Bình luận

Tắc nghẽn cảng biển lan rộng: Mối đe dọa với chuỗi cung ứng toàn cầu

Quang Chiến 27/05/2025 - 16:54

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển chiến lược ở Bắc Âu, Mỹ và châu Á đang trở nên nghiêm trọng, gây gián đoạn dây chuyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển lên mức cao chưa từng có kể từ đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn hàng hải Drewry (Anh), thời gian chờ cập cảng đã tăng đột biến trong giai đoạn cuối tháng 3 đến giữa tháng 5. Cụ thể, cảng Bremerhaven (Đức) ghi nhận mức tăng tới 77%, trong khi tại Antwerp (Bỉ) và Hamburg (Đức), con số này lần lượt là 37% và 49%. Các cảng lớn khác như Rotterdam (Hà Lan) và Felixstowe (Anh) cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự.

photo_sxm2025042300010529.jpeg
Một bãi container ở Yokohama - Nhật Bản

Công ty Tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu của sự tắc nghẽn đến từ thiếu hụt lao động, cùng với mực nước sông Rhine xuống thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tuyến sà lan, phương tiện vận chuyển then chốt tại khu vực châu Âu.

Tác động từ chính sách thương mại và chi phí vận chuyển tăng cao

Những điều chỉnh khó lường trong chính sách thương mại, đặc biệt là từ Mỹ, tiếp tục gia tăng áp lực cho ngành logistics. Việc Washington tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã thúc đẩy lượng hàng hóa vận chuyển tăng nhanh trong thời gian ngắn, kéo theo sự gia tăng đột biến của nhu cầu vận tải.

e5a8f632-8ddc-41c8-9a25-26a959669332_ae8ddc8e.jpeg
Các tàu chở hàng đang xếp dỡ container tại bãi container Dapukou ở khu vực Cảng Jintang thuộc Cảng Chu Sơn tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

Trên các tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương, đặc biệt từ Trung Quốc tới Mỹ, một mùa cao điểm bất thường đã xuất hiện sớm hơn dự kiến. Lệnh hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, dự kiến kết thúc vào 14/8, đang khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trước thời hạn. Cảng Thâm Quyến (Trung Quốc), Los Angeles và New York (Mỹ) cũng ghi nhận số lượng tàu container neo đậu chờ cập bến gia tăng mạnh kể từ cuối tháng 4.

Ông Rolf Habben Jansen - CEO của Hapag-Lloyd AG (Đức) nhận định, tình trạng tắc nghẽn có thể kéo dài ít nhất 6-8 tuần nữa trước khi ổn định trở lại. Tuy nhiên, theo ông Torsten Slok - Kinh tế trưởng tại Apollo Management, phản ứng của các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn dè dặt. Các doanh nghiệp vẫn có tâm lý chờ đợi, muốn xem liệu chính sách thuế sẽ tiếp tục nới lỏng hay đảo chiều.

Chính sách thuế thiếu nhất quán của Mỹ là yếu tố then chốt gây bất ổn cho thị trường vận tải biển toàn cầu. Việc Tổng thống Donald Trump đột ngột hoãn áp thuế 50% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), từ ngày 1/6 sang 9/7, đang khiến các nhà xuất khẩu châu Âu gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch đơn hàng, kéo theo nhu cầu vận tải biến động trái mùa và rủi ro tài chính gia tăng.

Oxford Economics cảnh báo rằng mức độ bất định hiện tại đang gây sức ép lên quyết định đầu tư và tiêu dùng của doanh nghiệp. Các nền kinh tế có độ mở lớn như Đức, Ireland, Italy, Bỉ và Hà Lan là những quốc gia dễ tổn thương nhất nếu Mỹ thực thi chính sách thuế mới.

Trước bối cảnh chi phí vận chuyển leo thang, các hãng vận tải lớn như MSC Mediterranean Shipping Co. đã công bố mức phụ phí mùa cao điểm áp dụng từ tháng 6 cho hàng hóa xuất phát từ châu Á. Giá cước giao ngay trên nhiều tuyến biển dự kiến tiếp tục xu hướng tăng trong những tuần tới.

Tái định hình lộ trình hàng hải

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục làm phức tạp thêm cục diện vận tải biển. Các tuyến đường qua Biển Đỏ và kênh đào Suez hiện vẫn bị hạn chế nghiêm trọng do lo ngại an ninh. Phần lớn các tàu buộc phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), kéo dài thời gian và chi phí vận chuyển.

Ông Habben Jansen nhận định việc quay trở lại khai thác bình thường qua Suez sẽ phải diễn ra từng bước. Nếu phục hồi đột ngột, hệ thống cảng sẽ không kịp xử lý, dẫn đến nguy cơ tê liệt tại các điểm trung chuyển lớn.

Tình trạng tắc nghẽn cảng biển hiện nay không chỉ là vấn đề kỹ thuật vận hành, mà là biểu hiện của sự đan xen phức tạp giữa kinh tế, chính sách và địa chính trị. Việt Nam vốn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế, do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các diễn biến toàn cầu nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng, đồng thời mở ra các cơ hội đầu tư chiến lược vào hệ thống logistics nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tắc nghẽn cảng biển lan rộng: Mối đe dọa với chuỗi cung ứng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO