Công nghiệp Trung Quốc phục hồi giữa vòng xoáy thuế quan
Bất chấp các biện pháp thuế quan khắt khe từ Mỹ và áp lực giảm phát kéo dài, ngành công nghiệp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp, nhờ loạt chính sách hỗ trợ có trọng điểm từ Bắc Kinh.
Theo số liệu công bố ngày 27/5 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, tiếp nối đà tăng 2,6% trong tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, lợi nhuận công nghiệp tăng 1,4% so với cùng kỳ, đánh dấu sự đảo chiều tích cực sau nhiều quý suy giảm.
Động lực phục hồi chủ yếu đến từ các chính sách tài khóa linh hoạt và gói trợ cấp tiêu dùng được triển khai từ đầu quý I, nhằm kích cầu thị trường nội địa. Đặc biệt, ngành công nghệ cao và sản xuất thiết bị được hưởng lợi rõ rệt, với mức tăng trưởng lợi nhuận 9% trong 4 tháng đầu năm, nổi bật ở lĩnh vực sinh dược và hàng không. Ngành điện tử tiêu dùng cũng tăng trên 15% nhờ chương trình đổi mới thiết bị quy mô lớn.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng lợi nhuận được ghi nhận giữa bối cảnh Mỹ vừa áp thuế bổ sung, có mặt hàng lên đến 145% đối với nhiều nhóm sản phẩm từ Trung Quốc, một động thái được nhiều chuyên gia đánh giá như một "lệnh cấm vận thương mại không chính thức" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng xoay trục, tìm kiếm thị trường thay thế, giảm thiểu tác động trực tiếp đến xuất khẩu.

Một bước ngoặt bất ngờ khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận tạm thời vào đầu tháng 5 tại Geneva, theo đó phần lớn mức thuế được hạ xuống. Hiện, mức thuế trung bình của Mỹ với hàng Trung Quốc giảm còn 51,1%, trong khi thuế của Trung Quốc đối với hàng Mỹ duy trì ở mức 32,6%, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Chuyên gia Bruce Pang từ Trường Kinh doanh CUHK (Hồng Kông - Trung Quốc) cho rằng các biện pháp như xử lý nợ đọng trong khu vực tư nhân và đẩy mạnh thanh toán đúng hạn đã góp phần cải thiện dòng tiền doanh nghiệp.
Các biện pháp can thiệp của chính phủ, như giải quyết tình trạng nợ đọng đối với khu vực tư nhân và thúc đẩy thanh toán đúng hạn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Bruce Pang - chuyên gia tại Trường Kinh doanh CUHK (Hồng Kông - Trung Quốc)
Tăng trưởng phân hóa giữa các ngành
Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn phân hóa mạnh giữa các ngành. Ngành khai khoáng sụt giảm 26,8% lợi nhuận do giá hàng hóa cơ bản yếu và nhu cầu đầu tư trong nước suy giảm. Ngành ô tô giảm 5,1% do chịu áp lực từ cạnh tranh giá. Ngành dệt may và may mặc giảm sâu 12,7%, phần nào phản ánh sự dịch chuyển đơn hàng sau các biện pháp thuế quan mới.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp có vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt 4,3% và 2,5%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước lại giảm 4,4%, cho thấy sự linh hoạt và năng lực thích ứng của khối tư nhân đang chiếm ưu thế trong môi trường biến động.
Kỳ vọng tăng trưởng trong vùng xoáy bất định
Sản lượng công nghiệp tăng 6,1% trong tháng 4, cho thấy sản xuất đang hồi phục. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ chỉ tăng 5,1%, phản ánh tình trạng mất cân đối cung - cầu vẫn còn kéo dài. Theo chuyên gia kinh tế Lynn Song của ING, diễn biến trên cho thấy "sức đề kháng" của các doanh nghiệp Trung Quốc đã cải thiện, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi tiêu dùng còn yếu và các biến động bên ngoài vẫn hiện hữu.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng bất định, khả năng duy trì và cải thiện lợi nhuận của khu vực công nghiệp Trung Quốc, đặc biệt ở các ngành công nghệ cao và tiêu dùng là minh chứng cho hiệu quả điều hành chính sách của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, với những tín hiệu trái chiều từ thị trường nội địa và sức ép cạnh tranh gia tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đứng trước thách thức phải tái cấu trúc sản phẩm, nâng cao năng lực công nghệ, đồng thời thích ứng với một cục diện thương mại toàn cầu nhiều biến động hơn bao giờ hết.