Đất hiếm, người hiểm

ĐOÀN HẠO| 28/10/2010 09:49

Hãy quên tỷ giá đồng nhân dân tệ, vỏ xe hay thịt gà, trận chiến thương mại mới nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nằm ở 17 nguyên tố trong Bảng tuần hoàn hóa học: đất hiếm. Đây là một đòn hiểm có hiệu quả và đẩy nhiều quốc gia vào tình thế nháo nhào tìm nguồn dự trữ thay thế.

Đất hiếm, người hiểm

Hãy quên tỷ giá đồng nhân dân tệ, vỏ xe hay thịt gà, trận chiến thương mại mới nhất giữa Trung Quốc (TQ) và Hoa Kỳ nằm ở 17 nguyên tố trong Bảng tuần hoàn hóa học: đất hiếm. Đây là một đòn hiểm có hiệu quả và đẩy nhiều quốc gia vào tình thế nháo nhào tìm nguồn dự trữ thay thế.

Con bài mặc cả

Đất hiếm là chất thiết yếu dùng trong chế tạo các sản phẩm kỹ thuật cao, từ dân sự đến quân sự; từ điện thoại di động, pin, đèn compact, máy vi tính đến turbin gió, xe hybrid, tên lửa điều khiển từ xa. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, nếu thiếu đất hiếm, nhiều nền sản xuất hiện đại sẽ ngưng trệ.

Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc

Cha đẻ của công cuộc mở cửa kinh tế TQ ngày nay là Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố, “nếu Trung Đông có dầu mỏ thì TQ có đất hiếm”, ý muốn nói đến tầm quan trọng chiến lược của loại khoáng sản rất dồi dào này ở TQ. Theo cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, năm 2009, TQ cung cấp 97% nhu cầu đất hiếm của toàn thế giới...

Nguồn gốc sự thống trị thị trường đất hiếm của TQ là từ những năm 1980. Khi ấy, Chính phủ TQ đã có tham vọng độc quyền đất hiếm như Trung Đông thao túng dầu mỏ. Và thực vậy, TQ khai thác đất hiếm một cách tài tình, hạ giá thành, rồi đẩy các công ty khai thác khắp thế giới đến chỗ phá sản.

Cùng với sự thịnh hành của các sản phẩm kỹ thuật cao, nhu cầu đất hiếm ngày càng tăng. Năm 2003, TQ bán ra 85.000 tấn, thu về 500 triệu USD. Đến năm 2009 thì đã lên 125.000 tấn, có giá trị gần 2 tỷ USD.

Trận chiến đất hiếm mới nhất có lẽ đã bùng nổ. Cùng thời điểm với căng thẳng do tranh chấp đảo Điếu Ngư, TQ đã úp mở về thông tin cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.

Theo tờ Asahi, từ tháng Chín, các công ty Nhật chỉ nhận hai chuyến hàng đất hiếm từ TQ. Thượng tuần tháng Mười, TQ không chính thức công bố lệnh cấm xuất khẩu, nhưng tất cả 31 công ty đất hiếm Nhật đều bị ngưng trệ hoạt động. Nếu cứ theo đà này, kho dự trữ đất hiếm của Nhật sẽ cạn kiệt vào tháng 3/2011, theo lời một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật...

Đến trung tuần tháng Mười, Hoa Kỳ trở thành “nạn nhân khát đất hiếm” thứ hai. Theo báo New York Times, từ đầu tuần này, để đáp trả một cuộc điều tra của Mỹ về vấn đề trợ cấp không hợp lệ cho ngành công nghiệp xanh ở TQ, Bắc Kinh đã thắt lại xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Những động thái này dường như cho thấy TQ dùng đất hiếm như một vũ khí hoặc con bài để mặc cả chính trị. Tuy nhiên, Bộ Thương mại TQ tuyên bố: “Tin tức về việc TQ giảm xuất khẩu đất hiếm năm 2011 của một số kênh truyền thông là hoàn toàn sai. Chính phủ TQ sẽ lập kế hoạch xuất khẩu đất hiếm năm 2011 thích hợp, dựa trên việc cân nhắc kỹ sản lượng, nhu cầu quốc gia và quốc tế”.

Mặc dù vậy, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo thừa nhận ý định hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nguồn tài nguyên đang cạn kiệt do khai thác quá độ và để bảo đảm nguồn cung dài lâu cho tương lai, TQ sẽ áp dụng một số biện pháp hạn chế khai thác, sản xuất và xuất khẩu.

Nháo nhào tìm đất hiếm

Chính thái độ của TQ về vấn đề đất hiếm đã góp phần làm tăng các dự án khai thác đất hiếm trên thế giới. Tuy tên gọi là “đất hiếm” nhưng trên thực tế, loại khoáng sản này cũng không hiếm lắm. Nhiều mỏ đất hiếm lớn đang được triển khai ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.

Từ năm 2005 Bắc Kinh đã bắt đầu giảm 10% lượng đất hiếm xuất khẩu mỗi năm. Nhưng tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc đột ngột cắt giảm 72% định mức xuất khẩu cho cuối năm 2010. Quyết định này ngay lập tức đã thổi giá đất hiếm lên cao.

Nhiều nơi khác cũng có các mỏ có trữ lượng lớn, như ở Nga, Ấn Độ, Brazil hay Mông Cổ. Nhưng tất cả các mỏ kể trên chỉ có thể đi vào khai thác thực sự sau năm 2014. Do đó, dù muốn hay không thì nhiều quốc gia cũng phải lo lắng trước những động thái của Bắc Kinh.

Quốc hội Hoa Kỳ đang nghiên cứu cách thức hỗ trợ để vực dậy ngành đất hiếm trong nước. Chính phủ sẽ cho doanh nghiệp vay vốn, xây kho lưu trữ và cho hưởng nhiều ưu đãi khác.

Bộ Quốc phòng Mỹ còn bỏ công nghiên cứu cả mức độ lệ thuộc của quân đội Mỹ vào đất hiếm. Hàn Quốc đang lập kế hoạch giảm sự lệ thuộc nguồn cung đất hiếm từ TQ. Năm 2009, xứ sở kim chi mua về 2.655 tấn đất hiếm, giảm từ 7.398 tấn năm 2005, theo số liệu thống kê của chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng thép và nhôm.

Nhật tìm đến Việt Nam để ký kết hợp tác khai thác đất hiếm. Theo kế hoạch, Toyota Tsusho và Sojitz phía Nhật Bản cùng Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin phát triển khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Sumimoto đã khảo sát mỏ tại Yên Bái và dự tính sẽ có thể xuất đất hiếm sang Nhật từ năm 2013... Theo Dudley Kingsnorth của IMCOA, trong bốn năm tới, khai thác đất hiếm tại Úc, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam sẽ hạ 15% thị phần hiện tại của TQ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất hiếm, người hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO