Tăng cường quản lý, giám sát để đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 an toàn, nghiêm túc
Nhằm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 một cách an toàn, nghiêm túc, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 113-CV/ĐU ngày 27/5/2025 gửi Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện đối với công tác tổ chức Kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/6 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với số lượng thí sinh tăng so với các năm trước. Kỳ thi lần này mang tính chất đặc thù khi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đồng thời có sự điều chỉnh trong hệ thống cơ quan thanh tra.
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Kỳ thi được tổ chức đồng thời cho hai nhóm học sinh: nhóm học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và nhóm học theo chương trình 2006, đòi hỏi sự chuẩn bị đồng bộ, linh hoạt và chuyên nghiệp hơn bao giờ hết. Ngoài ra, tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao ngày càng tinh vi, phức tạp, đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác tổ chức và giám sát kỳ thi.

Để đáp ứng yêu cầu trên, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD&ĐT yêu cầu Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tại địa phương. Việc chuẩn bị cần được thực hiện toàn diện, kỹ lưỡng, có phương án dự phòng cho mọi tình huống phát sinh, bảo đảm không có bất kỳ khâu nào của kỳ thi bị buông lỏng hoặc không có người chịu trách nhiệm cụ thể.
Các địa phương cần chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, việc phân công nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể, xác định rõ người thực hiện, phạm vi trách nhiệm, thời gian hoàn thành và kết quả mong đợi.
Mọi khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi đều phải có đơn vị hoặc cá nhân chịu trách nhiệm, phù hợp với định hướng sắp xếp chính quyền địa phương theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ thí sinh và gia đình, cũng như các cơ sở giáo dục, cần được đặc biệt quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc tham gia kỳ thi.
Sở GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra toàn diện các khâu của kỳ thi, đặc biệt là việc phân công trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân tham gia. Quá trình thanh tra cần được triển khai một cách khoa học, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Công an các tỉnh, thành cần chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng các thiết bị gian lận, đặc biệt là các thiết bị công nghệ cao được đưa trái phép vào phòng thi. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tung tin sai lệch gây hoang mang dư luận, đảm bảo môi trường thi cử công bằng, minh bạch.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương cần phối hợp với Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế thi và các quy định pháp luật liên quan. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của thí sinh và xã hội, ngăn ngừa, loại bỏ các hành vi gian lận, tiêu cực trong thi cử.