Bảo hộ mậu dịch sẽ "giết" kinh tế châu Á

LÊ DUY| 22/11/2017 06:52

Theo báo cáo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, vốn đang lan rộng trong thời gian qua, có thể bẻ gãy đà phục hồi thương mại cũng như giết chết nhiều nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á.

Bảo hộ mậu dịch sẽ

Tại hội thảo kỷ niệm 20 năm thành lập văn phòng đại diện IMF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Tokyo, Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde đã nói rằng chủ nghĩa bảo hộ dù hiện thời chưa vượt quá mức lời nói nhưng sẽ gây tác động mạnh đến các quốc gia châu Á, vốn có thị trường mở cửa và tự do.

Có thể nói, trong suốt nhiều thế kỷ qua, dòng chảy thương mại quốc tế đã thực sự bùng nổ và các quốc gia tăng cường giao dịch hàng hóa toàn cầu để tăng ngoại hối với mục tiêu chính là duy trì sự cân bằng thương mại. Tuy nhiên, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ thì tư tưởng chống lại toàn cầu hóa và tán thành chủ nghĩa bảo hộ cũng vì thế mà gia tăng, điển hình là ở Mỹ và châu Âu.

Chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) là thuật ngữ nói đến những chính sách kinh tế được dùng để kiềm chế thương mại giữa các nước bằng nhiều biện pháp, như đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ và vệ sinh an toàn. Mấu chốt của bất kỳ loại hình bảo hộ nào nằm ở chỗ chính phủ mong muốn "bảo vệ" những sản phẩm nội địa khỏi đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, vốn có thể bán cùng một sản phẩm nhưng ở mức giá thấp hơn.

Đối với người tiêu dùng, điều này dẫn đến việc tăng giá hàng do sản phẩm nhập khẩu bị áp thuế cao. Trong bối cảnh đó, người mua hàng dễ tìm đến các mặt hàng trong nước hơn, vốn đã được chính phủ bảo hộ.

Còn với nhà sản xuất nội địa, họ có thể thoải mái hơn trong việc mua các sản phẩm khác cũng đến từ thị trường trong nước, nhờ đó dẫn đến một nền kinh tế vững mạnh hơn vì dòng tiền vốn bị đối thủ quốc tế "cướp" mất thì nay đã được giữ lại trong thị trường quốc gia.

>>Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch khiến Mỹ thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD

Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng nói chung cũng như người sản xuất và người lao động trong các lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, nó làm cho các nhà sản xuất trong nước có cơ hội đầu cơ trên giá bán hàng (hay cung cấp dịch vụ) ở mức có lợi nhất cho mình. Kèm theo đó, vì bản thân đã nằm trong vòng "bảo hộ" nên nhà sản xuất cũng "chẳng buồn" tìm kiếm phương pháp nâng cao chất lượng hay hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

Thêm vào đó, những hạn chế về mặt thương mại gây ra bởi chủ nghĩa bảo hộ là con đường 2 chiều. Mọi hành động mang tính bảo hộ đều có thể hứng chịu "sự trả đũa" bởi các hình thức tương tự, qua đó dễ dẫn đến chiến tranh thương mại.

Ví dụ như nếu Ấn Độ có lệnh cấm vận đối với đồ chơi Trung Quốc, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách ban hành một lệnh cấm vận đối với hàng dệt Ấn Độ... Cho nên, câu hỏi mà mỗi quốc gia cần thiết phải xem xét chính là liệu lợi ích mang lại từ chính sách bảo hộ có nhiều hơn cái giá phải trả hay không?

Và, thực tế cho thấy rằng chính toàn cầu hóa và tự do thương mại, chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho tăng trưởng kinh tế. IMF và các tổ chức uy tín khác đều có thể chứng minh rằng toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như giúp cho hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở các nước đang phát triển. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley và các tổ chức tài chính khác của Hoa Kỳ đã ước tính rằng "hàng nhập khẩu" từ Trung Quốc đã giúp một gia đình Mỹ tiết kiệm được trung bình 1.000 USD/năm.

Còn Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì sẽ có thêm hàng chục triệu người nữa thoát nghèo. Theo tổ chức này, chỉ riêng việc thực hiện xóa bỏ các rào cản thương mại với hàng hóa thì mỗi năm các nước đang phát triển cũng có thể tăng thêm thu nhập 142 tỷ USD.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), thương mại toàn cầu đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực trong thời gian qua và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, bị chậm lại, cụ thể là mức 1,2%.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa bảo hộ. Khu vực này trung bình xuất khẩu xấp xỉ 15% sản phẩm của mình sang thị trường Hoa Kỳ - nơi mà làn sóng bảo hộ đang dấy lên mạnh mẽ. Đối với một số quốc gia khác thì con số này còn nhiều hơn, như lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị gia tăng, tương đương 3,7% GDP. Bên cạnh đó, Mỹ, với dân số 323 triệu người, là thị trường lớn đối với nhiều nền kinh tế châu Á. Cho nên, nếu chủ nghĩa bảo hộ được thực hiện tại quốc gia này, nhiều nhà sản xuất châu Á có nguy cơ rơi vào tình trạng khốn đốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo hộ mậu dịch sẽ "giết" kinh tế châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO