Ẩn số cuộc gặp Trump - Putin

LÊ PHAN| 14/07/2018 06:00

Ngày 16/7 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan. Cộng đồng quốc tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng đang chú ý vào hội nghị thượng đỉnh này và dự báo những tác động từ đây.

Vladimir Putin và Donald Trump tại APEC 2017

Tổng thống Vladimir Putin và tổng thống Donald Trump tại APEC 2017

Vấn đề Syria và Ukraina có thể là chủ đề chính trong cuộc gặp lần này, bên cạnh việc đánh giá tình trạng hiện tại cũng như triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian tới. Ông Trump sẽ tái khẳng định muốn Nga gia nhập trở lại G7.

Được biết quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi sau cuộc khủng hoảng Ukraina và càng trở nên trầm trọng với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như cuộc chiến tại Syria. Nhiều đòn trừng phạt kinh tế và ngoại giao đã được Mỹ thực hiện chống lại Nga từ đầu năm 2018, gần nhất là việc hai nước liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao sau cáo buộc Nga liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.

Lần gần nhất Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau là tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11/2017 khi hai nhà lãnh đạo cùng dự Hội nghị cấp cao APEC.  Trước khi gặp Putin, Trump dự định lên đường đi châu Âu vào thứ ba tuần này và sẽ có cuộc gặp với các đồng minh NATO ở Brussels, Bỉ và sau đó công du Vương quốc Anh. 

Hiện tại, một số quan chức NATO đang bày tỏ quan ngại việc các nước thành viên của khối có thể bị gạt ra khỏi kế hoạch dự kiến của thượng đỉnh Trump - Putin, nhất là gần đây quan hệ giữa ông Trump với các đồng minh trở nên xói mòn.

NATO cũng lo ngại ông chủ Nhà Trắng có thể đồng ý nhượng bộ một số vấn đề trong cuộc gặp sắp tới với ông Putin, chẳng hạn như công nhận bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ Nga.

Link bài viết

Tuy nhiên, không chỉ riêng phương Tây lo lắng, một cường quốc thế giới là Trung Quốc cũng đang lo ngại về cuộc gặp lần này. Trong tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, rõ ràng cuộc gặp giữa Putin và Trump có thể dẫn tới việc Nga và Mỹ xích lại gần nhau hơn và khiến Trung Quốc có thể càng bị cô lập.

Cần lưu ý rằng trong những năm vừa qua, trước việc Mỹ cấm vận Nga đồng thời phản ứng mạnh các hành động quân sự leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, thì Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn và tăng cường thắt chặt mối quan hệ thông qua hàng loạt hợp tác chiến lược để đối trọng với sức mạnh của Mỹ. Mỹ đã phải lâm vào tình trạng lưỡng đầu thọ địch với hai cường quốc Nga, Trung trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, nếu như Trump có thể cải thiện được mối quan hệ với Nga thì Trung Quốc càng có thể đối mặt với nhiều sức ép hơn. Đặc biệt là khi có một số thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc đã lôi kéo Liên minh Châu Âu (EU) liên kết để chống lại cuộc chiến thương mại mà chính quyền Trump đã chủ động gây ra, tuy nhiên EU đã từ chối hợp tác với Trung Quốc chống lại đồng minh lâu đời của mình.

Và nếu cuộc gặp với Nga thành công, Mỹ có thể gia tăng các biện pháp chiến tranh thương mại và thậm chí là chiến tranh tiền tệ để chống lại Trung Quốc, như tuyên bố đầy đe dọa của ông Trump gần đây.

Theo một số nhà phân tích, chiến tranh thương mại được xem là vũ khí để thúc ép Trung Quốc sớm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cần lưu ý rằng dường như sau cuộc họp với Bắc Triều Tiên, Mỹ đã gia tăng căng thẳng với Trung Quốc bằng các chiêu bài xung đột thương mại.

Có lẽ cuộc họp đã không đạt được như kỳ vọng của nước này, khi mà kết quả mang tính đột phá từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều bị truyền thông Mỹ rêu rao là thể hiện sự bất lực của Tổng thống Trump trước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Trong khi đó, gần đây Triều Tiên lại lên tiếng chỉ trích Mỹ tráo trở. Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng đưa ra như sau: "Phía Mỹ chỉ tới đây với yêu cầu phi hạt nhân hóa đơn phương".

Quan chức ngoại giao Triều Tiên còn cáo buộc Mỹ phản bội tinh thần hội nghị thượng đỉnh tháng trước giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un và lấy làm tiếc về thái độ của Washington, khiến quyết tâm từ bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể bị lung lay.

Link bài viết

Giới quan sát quốc tế vẫn bày tỏ hy vọng, thượng đỉnh Trump - Putin có thể là bước khởi đầu tích cực hướng tới việc giảm nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa hai nước, giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Syria và Ukraina, ngăn chặn NATO tiến hành các cuộc tập trận sát sườn với Nga và cứu vãn quan hệ ngoại giao đang bị tổn hại nghiêm trọng giữa hai nước.

Nếu đạt được kết quả tốt như vậy, thị trường tài chính sẽ giảm bớt một số rủi ro địa - chính trị từ việc căng thẳng giữa hai cường quốc này. Trong khi đó, nếu Mỹ có thế kéo Nga xích lại gần hơn, thì Trung Quốc có nguy cơ càng bị cô lập như đã nói và có thể hứng chịu thêm những hành động mạnh mẽ về thương mại của chính quyền Trump. Ngược lại nếu cuộc gặp kết thúc không như kỳ vọng, rủi ro của nền kinh tế cũng tăng lên khì mà Nga sẽ tăng cường liên kết với Trung Quốc để đối đầu với Mỹ.

Trong tình hình bất ổn gia tăng, các thị trường tài chính toàn cầu có thể chịu nhiều áp lực hơn, theo đó những tài sản có tính chất an toàn như vàng, trái phiếu Mỹ hay đồng yên có thể lại trở thành nơi trú ẩn an toàn, trong khi các tài sản có tính rủi ro cao và nhạy cảm với những biến động chính trị như chứng khoán sẽ có thêm lý do để đi xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ẩn số cuộc gặp Trump - Putin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO