoả thuận quốc tế mới để ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu giai đoạn sau năm 2012, thời điểm cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto kết thúc, trong đó vấn đề đồng thuận cùng cắt giảm khí thải CO2 theo lộ trình cụ thể của các quốc gia đang là chủ đề nóng tại hội nghị lần này.

Tham dự Hội nghi Thế giới về Biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những tâm điểm mà thế giới đặc biệt chú ý. Bởi Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động và đang tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu nên nhiều nước mong muốn Việt Nam là cầu nối giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển trong nỗ lực thống nhất các quan điểm hợp tác dài hạn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng không phải là nước có lượng phát thải lớn khí nhà kính. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều khu kinh tế và dân cư tập trung ở vùng ven biển, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long của VN không chỉ cung cấp lương thực cho 86 triệu dân Việt Nam mà còn góp phần nuôi sống hàng trăm triệu người trên trái đất vì nơi đây mỗinăm cũng cấp khoảng 1/5 tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Nếu nước biển dâng đến 1 mét thì các đồng bằng và vùng ven biển của Việt Nam sẽ ngập đến 38%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến đời sống, xã hội và an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, vì vậy việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi người. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến quan trọng nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, mong muốn các nước sẽ đạt được sự đồng thuận và đưa ra các thoả thuận quốc tế mới ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và nội dung của Nghị định thư Kyoto với việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới đối với những nước có lượng phát thải lớn tiếp tục là các cơ sở pháp lý cơ bản để cộng đồng quốc tế hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Các nước phát triển phải đi tiên phong đưa ra các cam kết mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể giảm phát thải khí nhà kính trong trung hạn, dài hạn nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C vào cuối Thế kỷ này. Các nước phát triển và các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính phải trách nhiệm hỗ trợ cho những nước đang phát triển, hỗ trợ đặc biệt cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thông qua các cơ chế mới về tài chính, chuyển giao công nghệ, sử dụng Quỹ Thích ứng và giúp đỡ các nước này tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình hành động giảm thiểu khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng quốc gia (NAMAs) trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Cộng đồng Quốc tế cũng cần có một thể chế mới về tài chính để điều phối có hiệu quả việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt nam thực hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ mà cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế đã dành cho Việt Nam, đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ thiết thực để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, điều này cũng góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới.

Bên lề Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu, đêm qua theo giờ Việt nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ô-lắc Ki-zô-ven, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc Văn phòng Chính sách phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao trách nhiệm Vì ngôi nhà chung - Trái đât
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO