Toàn cảnh

Chiến lược tài chính cho doanh nghiệp Việt trước “cơn sóng” thương mại toàn cầu

Hưng Khánh 13/05/2025 10:00

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua những cơn sóng ngầm dữ dội - từ xung đột địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại đến các chính sách thuế ngày càng khó lường - doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt rủi ro tài chính chồng chéo. Trước những thách thức đó, đâu là hướng đi giúp DN giữ được “sức khỏe tài chính” và vững vàng trước các biến động bất định? ThS. Ngô Thành Huấn - Thành viên Hội đồng chuyên gia Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn

* Trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế kéo dài và ngày càng khó lường, đặc biệt với những biến động liên tục về thuế quan, tỷ giá và lãi suất, ông đánh giá đâu là rủi ro tài chính lớn nhất mà các DN Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt?

- Thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc về thương mại với nhiều thách thức chồng chất từ xung đột địa chính trị đến xu hướng bảo hộ gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển nhanh chóng, đặc biệt là những chính sách thuế quan mới của Mỹ. Trong bối cảnh đó, DN Việt có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro tài chính lớn, không chỉ nằm ở tỷ giá hay lãi suất, mà là hệ quả tổng hợp từ những xáo trộn trong chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại. DN có tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu cao hoặc phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu sẽ đặc biệt dễ tổn thương.

01hsftnz9qvg2dtqpz0ydjy1hx.jpg
ThS. Ngô Thành Huấn - Thành viên Hội đồng chuyên gia Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam

Trong đó, rủi ro tỷ giá nổi lên rõ nét. Khi đồng nội tệ lên giá, DN xuất khẩu mất lợi thế cạnh tranh, còn DN nhập khẩu lại gánh chi phí tăng do ngoại tệ đắt lên, đồng thời áp lực trả nợ vay ngoại tệ cũng lớn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và lợi nhuận. Bên cạnh đó là rủi ro chuỗi cung ứng. Những thay đổi trong chính sách thuế của các đối tác lớn (Mỹ, EU, Trung Quốc) có thể làm đứt gãy nguồn nguyên liệu hoặc tăng chi phí đầu vào. Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi châu Á khiến nhiều DN Việt - đặc biệt trong ngành gia công - có nguy cơ mất đơn hàng.

* Trong bối cảnh đó, theo ông, DN cần triển khai những biện pháp cụ thể nào để quản trị dòng tiền một cách linh hoạt, kiểm soát chi phí tài chính hiệu quả và vẫn duy trì được khả năng vận hành ổn định trong ngắn và trung hạn?

- Theo tôi, trong bối cảnh này, ưu tiên hàng đầu không phải là tăng trưởng bằng mọi giá, mà là duy trì dòng tiền lành mạnh và kiểm soát chặt chi phí tài chính.

Trước hết, DN cần nâng cao năng lực dự báo dòng tiền ngắn và trung hạn, bám sát biến động chi phí và tỷ giá, để xử lý sớm các điểm nghẽn tài chính. Việc chủ động sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng là điều cần thiết. Song song đó, cần linh hoạt cơ cấu lại nguồn vốn, làm việc lại với ngân hàng để điều chỉnh điều kiện vay, đồng thời cân nhắc các hình thức tài trợ thay thế như thuê - mua thiết bị, hợp tác đầu tư. Cuối cùng, việc tối ưu chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hóa nguồn nguyên liệu và siết chặt kiểm soát tiến độ - chất lượng trong chuỗi là chìa khóa kiểm soát chi phí sản xuất hiệu quả.

* Khi chi phí thuế quan và chi phí đầu vào liên tục tăng, việc định giá sản phẩm, phân bổ rủi ro hợp lý giữa DN, đối tác và người tiêu dùng trở thành một bài toán khó. Theo ông, những phương án nào có thể được áp dụng để đảm bảo lợi nhuận, giữ chân khách hàng và vẫn duy trì được tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường?

- DN cần chiến lược định giá linh hoạt để chia sẻ rủi ro trong toàn chuỗi và giữ chân khách hàng. Một là định giá động (dynamic pricing) - điều chỉnh giá theo thời điểm, khu vực, hoặc hành vi tiêu dùng, đặc biệt hiệu quả trên các nền tảng số. Hai là tái cấu trúc giá thành - tách riêng phần chịu thuế cao khỏi giá gốc, phát triển các phiên bản tối giản, combo hoặc sản phẩm - dịch vụ đi kèm để giữ mức giá hợp lý nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận. Đồng thời có thể thương lượng lại với đối tác để chia sẻ chi phí. Ba là định giá theo giá trị (value-based pricing) - nhấn mạnh vào giá trị gia tăng thay vì giá thấp. Khi khách hàng cảm nhận được giá trị thực sự, họ sẽ bớt nhạy cảm với sự điều chỉnh giá.

3-he-thong-tai-chinh.jpg
Bài toán tài chính giờ đây đòi hỏi DN phải tư duy lại toàn bộ chuỗi cung ứng, cấu trúc vốn và chiến lược tăng trưởng

* Làm sao để DN Việt có thể xây dựng được một chiến lược tài chính bền vững, vừa kiểm soát rủi ro hiệu quả vừa tạo lợi thế dài hạn trong quá trình hội nhập và phát triển?

- Các công cụ phòng vệ tỷ giá - lãi suất giờ không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc với DN có hoạt động xuất nhập khẩu. Các hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn giúp kiểm soát chi phí tài chính tương lai và bảo vệ lợi nhuận. Tuy nhiên, muốn công cụ phát huy hiệu quả, DN phải có năng lực nội tại về quản trị rủi ro và tuân thủ chuẩn mực tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, tài chính xanh đang mở ra cơ hội tiếp cận vốn rẻ, dài hạn và nâng cao uy tín cho DN. Những tổ chức chứng minh được lộ trình chuyển đổi xanh rõ ràng sẽ có lợi thế trong việc thu hút các khoản vay, trái phiếu hay đầu tư từ quỹ ESG.

Tóm lại, DN cần chuyển từ tư duy tài chính truyền thống sang tài chính chiến lược: vừa chủ động phòng ngừa rủi ro, vừa tích hợp yếu tố bền vững vào mọi quyết định tài chính - từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến lược tài chính cho doanh nghiệp Việt trước “cơn sóng” thương mại toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO