![]() |
Trong 15 năm tới, Ấn Độ sẽ có số người tham gia trực tuyến nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Vì thế, thị trường 1,25 tỷ dân này đang đón đợi sự bùng nổ từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Theo The Economist, năm ngoái, doanh thu từ TMĐT của nước này đạt khoảng 16 tỷ USD và theo dự báo của Morgan Stanley, thị trường bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ có thể tăng lên gấp 7 lần vào năm 2020. Tốc độ phát triển TMĐT của Ấn Độ nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác đã thu hút các nhà đầu tư lớn nhất của thế giới trong lĩnh vực này.
Người khổng lồ trực tuyến của Mỹ là Amazon đặt tham vọng sẽ biến Ấn Độ trở thành thị trường bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian này, Amazon chỉ chiếm 12% thị trường Ấn Độ, đứng sau các đối thủ bản địa như Flipkart (45%) và Snapdeal (26%). Flipkart cho phép cạnh tranh giữa người bán trên nền tảng TMĐT của mình, còn Snapdeal đang đầu tư vào Công ty logistics Gojavas nhằm hỗ trợ khâu giao hàng cuối.
Ấn Độ hy vọng có thị trường TMĐT bùng nổ như Trung Quốc. Trung Quốc có thị trường TMĐT tăng gần 600% giữa năm 2010 và năm 2014, đưa nước này trở thành thị trường TMĐT lớn nhất thế giới hiện nay. Đáng chú ý là thị trường khổng lồ này nằm trong tay các công ty bản địa, đáng kể nhất là Alibaba, thành lập bởi Jack Ma vào năm 1999, hiện trị giá 184 tỷ USD. TMĐT Ấn Độ gặp nhiều khó khăn hơn so với Trung Quốc khi dân số ít hơn và cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà triển vọng TMĐT của Ấn Độ giảm sút. Thu nhập bình quân của Ấn Độ trong năm 2014 là 1.570 USD và dự báo có thể là gấp đôi vào năm 2025. Hai phần ba dân số Ấn Độ dưới 35 tuổi. Theo Goldman Sachs, trong tháng 12/2014, smartphone chiếm 1/5 số điện thoại di động bán tại Ấn Độ, chỉ 6 tháng sau, con số này là 1/4. Morgan Stanley dự đoán thâm nhập internet tăng từ 32% năm 2015 lên 59% vào năm 2020. Đến năm 2030, Ấn Độ được dự báo là một thị trường kỹ thuật số của một tỷ người.
![]() |
Triển vọng của thị trường Ấn Độ đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư. Naspers, một công ty Nam Phi hậu thuẫn hai doanh nghiệp JD.com và Tencent, cho biết, sẽ tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia có dân số lớn, tỷ lệ sử dụng smartphone cao như Ấn Độ. Thực tế, Naspers sở hữu 17% cổ phần trong Flipkart.
SoftBank của Nhật Bản, một nhà đầu tư lớn trong Alibaba, đã đầu tư vào Snapdeal kể từ năm 2013. Ant Financial của Alibaba sở hữu 20% cổ phần trong Paytm của Ấn Độ, bắt đầu là một công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử và bây giờ cạnh tranh với Snapdeal và Flipkart như một thị trường trực tuyến. Ba công ty TMĐT của Ấn Độ có giá trị tổng hợp gần 25 tỷ USD. Hãng môi giới Nomura dự báo bán lẻ trực tuyến tại quốc gia này sẽ tăng 11 lần, lên 23 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
Amazon đầu tư 2 tỷ USD để mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ. Amazon không trực tiếp bán sản phẩm tới tay khách hàng vì luật Ấn Độ cấm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các công ty bán lẻ đa thương hiệu. Để hạn chế luật cấm này, Amazon cho phép các thương nhân sử dụng website, cơ sở lưu trữ và mạng lưới logistic của mình để bán và giao sản phẩm. Amazon kiếm tiền từ việc thu phí các nhà bán lẻ sử dụng dịch vụ này. Mới đây, Amazon còn cung cấp dịch vụ đào tạo, nhiếp ảnh và nhiều dịch vụ khác để hỗ trợ các chủ tiệm hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, trước làn sóng đầu tư này, Chính phủ Ấn Độ có thể chịu áp lực bảo hộ để bảo vệ thị trường bán lẻ trong nước. Các nhà bán lẻ truyền thống cáo buộc thị trường bán lẻ trực tuyến đã bỏ qua nhiều quy định đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thậm chí, dư luận Ấn Độ còn đang tranh cãi sôi nổi về rủi ro của "chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số”. Vì thế, trong một động thái bất ngờ, Reliance Industries, một tập đoàn thương mại của Ấn Độ với hơn 1 triệu m2 sàn cửa hàng, đang có kế hoạch xây dựng hệ thống TMĐT.
>Ảnh hưởng của thương mại điện tử
>Thương mại điện tử: Khoảnh khắc tôi-muốn-mua