Bản tin tổng hợp

Cần rà soát chính sách thuế để tăng cường huy động vốn từ quỹ hưu trí tự nguyện

NH 14/05/2025 - 14:58

Với lực lượng lao động trên 50 triệu người, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển mạnh mẽ hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện. Việc thiết lập một khuôn khổ chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn là yếu tố then chốt nhằm khuyến khích người dân chủ động tích lũy tài chính cho tuổi già, đồng thời mở rộng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Nghị quyết 68-NQ/TW mới được ban hành đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực tư nhân thông qua rà soát và cải tiến các chính sách thuế.

Quỹ hưu trí tự nguyện, còn gọi là quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được đặc biệt nhấn mạnh như một công cụ tài chính hiệu quả trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi và góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Tại hội thảo chuyên đề về phát triển ngành quỹ do Bộ Tài chính tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, các chuyên gia tài chính đã chỉ ra rằng tại nhiều quốc gia phát triển, quỹ hưu trí tự nguyện đóng vai trò như những nhà đầu tư tổ chức chủ lực trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, khi tỷ lệ đóng góp của các quỹ hưu trí tự nguyện vào GDP vẫn ở mức 0%, bất chấp dân số vượt mốc 100 triệu người.

Phát triển quỹ hưu trí tự nguyện là một yêu cầu cấp thiết. Không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn thị trường tài chính và gia tăng nguồn lực trong khu vực tư nhân, quỹ hưu trí còn là giải pháp tối ưu để bảo vệ thu nhập cho người lao động sau khi về hưu, nhất là trong bối cảnh dân số đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh.

Vai trò của quỹ hưu trí tự nguyện đối với thị trường chứng khoán Việt Nam - Tạp chí Tài chính

Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Mỹ… đã thành công trong việc đưa ra chính sách thuế để khuyến khích người dân đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện.

Điển hình như Trung Quốc gần đây đã đưa ra nâng mức ưu đãi thuế cá nhân cho người lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện dưới danh nghĩa cá nhân mà không thông qua doanh nghiệp (12.000 NDT/năm, tương đương 42 triệu VND/năm). Trong khi đó, Chương trình Enterprise Annuity của Trung Quốc cũng quy định tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động lần lượt là 8% và 12%.

Thái Lan cũng đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các sản phẩm hưu trí tự nguyện (Retirement Mutual Funds, Provident Fund…) từ khá lâu với mức khấu trừ lên đến 500.000 Baht/năm (tương đương 390 triệu VND/năm). Đây là một con số ấn tượng cho một quốc gia có tỷ lệ dân số tương đương 2/3 Việt Nam.

Ấn Độ cũng là một quốc gia có chính sách thuế tiến bộ, khuyến khích người lao động trực tiếp tham gia vào các sản phẩm tài chính đầu tư cho mục đích tiết kiệm hưu trí. Cụ thể, quốc gia này đã áp dụng mức ưu đãi thuế lên đến 1,5 lakh mỗi năm (được khấu trừ trực tiếp vào thu nhập cá nhân), tương đương 1.750 USD/năm. Điều đáng chú ý là con số này gần bằng 70% GDP bình quân đầu người của Ấn Độ trong năm 2024 (ước tính khoảng 2.500 USD).

Tại Việt Nam, mức ưu đãi thuế đối với quỹ hưu trí tự nguyện hiện đang dừng ở mức 12 triệu đồng/năm, được ban hành cách đây hơn một thập kỷ. Trong bối cảnh kinh tế và thu nhập đã thay đổi đáng kể, mức ưu đãi này không còn đủ hấp dẫn để thúc đẩy hành vi tích lũy dài hạn của người lao động.

Đối với doanh nghiệp, mức chi tối đa được khấu trừ khi đóng góp vào quỹ hưu trí cho nhân viên là 3 triệu đồng/tháng/người. Tuy là một bước đi đúng hướng, chính sách này chưa đủ linh hoạt để trở thành công cụ chiến lược trong việc giữ chân nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực có nhu cầu cao về chất lượng nhân lực như công nghệ, y tế hay giáo dục.

Để khơi thông nguồn lực từ quỹ hưu trí tự nguyện, Việt Nam cần chuyển đổi cách tiếp cận ưu đãi thuế, cụ thể: Đối với người lao động: Áp dụng mức khấu trừ thuế linh hoạt theo tỷ lệ phần trăm trên thu nhập (ví dụ từ 15% - 18%), đồng thời đặt mức trần tương đương với trần đóng bảo hiểm xã hội nhằm kiểm soát rủi ro lạm dụng chính sách.

Đối với doanh nghiệp: Cho phép khấu trừ thuế theo tỷ lệ phần trăm thu nhập (khoảng 10% - 15%), đồng thời duy trì một mức sàn tối thiểu (3 triệu đồng/tháng/người) để bảo đảm quyền lợi cho người lao động thu nhập thấp. Không áp trần tối đa nhằm khuyến khích doanh nghiệp chủ động nâng cao phúc lợi cho nhân sự chủ chốt.

Một trong những sáng kiến chiến lược là thiết lập cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình quỹ hưu trí tự nguyện, cho phép áp dụng mức ưu đãi thuế vượt trội, ví dụ 15% trên tổng lương tháng và trần đóng góp tương đương bảo hiểm xã hội.

Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho các định chế tài chính thử nghiệm sản phẩm mới, đồng thời cung cấp cho người lao động nhiều lựa chọn đầu tư phù hợp như: bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, quỹ cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ hay quỹ mục tiêu theo độ tuổi.

Việc phát triển hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện không chỉ góp phần mở rộng quy mô thị trường tài chính mà còn có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và ổn định xã hội.

Đây là cơ sở để Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái hưu trí bền vững, đảm bảo thu nhập lâu dài cho người lao động và giảm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội truyền thống, một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh chóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần rà soát chính sách thuế để tăng cường huy động vốn từ quỹ hưu trí tự nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO