Bản tin tổng hợp

Bản tin chiều 28/5: Xây dựng cơ chế điều phối liên ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Thanh An 28/05/2025 17:00

Tin tức nổi bật chiều 28/5: Xây dựng cơ chế điều phối liên ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế biển; Các thủ tục đất đai tại Hà Nội sẽ được đăng ký trực tuyến từ ngày 1/6; Tích hợp công nghệ hiện đại trong Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; TP.HCM có 22 tuyến kênh rạch cần xử lý tiêu thoát nước; Các trường học tại TP.HCM tăng cường các hoạt động phòng chống COVID-19... và một số thông tin đáng chú ý khác.

Xây dựng cơ chế điều phối liên ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Sáng 28/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành về cơ chế điều phối liên ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững kinh tế biển, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng và liên quốc gia. Đây là nền tảng để quản lý, khai thác tổng hợp tài nguyên, giải quyết các xung đột và lựa chọn phương án tối ưu giữa các lĩnh vực phát triển trên biển.

ktb-1-17484185460511456694187.jpg

Theo Phó thủ tướng, chiến lược và quy hoạch là hai công cụ quan trọng trong điều phối liên ngành. Tuy nhiên, để giải bài toán phát triển đa ngành, đa lĩnh vực tại một vùng biển, nơi tiềm ẩn xung đột giữa hàng hải, điện gió, thủy sản, du lịch, dầu khí... thậm chí liên quan đến yếu tố quốc tế, cần bổ sung thêm những công cụ điều phối hữu hiệu khác.

Trên tinh thần đó, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết xung đột phát triển, lựa chọn phương án dựa trên các tiêu chí trụ cột là hiệu quả môi trường, kinh tế và khả năng tạo việc làm; nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ phân tích và ra quyết định cho các tình huống xung đột liên ngành; cơ chế điều phối công tác điều tra, khảo sát tài nguyên môi trường biển phục vụ hoạt động triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế biển.

Các thủ tục đất đai tại Hà Nội sẽ được đăng ký trực tuyến từ ngày 1/6

Trung tâm Phục vụ hành chính công - Chi nhánh số 1 thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 1/6 tới, Trung tâm sẽ tiếp nhận 100% hồ sơ theo hình thức trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính.

cchc-tay-ho-082947_588-091148.jpg

Những thủ tục liên quan đến đất đai sẽ được đăng ký trực tuyến như: Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất.

Trung tâm cam kết hỗ trợ tối đa để người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng; đảm bảo tiếp nhận đúng thời hạn, đúng quy trình trên môi trường điện tử; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong hành trình xây dựng Chính quyền số - Công dân số, hướng tới hành chính không giấy tờ -không tiếp xúc - toàn trình - liền mạch.

Tích hợp công nghệ hiện đại trong Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Sáng 28/5, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng, Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) đã làm việc với Tập đoàn 3M (Hoa Kỳ) về hướng đi cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và những biện pháp tăng cường an toàn giao thông bền vững tại Việt Nam.

dsct1.png

Với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tập đoàn 3M đề xuất phối hợp cùng Bộ Xây dựng Việt Nam trong tích hợp các giải pháp vật liệu, tiêu chuẩn và công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế trong giai đoạn lập, triển khai và giám sát tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và chất lượng công trình hạ tầng.

Theo đó, Tâp đoàn 3M cung cấp các giải pháp an toàn giao thông và hạ tầng cho đường sắt cao tốc nhằm nâng cao độ nhận diện, độ bền, an toàn và hiệu quả vận hành của dự án như vật liệu phản quang và nhận diện thông minh gồm biển báo giao thông, vạch phân làn, hệ thống hướng dẫn tại nhà ga theo tiêu chuẩn quốc tế. Giải pháp chống cháy, vật liệu cách âm, giảm chấn bảo vệ hành khách và cơ sở hạ tầng trong môi trường tốc độ cao và khí hậu khắc nghiệt. Hay công nghệ giảm rung và bảo trì thông minh giúp gia tăng tuổi thọ và tính ổn định của kết cấu đường sắt và nhà ga.

TP.HCM có 22 tuyến kênh rạch cần xử lý tiêu thoát nước

Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất UBND Thành phố phê duyệt danh mục 22 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng tiêu thoát nước cần thực hiện vớt, thu gom chất thải rắn.

tn-tphcm-vot-thu-gom-rac-tren-tuyen-rach-thuoc-khu-vuc-cu-lao-nguyen-kieu.png

Các tuyến kênh rạch được Sở Xây dựng đề xuất gồm: 3 đoạn rạch Hàng Bàng, rạch Bàu Trâu, rạch Ruột Ngựa đoạn 2, rạch Nhảy, rạch Nhỏ (Bà Lựu nối dài), rạch Bà Tàng - Cầu Sập, rạch Ông Tư Dinh, rạch Bà Lựu (rạch Năng), sông Phướng, sông Cái Trung, Kênh 19/5, rạch thoát nước ranh quận Bình Tân - quận 8, rạch Lăng 2, hai đoạn rạch Xếp Sâu, kênh Trần Quang Cơ, rạch Cầu Dừa, kênh Ranh, rạch Bồ Đề, đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ cầu Lê Văn Sỹ đến Út Tịch).

Chất thải rắn, lục bình, rong cỏ trôi nổi trên các tuyến kênh, rạch gây ảnh hưởng đến môi trường, giảm khả năng tiêu thoát nước trong khu vực cần phải thực hiện vớt thu gom, xử lý để khơi thông dòng chảy. Hiện, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các tuyến và đề xuất tần suất thực hiện vớt, thu gom là tối thiểu 1 lần mỗi tuần.

Các trường học tại TP.HCM tăng cường các hoạt động phòng chống COVID-19

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố, yêu cầu các trường học cần nghiêm túc triển khai các nội dung phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.

truong-hoc-covid-1644585229982413403253.jpg

Đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác về triệu chứng, đường lây truyền và cách phòng tránh COVID-19 đến học sinh, phụ huynh và giáo viên. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với trạm y tế địa phương để giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm, tiến hành điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch nếu phát sinh. Bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao như học sinh có bệnh nền, giáo viên lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và phụ nữ mang thai. Khuyến khích đeo khẩu trang tại những nơi kín, tập trung đông người.

Mỗi cơ sở giáo dục phải rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế và chỉ đạo của UBND TP.HCM. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ vật tư y tế cơ bản như dung dịch sát khuẩn, khẩu trang dự phòng, đồng thời tổ chức vệ sinh thường xuyên lớp học, nhà vệ sinh và khu vực sinh hoạt chung.

TP.HCM đẩy mạnh phân cấp theo cơ chế, chính sách đặc thù

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được vừa chỉ đạo triển khai Công văn số 48 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chỉ đạo của Chính phủ), tập trung vào việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

21-05-2019-tphcm-ban-hanh-danh-muc-thu-tuc-hanh-chinh-thuc-hien-lien-thong-13e35a7e-1722492877535148729133.jpg

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành căn cứ yêu cầu nhiệm vụ; tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM, để đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đồng bộ với triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp đơn vị hành chính, tạo hành lang pháp lý, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan để xác định rõ các vấn đề ưu tiên, cấp bách của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết.

ADB cam kết dành hàng chục tỷ USD hỗ trợ khu vực Đông Nam Á

Ngày 28/5, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 của Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA) và Tam giác Phát triển Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT) tại Kuala Lumpur, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của ngân hàng này trong việc thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực nhằm vượt qua những thách thức mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt.

adb-16823937498291397528392.jpeg

Dự kiến ADB sẽ cung cấp khoảng 24 tỷ USD hỗ trợ cho Đông Nam Á trong 3 năm tới, tập trung vào việc làm sâu sắc thêm hợp tác và hội nhập khu vực, bao gồm mở rộng đầu tư nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt, hội nhập năng lượng và bảo đảm an ninh lương thực.

Đồng thời, ADB cũng đang tăng mức tài trợ lên 40 tỷ USD đến năm 2030 để giải quyết các điểm yếu trong hệ thống lương thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia dự thảo luận về trí tuệ nhân tạo

Trong chương trình thăm chính thức Malaysia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Kuala Lumpur, sáng 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cùng dự Phiên thảo luận về “Lưới thông minh thông qua kết nối trí tuệ nhân tạo (AI) tự chủ”. Đây là hoạt động mở đầu, mang tính thiết lập định hướng cho Diễn đàn kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (ASEAN - GCC).

vnapotalthutuongduphienthaoluanluoithongminhketnoithongquahoptactuchuai28-05-202508518058843-17484055957191591979321.jpg

Chia sẻ về khả năng hợp tác trong lĩnh vực AI giữa ASEAN - GCC để cùng phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng AI đã có mặt ở mọi mặt của đời sống xã hội, làm cho giao tiếp giữa con người với con người tốt hơn, sản xuất kinh doanh tốt hơn, phục vụ phát triển nhanh và bền vững. Do đó, mọi người, mọi doanh nghiệp đều phải sử dụng AI. Phát triển, ứng dụng AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.

Theo Thủ tướng, trong hợp tác phát triển AI, các nước ASEAN và GCC có các đặc điểm, ưu thế khác nhau và có tính bổ trợ cho nhau rất rõ ràng. Do đó, các quốc gia và cả khu vực ASEAN và GCC phải kết nối, phối hợp hiệu quả trên tất cả các khía cạnh. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo về xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, còn người dân, doanh nghiệp phải là trung tâm, chủ thể trong phát triển, ứng dụng, quản trị AI.

Cục Đường bộ yêu cầu tạm dừng thi công một số công trình

Nhằm bảo đảm an toàn, giao thông trên hệ thống đường bộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thí sinh và người dân trong thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị quản lý các đoạn tuyến đường bộ rà soát, chỉ đạo khắc phục ngay các bất cập, tồn tại về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, điều kiện an toàn giao thông khu vực nút giao với các trường học trên hệ thống đường bộ.

tam-dung-thi-cong-mot-so-cong-trinh-duong-bo-trong-thoi-gian-to-chuc-ky-thi-tuyen-sinh-lop-10-1-2824-3142.jpeg

Các chủ dự án xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải kịp thời hoàn trả mặt đường, hoàn thành việc xây dựng hoặc tạm dừng thi công trong thời gian tổ chức kỳ thi trên địa bàn khu vực.

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ; phân luồng, cảnh báo, bảo đảm giao thông; vá ổ gà, vệ sinh, thoát nước mặt đường, khơi thông hệ thống thoát nước; phát quang bảo đảm tầm nhìn; giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chiếm dụng lòng đường, lề đường buôn bán làm cản trở giao thông...

Ngân hàng trung ương châu Âu tiến gần mục tiêu lạm phát 2%

Thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Joachim Nagel cho biết ECB đang tiến gần đến mục tiêu lạm phát 2%, nhưng bất ổn gia tăng khiến việc dự đoán các động thái lãi suất trong tương lai trở nên khó khăn và đòi hỏi sự linh hoạt tối đa.

ecb-se-bat-dau-cat-giam-lai-suat-ngay-ca-khi-cuoc-chien-lam-phat-van-tiep-dien-20240606083614.jpg

Ông Nagel, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cho biết vẫn còn quá sớm để nói liệu các quan chức có hạ lãi suất một lần nữa trong cuộc họp tiếp theo hay không. Ông nhấn mạnh cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu và theo từng cuộc họp của ECB.

ECB được kỳ vọng sẽ hạ chi phí vay tại cuộc họp ngày 5/6 khi lạm phát giảm và nền kinh tế đối mặt với những khó khăn từ thuế quan của Mỹ. Ngoài ra, một số quan chức để ngỏ khả năng đưa lãi suất tiền gửi xuống dưới 2%, mức thường được cho là không kìm hãm cũng không hỗ trợ hoạt động kinh tế, trong khi những người khác kêu gọi thận trọng, chỉ ra các áp lực giá cả sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 28/5: Xây dựng cơ chế điều phối liên ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO