![]() |
Nguồn vốn đầu tư mà Didi Chuxing tuyên bố là trên 50 tỷ USD (theo các thông tin không chính thức). Với giá trị này, Didi đã gia nhập hàng ngũ các công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất với vị trí thứ 2 sau chính đối thủ Uber. Một câu hỏi được đặt ra là Didi Chuxing là công ty như thế nào mà có thể đánh bại Uber tại Trung Quốc và đang cạnh tranh mạnh mẽ với Uber trên thị trường toàn cầu?
Theo trang web Crunchbase, Didi Chuxing được thành lập năm 2012 và là công ty vận hành trên nền tảng dịch vụ giao thông di động. Hoạt động của Didi Chuxing trải rộng trên hơn 400 thành phố tại Trung Quốc, bao gồm các dịch vụ gọi taxi, gọi xe cá nhân cùng nhiều tiện ích khác. Chỉ riêng năm 2015, Didi đã thực hiện hơn 1,43 tỷ cuốc xe. Vào tháng 2/2016, Didi trở thành nền tảng giao dịch trực tuyến lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Alibaba.
Didi Chuxing được đầu tư bởi SoftBank của Nhật Bản, Silver Lake Krafttwerk của Hoa Kỳ, Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Thông tin Trung Quốc với số tiền hơn 5,5 tỷ USD. Các nhà tài trợ mong rằng Didi sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh với Uber và đẩy nhanh chương trình xe tự lái.
Những nỗ lực và thành quả của việc gây quỹ cho thấy Didi Chuxing được đánh giá rất cao tại thị trường Trung Quốc - nơi có nền tảng Internet rất mạnh cùng số người sử dụng smartphone lớn nhất thế giới. Và, dù không có nhiều hoạt động tại nước ngoài như đối thủ, Didi vẫn nhận được khoản đầu tư không kém gì Uber.
Thực tế cho thấy, tuy những công ty Internet Trung Quốc rất sáng tạo tại thị trường trong nước nhưng vẫn còn tương đối mờ nhạt tại thị trường nước ngoài so với các công ty đến từ những nền kinh tế đi trước như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với Didi, phát triển kinh doanh trong nước và nước ngoài là bổ sung cho nhau.
![]() |
Ảnh: Jean Liu - Chủ tịch Didi Chuxing |
Gần đây, Didi Chuxing tuyên bố đã đầu tư một khoản tiền (giá trị không được tiết lộ) vào một công ty gọi xe tại khu vực Trung Đông có tên là Careem. Didi Chuxing cũng đầu tư và xây dựng mối quan hệ với những công ty khác tại ít nhất 5 khu vực.
Chẳng hạn, trước Careem, Didi đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Công ty 99 của Brazil, đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào một đối thủ khác là Grab ở khu vực Đông Nam Á. Trước đó, Didi đã đầu tư một khoản lớn (không được tiết lộ giá trị) vào Công ty Taxify tại châu Âu cũng như đã đầu tư và đồng ý chia sẻ kinh nghiệm với hai công ty của Ấn Độ là Ola và Lyft trong năm 2015
Chiến lược kinh doanh của Didi là gián tiếp mở rộng sự hiện diện của mình mà không cần phải kinh doanh trực tiếp ở nước ngoài thông qua việc hỗ trợ các đối thủ của Uber bằng nguồn lực và kinh nghiệm.
Bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc, Uber tiếp tục kinh doanh tại Nga và một vài quốc gia lân cận với công ty đối thủ là Yandex. Mexico và Brazil cũng là một trong 5 thị trường đang phát triển nhanh nhất của Uber.
Mặc dù Didi chỉ mới bắt đầu hoạt động ở nước ngoài, nhưng đó là dấu hiệu thể hiện quyết tâm cạnh tranh với Uber, dẫu công ty này đang kinh doanh tại 550 thành phố trên thế giới.
Didi Chuxing không chỉ đại diện cho sự năng động của Trung Quốc mà là của các quốc gia đang phát triển khác. Ở đó, các công ty địa phương với nền tảng startup và học hỏi công nghệ nhanh chóng đang gây ra rất nhiều khó khăn không chỉ các startup mà còn các công ty đa quốc gia đến từ thế giới phát triển. Mặc dù vẫn còn sớm để nói về thành công hay phát triển bền vững nhưng nó cho thấy những dấu hiệu tích cực trong thời buổi công nghệ và lợi thế cạnh tranh biến đổi không ngừng.
Didi Chuxing sẽ liên doanh với một công ty của Thụy Điển để xây dựng mạng lưới nạp nhiên liệu riêng, nhằm phục vụ cho đội xe điện của mình. Trong một bài phát biểu mới đây, đồng sáng lập kiêm CEO của Didi là Cheng Wei đã nói rằng nền tảng hạ tầng này sẽ dùng để phục vụ cho khách hàng gia đình và công cộng.
Ở Trung Quốc, trong số 2 triệu xe điện đang chạy trên đường thì có đến 260.000 chiếc hoạt động trên nền tảng ứng dụng của Didi với số người dùng ước tính là 450 triệu người. Các tiện ích được sử dụng bao gồm gọi xe, gọi taxi, xe buýt mini và dịch vụ thuê xe. Mục tiêu của Didi Chuxing là đưa số xe điện lên 1 triệu chiếc vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đó, vừa qua, Didi Chuxing đã liên minh với NEVS - một công ty đa ngành của Thụy Điển - để tập trung phát triển xe điện. NEVS đã nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc để sản xuất xe điện tại nhà máy Tianjin.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế - một cơ quan liên chính phủ được thành lập nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch - cho biết đã có 750.000 chiếc xe điện được bán ra trong năm 2016, từ mức 547.220 chiếc vào năm 2015. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm đến 40% lượng xe điện, trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Didi Chuxing vẫn đang gặp khó khăn kể từ khi mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Trung Quốc. Bắc Kinh và Thượng Hải - hai thành phố lớn nhất của Trung Quốc - đã yêu cầu tất cả lái xe phải có giấy phép cư ngụ tại địa phương. Giấy phép này được xem là khó đạt được nhất đối với những người không phải là công dân bản địa của thành phố. Những thành phố khác cũng áp dụng những yêu cầu nghiêm ngặt như vậy, kể cả khi đăng ký cấp phép lái xe.
Chính sách đó đã gây khó khăn cho Didi Chuxing trong việc giữ chân đội tài xế cũ của Uber. Mặt khác, do phải rời thị trường Trung Quốc và rút lui khỏi một số thị trường nước ngoài khác, Uber sẽ tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, một thị trường mà Uber vẫn dẫn đầu, nên Didi không dễ cạnh tranh với Uber tại Hoa Kỳ.
Trái lại, tháng 8/2017, Uber đã sáp nhập một đơn vị kinh doanh tại Nga với đối thủ địa phương là Yandex, để giữ lại 36,6% cổ phần trong pháp nhân liên doanh mới. Và như vậy, đây là cơ hội cho Didi tại thị trường toàn cầu cũng như là cơ hội tăng doanh thu nhờ thị trường đang giảm đối thủ cạnh tranh.
Ý KIẾN CỦA BẠN