Quản trị

Doanh nghiệp Việt ứng dụng AI vào marketing: Từ xu hướng đến chiến lược dài hạn

Trâm Bi 20/04/2025 06:28

Không còn là “cơn sốt công nghệ” nhất thời, AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo) đang được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt ứng dụng một cách chiến lược trong hoạt động marketing - từ phân tích thị trường, sáng tạo nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tối ưu quảng cáo cho đến chăm sóc khách hàng tự động.

Theo báo cáo năm 2024 của McKinsey, việc áp dụng AI trong quảng cáo có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 30% so với các phương pháp truyền thống. Sang năm nay 2025, Statista dự báo thị trường AI tại Việt Nam có thể đạt 1,3 tỷ USD. Câu chuyện thực tế từ các DN cho thấy, thành công trong việc ứng dụng AI vào marketing không đến từ việc chạy theo xu hướng mà từ cách triển khai bài bản từng bước và đo lường cụ thể.

Hành trình số hóa từ bên trong: chiến lược từng bước

"Chúng tôi không áp dụng AI ồ ạt. Mọi thứ bắt đầu từ việc hỗ trợ viết nội dung SEO (Search Engine Optimization - tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), sau đó mở rộng sang tối ưu quảng cáo và triển khai chatbot", ông Dương Công Đông - CEO Công ty giải pháp digital marketing Dương Gia Phát chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Nhờ chiến lược "từng bước - đo lường - tối ưu" này, AI giúp DN tăng hiệu suất mà không làm gián đoạn quy trình marketing hiện tại.

Dương Gia Phát đã triển khai AI từ năm 2020. Và đến năm 2022, với sự xuất hiện của các công cụ tạo sinh như ChatGPT, công ty đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào sáng tạo và triển khai chiến lược marketing.

duong-cong-dong.jpg
Ông Dương Công Đông - CEO Công ty giải pháp digital marketing Dương Gia Phát

Ông Đông cho biết hiện tại, Dương Gia Phát tập trung sử dụng AI vào ba mảng chính: cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, sáng tạo nội dung và chăm sóc khách hàng tự động. Các công cụ AI như ChatGPT, Google Performance Max và chatbot nội bộ giúp giảm đáng kể chi phí tiếp cận khách hàng, đồng thời nâng cao tỷ lệ chốt đơn hàng lên 15%.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể triển khai AI thuận lợi ngay từ đầu. Từ kinh nghiệm nhiều năm cung cấp dịch vụ giải pháp digital marketing, ông Đông chỉ ra ba rào cản lớn: thiếu nhân lực thành thạo AI, hệ thống dữ liệu không đồng bộ, và quy trình nghiệp vụ chưa sẵn sàng. Để vượt qua, ông đề xuất DN cần bắt đầu với công cụ đơn giản, chuẩn hóa dữ liệu và đầu tư đào tạo nhân sự.

Tận dụng AI như một đồng nghiệp chiến lược

Với định vị là một công ty tư vấn triển khai dịch vụ digital marketing và SEO cho B2B, MOODBIZ do ông Trần Minh Thiện sáng lập ứng dụng AI để phân tích dữ liệu, phản hồi thông tin và tối ưu chiến lược nội dung. Từ khâu nghiên cứu insight, đánh giá thị trường đến thiết kế hình ảnh và viết nội dung, AI đang giúp DN tăng tốc và nâng cao chất lượng dịch vụ.

"Trước đây, việc phân tích tài liệu tiếng Nhật có thể mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày, nay chỉ mất vài giây nhờ AI. Nhân sự có thể sử dụng các AI agent để đưa ra đề xuất thay vì đợi cố vấn phản hồi", ông Thiện chia sẻ về sự khác biệt sau khi ứng dụng AI vào quy trình làm việc của công ty.

Dù vậy, MOODBIZ cũng gặp các thách thức tương tự như Dương Gia Phát. Việc sử dụng AI không đồng đều giữa các bộ phận, nguy cơ dữ liệu sai lệch và hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bỏ lỡ) với các công cụ mới là điều DN phải kiểm soát. Giải pháp do nhà sáng lập MOODBIZ đề xuất là chuẩn hóa quy trình, xây dựng bộ câu lệnh mẫu và có nhân sự kiểm duyệt kỹ lưỡng nội dung đầu ra.

Theo ông Thiện, để AI thực sự phát huy giá trị, DN cần hiểu rõ sản phẩm, lợi thế cạnh tranh và khách hàng mục tiêu. "AI là công cụ, nhưng nếu không biết mình muốn gì thì công cụ dù mạnh đến đâu cũng khó mang lại kết quả", ông nhìn nhận.

Chiến lược quốc gia: không thể chỉ theo sau

Trong bài trình bày tại hội nghị AISC 2025 hồi tháng 3 vừa qua ở TP. Hà Nội, GS. Young-Sup Joo (từ Đại học Quốc gia Seoul) nhận định, AI đã vượt ra khỏi vai trò là công nghệ đơn thuần, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ông cho rằng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để AI phục vụ con người, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố lợi nhuận hoặc công nghệ đơn thuần.

Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào ba cuộc chuyển đổi lớn gồm số hóa, phát triển bền vững và tái cấu trúc chuỗi giá trị, ông hiến kế hai hướng cho chiến lược phát triển AI của Việt Nam. Một là “Fast Follower” (Người lần theo dấu chân) và “First Mover” (Người mở đường).

giao-su-young-sup-joo.jpg
GS. Young-Sup Joo (từ Đại học Quốc gia Seoul)

Việt Nam được khuyến nghị nên theo đuổi song song hai chiến lược, nghĩa là vừa học hỏi mô hình thành công từ nước ngoài vừa chủ động dẫn đầu trong các lĩnh vực đặc thù như sản xuất, nông nghiệp hay y tế. Lý do: trong bối cảnh chuyển đổi toàn cầu, việc chỉ đơn thuần "theo sau" không còn là một lựa chọn tối ưu.

“Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc AI như Mỹ hay Trung Quốc, Việt Nam có thể tập trung vào ứng dụng AI trong công nghiệp - nơi vẫn còn nhiều cơ hội để dẫn đầu. Đầu tư vào AI không nên dừng lại ở công nghệ mà cần đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng số và hợp tác với các đối tác toàn cầu”, ông khẳng định.

Gợi ý cho DN SME: đơn giản, từng bước và có kiểm soát

Cả hai nhà quản trị DN Dương Gia Phát và MOODBIZ đều đồng tình rằng các DN vừa và nhỏ nên sớm ứng dụng AI nhưng cần bắt đầu với công cụ đơn giản, dễ triển khai. Các yếu tố then chốt bao gồm: chất lượng dữ liệu, kỹ năng đội ngũ, quy trình nội bộ rõ ràng và cơ chế kiểm tra kết quả thường xuyên. Nếu có chiến lược bài bản, AI sẽ không chỉ hỗ trợ marketing mà còn tái định nghĩa lại cách DN hiểu và phục vụ khách hàng.

Theo ông Dương Công Đông, các DN SME nên áp dụng AI vào marketing ngay để không bị tụt hậu. Tuy nhiên, cần bắt đầu với những công cụ đơn giản, chi phí thấp và có hiệu quả ngay, chẳng hạn như ChatGPT, Canva AI, Google Performance Max, và chatbot để hỗ trợ các tác vụ như tạo nội dung, tối ưu quảng cáo và chăm sóc khách hàng. Khi đạt được thành công ban đầu và đội ngũ dần quen với công nghệ, doanh nghiệp mới nên đầu tư mở rộng ứng dụng AI.

Với góc nhìn của ông Trần Minh Thiện, AI cũng chỉ là công cụ hỗ trợ cho quá trình làm việc năng suất hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề nền tảng đầu tiên vẫn là doanh nghiệp hiểu rõ sản phẩm/dịch vụ của mình. “Chỉ khi đó, việc kết hợp với sức mạnh của AI mới giúp tạo ra những thông điệp truyền thông có chiều sâu hơn, lập kế hoạch bài bản hơn và tạo ra nội dung hấp dẫn hơn”, ông Thiện chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt ứng dụng AI vào marketing: Từ xu hướng đến chiến lược dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO