Bình đẳng giới, cuộc chiến vẫn còn dài

06/03/2010 03:45

Phụ nữ có các cơ hội và được tôn trọng như nam giới là mục tiêu xếp thứ 3 trong Chương trình các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra...

Bình đẳng giới, cuộc chiến vẫn còn dài

Phụ nữ có các cơ hội và được tôn trọng như nam giới là mục tiêu xếp thứ 3 trong Chương trình các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra và cả thế giới cùng nhau cam kết thực hiện. Có rất nhiều cách đánh giá kết quả kế hoạch này ở Việt Nam...

Trẻ em gái được đi học đến nơi đến chốn sẽ giúp tiến tới bình đẳng giới. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Minh Đức

Hãy bắt đầu bằng cách nhìn thẳng vào thực trạng “lấy chồng Đài Loan” ở một bộ phận dân số không có điều kiện kinh tế đủ sống. Một dự án chống buôn bán trẻ em và phụ nữ tại tiểu vùng Mekong của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đúc kết những khác biệt giới cơ bản dẫn đến tệ nạn này như sau:

“- Trẻ em gái và phụ nữ ở những gia đình nghèo ít được đi học, thường phải bắt đầu làm việc từ khi còn ít tuổi, trong khi trẻ em trai có nhiều cơ hội được đến trường hơn.

- So với trẻ em trai, trẻ em gái không được đến trường hoặc phải chịu gánh nặng gấp ba: vừa làm việc nhà, vừa lo học tập ở trường, vừa phụ giúp gia đình làm kinh tế mà không được trả công.

- Ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái phải bắt đầu kiếm sống vì nhu cầu kinh tế và để tồn tại.

Công việc của phụ nữ và trẻ em gái thường bấp bênh, chất lượng thấp.

- Trẻ em gái và phụ nữ được trả công ít hơn so với trẻ em trai và nam giới khi làm cùng một loại công việc. Họ ít có quyền kiểm soát số tiền mà họ nhận được, kiếm được: hầu hết nếu chưa muốn nói rằng tất cả đều là chi tiêu cho gia đình của họ.

- Trong các ngành nghề làm việc không công khai và không được kiểm soát như giúp việc gia đình và hoạt động mại dâm thì trẻ em gái và phụ nữ chiếm đa số, làm họ càng dễ có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng hơn. Trẻ em gái và phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong số những nạn nhân bị buôn bán để bóc lột lao động. Những gia đình mà người mẹ là đơn thân, dễ có nguy cơ bị mua bán. Con cái có thể bị bố mẹ bán đi hoặc “cho không” với lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng. Những đứa trẻ này, thường là gái, cuối cùng phải gánh chịu những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Đáng ngại hơn cả là trong bối cảnh “đen đủi” đó, “nhiều trẻ em gái có ý thức tự trọng thấp, ý thức đó hằn sâu hoàn toàn khi các em trưởng thành”. (1)

Nghiên cứu này giải thích phần nào, một cách gián tiếp thực trạng “lấy chồng Đài Loan ở phụ nữ Việt Nam”... Ngược lại, cũng theo các tác giả, “nhiều trẻ em gái và phụ nữ cảm thấy nâng cao được tính tự trọng và có thêm sự lựa chọn trong cuộc sống nếu họ làm ra thu nhập từ công việc làm của họ”. Nghĩa là nếu đầu tư sớm cho các em gái được ăn học, các em sẽ được giải phóng và tự giải phóng.

Điều này được kiểm chứng qua việc thực hiện mục tiêu “Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ (MDG3). Theo kế hoạch này, giáo dục là chìa khóa để đưa các em gái vào đời ngang bằng các em trai. Liên Hiệp Quốc đề ra mốc năm 2005 cho bậc tiểu học và trung học, và ở tất cả các cấp học vào năm 2015.

Căn cứ vào mục tiêu này, từ năm 2006 tỉ lệ nữ sinh so với nam sinh ở bậc tiểu học đã là 94,1%, ở bậc trung học cơ sở là 93,05%, riêng ở bậc trung học phổ thông lại lên đến 93,05% (2). Nữ hầu như bình đẳng với nam trong việc (được) đi học, và điều này được sự đồng thuận từ gia đình đến xã hội. Một dấu chỉ khác cho thấy sự đồng thuận tương tự về quyền hạn của phụ nữ đối với tài sản gia đình: tỉ lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cấp mang tên cả hai vợ chồng vào năm 2006 đã là 90%.

Trong cả hai lĩnh vực này, gia đình, xã hội đều đồng ý, đồng lòng rằng trẻ em gái đi học, người vợ cùng đứng tên nhà đất là chuyện đương nhiên, hợp lý. Đó là những dấu chỉ cho thấy nơi một bộ phận dân số có khả năng cho con đến trường, có tài sản (nhà đất) để đứng tên... phụ nữ đang tiến đến bình đẳng một cách ung dung, không gặp nhiều cản trở.

Thành ra, làm thế nào để xóa đói giảm nghèo hơn nữa, không chỉ với tỉ lệ phần trăm dân số, mà còn ở các nơi định nghĩa chuẩn nghèo là thế nào. Vấn đề không hề là: xếp hạng nghèo là thu nhập 1 USD/ ngày hay 2 USD/ ngày, quy ra theo sức mua ở VN là bao nhiêu, từ đó tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2 USD/ ngày, thay vì 1 USD) sẽ tăng lên bao nhiêu và thành tích xóa nghèo sẽ giảm bao nhiêu? Mà là: làm thế nào để ngày càng có ít người dân cứ phải trong cảnh nghèo là “bán vợ đợ con”, để càng có thêm trẻ em gái được đi học đến nơi đến chốn và học cái gì hữu ích cho cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình đẳng giới, cuộc chiến vẫn còn dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO