Mở đường nối bờ biển 3 nước

22/02/2010 08:54

Con đường dài gần 1.000km chạy ven bờ biển nối ba nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan sẽ khởi công dự án thành phần vào đầu tháng 3 năm nay.

Mở đường nối bờ biển 3 nước

Con đường dài gần 1.000km chạy ven bờ biển nối ba nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan sẽ khởi công dự án thành phần vào đầu tháng 3 năm nay. Con đường kết nối các tỉnh còn nghèo của ba nước sẽ kéo người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện khả năng cạnh tranh của các tỉnh này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng (giữa) khảo sát đường hành lang ven biển phía Nam - Ảnh: Quốc Bình


Nhiều lãnh đạo địa phương cùng các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định khi tuyến đường hoàn thành sẽ đánh thức nhiều tiềm năng của các vùng đất có đường đi qua. Còn theo dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, đường hành lang ven biển phía Nam ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài 220km, tổng vốn đầu tư 440 triệu USD.

Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) là điểm bắt đầu tuyến đường hành lang ven biển phía Nam - Ảnh: TẤN THÁI

Tạo sự liên hoàn

Đón đầu cơ hội phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương cho biết: “Hiện tại, Kiên Giang đang tập trung xây dựng các khu thương mại và công nghiệp dọc theo tuyến đường này như khu phi thuế quan cửa khẩu Hà Tiên, Khu công nghiệp Thạnh Lộc... nhằm đón đầu cơ hội phát triển. Tôi tin tuyến đường này sẽ đánh thức tiềm năng kinh tế, du lịch của Kiên Giang với các nước tiểu vùng sông Mekong”.

Con đường sẽ được xây dựng qua nhiều khu vực thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Đoạn qua Kiên Giang dài hơn 166km. Dự án đường hành lang ven biển phía Nam tại Việt Nam được phân kỳ xây dựng theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn đường từ TP Rạch Giá đến TP Cà Mau bao gồm ba dự án thành phần.

Trong đó có hai dự án thành phần xây dựng tuyến đường chạy từ thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành) đến miệt Thứ Bảy (huyện An Biên, đều thuộc Kiên Giang) và tuyến tránh TP Rạch Giá, có tổng vốn đầu tư 133 triệu USD (từ nguồn vay của Chính phủ Hàn Quốc, thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế Hàn Quốc).

Sau khi đi qua các khu vực thuộc U Minh Thượng (Kiên Giang) con đường thuộc dự án kể trên sẽ tiếp tục nối vào quốc lộ 63 để tránh thị trấn An Biên rồi xuyên qua thị trấn Thới Bình (Cà Mau) để tiến sát về sông Trẹm. Sau đó con đường sẽ hướng đến cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, tại xã Khánh An (U Minh) rồi tiếp tục kéo dài thêm 9km ra xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước, Cà Mau) để đấu nối vào quốc lộ 1A ở khu vực Đình Tân Hưng rồi thông mạch về khu kinh tế biển Năm Căn. Từ đây sẽ kết nối với đường hành lang ven biển được xây dựng từ Bangkok (Thái Lan) đến Phnom Penh - cảng Sihanoukville (Campuchia) đến Việt Nam.

Theo chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông của tỉnh Kiên Giang. Tuyến đường này sẽ kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường N1 và các quốc lộ 80, 63 tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ. Trên đó có xây dựng thêm hai cây cầu bắc qua sông Cái Lớn và Cái Bé nên tương lai sẽ thay được cho phà Tắc Cậu, tạo cơ hội phát triển các huyện thuộc bán đảo Cà Mau.

Mở thêm cơ hội

Sơ đồ dự án đường hành lang ven biển phía Nam - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Ông Bùi Ngọc Sương cho biết hai gói thầu xây dựng tuyến tránh TP Rạch Giá và đoạn Minh Lương (huyện Châu Thành) - thị trấn Thứ Bảy (An Biên) sẽ được mở thầu lần đầu vào ngày 23/2 và dự kiến đến cuối quý 2/2010 sẽ khởi công, mỗi gói thầu có kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.

Theo ông Sương, mặc dù các đoạn đường xây dựng trên đất Kiên Giang chủ yếu đi qua những khu vực ít dân cư nhưng cũng có hơn 1.000 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 80% và địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng còn lại.

Theo ông Nguyễn Tứ Phương - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, có 1.064 hộ dân sẽ chịu ảnh hưởng khi triển khai dự án xây dựng đường hành lang ven biển phía Nam trên địa bàn Cà Mau. Tất cả các hộ này đều đã được mời họp thông qua phương án bồi thường với tổng kinh phí dự kiến lên đến 497 tỉ đồng.

Tuy phải chịu mất đất, di dời nhà cửa đi nơi khác nhưng hầu hết người dân rất vui vẻ đồng tình với việc thực hiện dự án xây dựng đường này.

Còn ông Dương Tiến Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết dự án kể trên sẽ đánh thức và khơi dậy nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch to lớn của hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Trong đó sẽ thúc đẩy vùng đất cực Nam Tổ quốc và khu kinh tế biển Năm Căn phát triển trong tương lai không xa.

Ngoài ra, theo ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, trong đó có đoạn đường mới được xây dựng dài 52km (từ Minh Lương đến Cà Mau) chạy giữa vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ sẽ góp phần phòng chống cháy cho rừng ngập mặn Cà Mau vào mùa khô.

Ông Bùi Ngọc Sương còn nhận định khi đường hành lang ven biển phía Nam hoàn thành, kết nối ba nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia sẽ mở thêm cơ hội để Kiên Giang phát triển, giao lưu kinh tế với các nước láng giềng.

Theo một lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải, cùng với các công trình đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, các tuyến đường Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, dự án đường hành lang ven biển phía Nam sẽ tạo điều kiện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.

Đường giúp dân nghèo tiếp cận phát triển

Tuyến đường hành lang ven biển quốc tế được xây dựng xuất phát từ thủ đô Bangkok đi qua các tỉnh Chon Buri, Trat (Thái Lan) nối với Koh Kong, Sihanoukville, Kampot, Kep (Campuchia) trước khi đi vào Kiên Giang qua cửa khẩu Hà Tiên và đến điểm cuối cùng là Cà Mau của Việt Nam. Đây là con đường kết nối chủ yếu các tỉnh nhỏ, còn nghèo và chưa phát triển nằm bên bờ biển phía Nam của ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế ADB tại Campuchia Eric Sidgwick, khi tuyến đường được cải tạo sẽ tạo ra thay đổi lớn về lưu thông qua các vùng đó, đồng thời sẽ giúp dân nghèo tiếp cận được phát triển. Bởi theo ông, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là cần thiết để giúp những người dân kết nối với các khu vực phát triển khác như Bangkok, Phnom Penh, TP.HCM, đưa người dân hòa nhập với quá trình hội nhập chung của khu vực. Ông Ayumi Konishi - giám đốc ADB Việt Nam - đồng tình và cho rằng việc tăng cường kết nối thông qua phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân nghèo.

Ngoài ra, việc phát triển kết cấu hạ tầng là bệ phóng cho tăng trưởng mậu dịch. Theo ông Konishi: “Khả năng cạnh tranh sẽ được cải thiện khi đơn giản hóa được các quy định và thủ tục kết nối tạo thuận lợi cho hàng hóa và người vận chuyển qua biên giới”. Ông cho rằng dự án tại Việt Nam đoạn nối từ Năm Căn (Cà Mau) tới Hà Tiên (Kiên Giang) sang Xa Xia (Campuchia) sẽ đẩy mạnh kết nối và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, khuyến khích các hoạt động kinh tế, du lịch ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở đường nối bờ biển 3 nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO