Quốc tế

Điểm nhấn từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023

PV 22/11/2023 20:00

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, do Hoa Kỳ chủ trì tại thành phố San Francisco, đã bế mạc vào ngày 17/11 bằng tuyên bố chung “Golden Gate”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi APEC là “trung tâm kinh tế toàn cầu”. 21 thành viên của nhóm đồng ý hợp tác phát triển công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, nhằm giải phóng tiềm lực chưa khai thác của khu vực.

hoi-nghi-apec-san-francisco-2023-anh-yonhap.jpg
Hội nghị APEC San Francisco 2023 - Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, như các diễn đàn đa phương khác, một số thành viên gặp khó trong quá trình thống nhất về câu từ, để mô tả sự kiện địa chính trị. Do vậy, hai tài liệu đã được đưa ra như một sự thỏa hiệp. Một tài liệu của nước chủ nhà và một tài liệu thông cáo chung Golden Gate.

Dưới đây là bốn điều rút ra sau hội nghị APEC San Francisco 2023.

1/ Đồng thuận về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu là một trong số ít chủ đề, mà các lãnh đạo APEC có chung quan điểm, cũng như sẵn sàng thảo luận để phối hợp làm việc hiệu quả.

Trước cuộc gặp giữa các nguyên thủ, Trung Quốc và Mỹ đồng ý nối lại nhóm làm việc về khí hậu, cùng với cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các bên đều cho rằng, điều này có ý nghĩa lớn, do Trung Quốc và Mỹ là hai bên xả thải khí CO2 nhiều nhất hành tinh.

Lãnh đạo 14 thành viên Khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), cũng đạt được thỏa thuận chung, hướng tới nền kinh tế “sạch và xanh hơn”.

Chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững, cũng là chủ đề chính của các nhà điều hành doanh nghiệp, khi họ gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh lần này. Các CEO ở nhiều lĩnh vực trên toàn cầu đã thảo luận về công nghệ mới, phương pháp mới và cách quản lý mới, để quá trình sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn, ít xả thải khí CO2 hơn.

Boeing đã tuyên bố với tư cách là công ty chuyên sản xuất máy móc trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi đặt mục tiêu phát thải ròng CO2 còn zero vào năm 2050. Chúng tôi tin tưởng đây là mục tiêu phù hợp trong quá trình chuyển đổi. Chúng tôi mong các doanh nghiệp khác có bước đi tương tự.

Ông Chris Raymond, Giám đốc Phát triển Bền vững của Boeing

Ban lãnh đạo Boeing đã tới San Francisco để thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Hãng còn trưng bày một chiếc máy bay điện tự lái màu vàng, do công ty con Wisk phát triển. Boeing hy vọng, đây sẽ là phương tiện di chuyển trong thập kỷ tới, để chở người lẫn hàng hóa.

may-bay-tu-lai-do-wisk-cong-ty-con-cua-boeing-phat-trien-anh-new-atlas.jpg
Máy bay điện tự lái do Wisk, công ty con của Boeing phát triển - Ảnh: New Atlas

2/ Hợp tác về đổi mới công nghệ

Tuyên bố Golden Gate nhắc lại khi Hoa Kỳ lần đầu tiên tổ chức họp APEC trên đảo Blake, gần thành phố Seattle vào năm 1993. Cuộc họp có sự góp mặt của Tổng thống Bill Clinton, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Nhật Bản Morihiro Hosokawa. Cuộc họp xác định APEC phải ở vị thế tiên phong trong tăng trưởng toàn cầu.

Tuyên bố Golden Gate lưu ý: “Ngày nay chúng ta phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế và biến động xã hội. Chúng ta phải khai thác tiến bộ công nghệ, để tiếp tục giải phóng tiềm năng to lớn trong sản xuất và tăng trưởng. Công nghệ tiên tiến có thể thay đổi bộ mặt lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hơn, giúp giảm tỷ lệ đói nghèo toàn cầu. Điều này cũng có nghĩa là giảm xung đột vũ trang ở châu Phi, giảm khủng bố và giảm tội phạm. Công nghệ có thể thay đổi lĩnh vực giáo dục và y tế. Công nghệ còn đóng vai trò quan trọng để giải bài toán chống biến đổi khí hậu.”

Niềm hy vọng và trăn trở đó đã được thể hiện trong nội dung APEC 2023: “Tạo dựng một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người, thông qua việc áp dụng tốt hơn những mặt tích cực của công nghệ mới.”

3/ Rủi ro tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, được đánh giá có thể định hình lại trật tự thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi AI nổi lên như một trong những chủ đề chính được các lãnh đạo và doanh nghiệp quan tâm thảo luận tại APEC 2023.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp bên lề đã nhất trí thiết lập đối thoại liên chính phủ về AI, vào thời điểm hai siêu cường đang chạy đua để thống trị lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ chiếm ưu thế trong phát triển AI, với sản phẩm của Microsoft, OpenAI hay Google. Tuy nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tăng tốc, với sự góp mặt của Alibaba, Tencent, hay Huawei. Mỗi bên đi theo chiều hướng riêng, không có quy luật hay nền tảng chung để kiểm soát mặt trái. Điều này khiến một số ý kiến lo ngại, AI có thể được sử dụng cho mục đích tiêu cực. Ví dụ nghiên cứu virus tàn phá xã hội, tấn công mạng hoặc xâm nhập cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Các giám đốc điều hành Microsoft, OpenAI, Google và Meta, nằm trong số những lãnh đạo công nghệ đã phát biểu về AI tại APEC 2023. Nhiều người nhìn nhận thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh một cách tích cực.

Không có cách nào đạt được tiến bộ lâu dài và bền vững, nếu Trung Quốc và Mỹ không trao đổi sâu sắc với nhau, về những vấn đề như AI. Sẽ rất khó để kiểm soát nếu hai bên làm việc độc lập, không duy trì giao tiếp, chia sẻ và cảnh báo.

Ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google

4/ Đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Tổng thống Biden tuyên bố kinh tế Mỹ sẽ không tách rời kinh tế Trung Quốc, nhưng xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang gia tăng, trong lúc nhiều nước thành viên APEC muốn thu hút đầu tư từ xứ cờ hoa và tránh xa đất nước tỷ dân.

Thời gian qua, khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, hoặc cường quốc châu Á này hạn chế xuất khẩu mặt hàng nhạy cảm như đất hiếm, nhiều quốc gia đã lo lắng. Trung Quốc chiếm phần lớn đất hiếm trên toàn cầu. Đây là nguyên liệu không thể thiếu trong phát triển xe điện, pin xe điện và đồ điện tử công nghệ cao. Hiện nay, Trung Quốc cũng là nguồn cung linh kiện quan trọng cho các ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới. Đó là lý do kinh tế toàn cầu chao đảo, nếu nguồn hàng từ Trung Quốc gặp vấn đề.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các CEO của APEC, nguyên thủ Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều cho rằng, đã đến lúc đầu tư vào quốc gia của họ, khi đưa ra nhiều ưu đãi và hứa hẹn cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao. Tất cả nhằm lôi kéo chuỗi cung ứng chuyển sang Đông Nam Á.

Tôi có thể nói rằng, chúng ta còn lâu mới kết thúc toàn cầu hóa, nhưng chúng ta phải thừa nhận nó đang thay đổi. Việc tách rời các nền kinh tế lớn là không thể và không khả thi. Giảm rủi ro, hay chúng tôi gọi là đa dạng hóa nguồn cung, đang trở thành xu hướng thay thế.

Giám đốc điều hành Citigroup, bà Jane Fraser

Một giám đốc điều hành doanh nghiệp công nghệ ở Singapore nói: “Đông Nam Á ngày càng trở thành mảnh đất vàng cho lĩnh vực công nghệ. Quan điểm chính trị trung lập, nguồn nhân lực dồi dào, các kỹ sư thành thạo về chuyên môn, và nền kinh tế ngày càng tích hợp với thế giới. Nhiều tập đoàn công nghệ tầm cỡ đã và đang tìm tới Đông Nam Á. Nơi đây mau chóng trở thành địa điểm cạnh tranh giữa các ông lớn từ Mỹ và Trung Quốc.”

Theo một số chuyên gia, hội nghị APEC San Francisco 2023 diễn ra vào giai đoạn nhạy cảm của kinh tế toàn cầu. Ngoài xung đột Ukraine và Trung Đông đang tác động sâu sắc, thì nhiều vấn đề khác còn nan giải, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, nguy cơ suy thoái kinh tế, động lực tăng trưởng mất, và lạm phát nghiêm trọng ở nhiều nơi. APEC 2023 dù không hoàn toàn gặt hái đồng thuận, nhưng được đánh giá đóng vai trò lớn trong kết nối các quốc gia, để bắt tay giải quyết những lo ngại chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm nhấn từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO