10 “thiên nga xám” làm chao đảo nền kinh tế thế giới

TĂNG KHÁNH| 18/12/2016 09:26

Tổ chức nghiên cứu Nomura chỉ ra 10 sự kiện mà nếu xảy ra trong năm 2017 sẽ tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế thế giới, gây ra sự xáo trộn, chao đảo toàn cầu.

10 “thiên nga xám” làm chao đảo nền kinh tế thế giới

Khái niệm “thiên nga đen” đã rất nổi tiếng, được phổ biến bởi giáo sư tài chính Nassim Nicholas Taleb, chỉ những việc con người không bao giờ tin nó có thể xảy ra cho đến khi nó thực sự xảy ra và để lại hậu quả nghiêm trọng. 

Theo GS. Taleb, con người rất thường xuyên không lường trước được một điều gì đó, là vì chúng ta chỉ tập trung tìm hiểu những điều mình biết và lãng quên những điều không biết, có xu hướng xem những điều mình không biết là kỳ dị, vô lý. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì mình hiểu rõ, được ví von như những "thiên nga trắng", bỏ qua những dấu hiệu, được ví von như "thiên nga xám", và hoàn toàn bất ngờ, không thể ứng phó với sự kiện bất ngờ khi nó xảy ra - những "thiên nga đen". 

Tổ chức nghiên cứu Nomura đã chỉ ra 10 "thiên nga xám" của kinh tế trong năm 2017. Đây là những sự kiện rất khó xảy ra nhưng sẽ để lại cú sốc mạnh toàn cầu nếu nó thành hiện thực, bởi nó nằm ngoài mọi sự tính toán, kinh nghiệm, các kịch bản vạch sẵn của cộng đồng chuyên gia phân tích.

1/ Năng suất của kinh tế Mỹ có thể bùng nổ

Các nhà phân tích Nomura cho rằng năng suất toàn cầu đã ở trong tình trạng ảm đạm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và tiếp tục được dự đoán sẽ tiếp tục thấp trong nhiều năm tiếp theo. Thế nhưng, năng suất của kinh tế Mỹ từng tăng gấp đôi vào những thập niên 1990 - thời kỳ bùng nổ công nghệ. 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ còn 4,9-5%, mức thấp nhất kể từ năm 2007 - thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Mỗi tháng tại Mỹ có 190.000 việc làm mới được tạo ra. Mặc cho những con số lạc quan cùng nhiều chính sách kích thích kinh tế của chính phủ, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức kỳ vọng. Mức tăng trưởng quý I và II năm 2016 lần lượt là 0,5% và 1,2% so với mức kỳ vọng là 2,5%. Nguyên nhân được xác định là do năng suất lao động thấp. 

Nomuara cho biết, giới chức FED có thể tăng đầu tư vào các tài sản trí tuệ và nghiên cứu phát triển nếu họ cho rằng chính sách tài khóa của Tổng thống đắc cử Trump nên nhắm vào việc tăng năng suất. Và nếu lịch sử tăng vọt năng suất được lặp lại như những năm 1990, lãi suất sẽ tăng nhanh hơn, thúc đẩy thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn.

2/ Trung Quốc thả nổi đồng tiền của chính mình

Nomura nói rằng kịch bản Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ là rất khó xảy ra. Thế nhưng họ cũng nói thêm, nếu Trung Quốc đột ngột xóa bỏ 2% biên độ giao dịch và ngừng can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá nhanh chóng.

“Nếu đồng nhân dân tệ sụt giá sẽ dẫn đến bán tháo trên thị trường địa phương và tình trạng này sẽ lây lan tiêu cực ra thị trường khu vực lẫn toàn cầu”, Nomura cho biết. Tổ chức này cảnh báo các nhà đầu tư cần cẩn trọng với sự sụt giá của đồng nhân dân tệ.

3/ Anh tái gia nhập EU

“Để đảo ngược tình trạng Brexit và đưa nước Anh trở lại EU đòi hỏi một loạt sự kiện bất ngờ, mà hầu hết chúng đều bị phản đối kịch liệt”, Nomura nhận định, “Tuy nhiên, với chính trị, không có bất cứ thứ gì có thể loại trừ”.

Có hai khả năng có thể xảy ra. Một là, nước Anh tự tháo bỏ việc Brexit thông qua một cuộc bỏ phiếu, hy vọng có thể mang đến một kết quả khác. Hai là, EU sẽ đứng ra thay đổi kết quả Brexit, bằng cách đồng ý với rất nhiều cải cách mà Anh yêu cầu, ví dụ như vấn đề nhập cư.

4/ Lạm phát Nhật Bản có thể tăng

Các kênh có thể cho phép lạm phát Nhật Bản nhảy vọt là sự tương quan giữa USD/yen với giá dầu. Gần đây, đồng yen đã lao dốc do giá dầu giảm sút. Nhưng nếu sự tương quan đó yếu đi hay bị phá vỡ sẽ khiến lạm phát Nhật Bản mạnh lên. Và nếu lạm phát của Nhật tăng cao trong một thời gian dài hay tăng không ổn định, các ngân hàng trung ương sẽ cần xem xét các chiến lược từ bỏ chương trình nới lỏng định lượng.

5/ FED điều chỉnh nhiệm vụ

Nomura lưu ý rằng, một số nhà đầu tư xem sự phản đối kịch liệt của ông Trump đối với FED như một cuộc tấn công ngầm vào sự độc lập của tổ chức này và có khả năng dẫn tới sự can thiệp của chính quyền.

Tuy sẽ khó có một sự thay đổi lớn nào khi bà Janet Yellen - Chủ tịch FED ngụ ý rằng bà sẽ tại chức đến hết nhiệm kỳ, nhưng vẫn tồn tại một khả năng sẽ xảy thay đổi cơ bản như điều chỉnh nhiệm vụ của FED, chẳng hạn như thay đổi chính sách lạm phát mục tiêu, đồng thời chính sách lãi suất cao hơn có thể được áp dụng.

6/ Nga thể hiện sức mạnh của mình

Nguy cơ Nga tham chiến sâu hơn ở Đông Âu là một trong những rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế thế giới năm 2017. Dù một cuộc xâm lược thực sự đến Ukraine, Ba Lan… khó có thể xảy ra, nhưng những động thái của Nga có thể dẫn đến những cuộc trừng phạt kinh tế, chính sách đối ngoại của Mỹ đến các nhà lãnh đạo sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

7/ Cơ quan thanh toán bù trừ sụp đổ

“Đó là một giả định từ năm 2008 rằng thanh toán bù trừ các hợp đồng tài chính thông qua đối tác bù trừ trung tâm (CCP) thay vì song phương giữa các ngân hàng (OTC) sẽ làm giảm rủi ro hệ thống”, Nomura lưu ý, “Nghĩa là nếu tất cả ngân hàng đều thỏa thuận thông qua CCP thì khi một ngân hàng phá sản, các ngân hàng khác vẫn sẽ được bù trừ thông qua CCP”.

Tuy nhiên, cơ quan phân tích này cũng chỉ ra rủi ro khi thỏa thuận bù trừ tồn tại một khuyết điểm lớn, đó là chính CCP có thể trở thành một rủi ro hệ thống. Noruma cảnh báo: “Nếu CCP sụp đổ, hậu quả sẽ khủng khiếp hơn cả việc phá sản của một hay hai ngân hàng lớn”.

8/ Quyền lực Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giảm sút

Thực trạng ở Nhật Bản là Đảng của ông Abe vẫn giành được sự ủng hộ của người dân và phe đối lập hầu như không có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Điều đó có nghĩa là việc quyền lực của ông Shinzo Abe giảm sút là một điều khó xảy ra, nhưng nếu có xảy ra sẽ dẫn đến một cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Nomura cho biết, một rủi ro khắc nghiệt nhất là ông Abe suy yếu quyền lực và phải từ chức ngay lập tức. Nếu “thiên nga xám” này xuất hiện sẽ gây ra ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán Nhật, Abenomics thất bại. Ngoài ra, nếu Nhật Bản có một chính quyền mới sẽ làm mất sự ổn định hiện có, làm tăng thêm bất ổn chính trị, gây biến động toàn cầu.

9/ Thị trường mới nổi kiểm soát vốn trở lại

Nếu các chính sách của Trump nâng cao lợi suất trái phiếu của Mỹ, làm đồng USD mạnh hơn sẽ dẫn đến việc thị trường mới nổi bị rút vốn nặng nề. Nomura cho biết các quốc gia có lượng vốn đầu tư từ nước ngoài cao, có tiền tệ biến động mạnh, lãi suất thấp và dự trữ ngoại hối thấp sẽ gặp nguy cơ kiểm soát vốn cao nhất.

10/ Tiền giấy biến mất

Chúng ta đang ở thời điểm mà các đồng tiền điện tử và hệ thống thanh toán điện tử có thể thay thế tiền mặt. Thực tế, Thụy Điển nhiều năm nghiên cứu và phát triển hệ thống tiền kỹ thuật số, giảm 40% lưu hành tiền tệ kể từ năm 2009.

Ở các thị trường phát triển như Nhật và châu Âu, chính phủ áp dụng lãi suất âm sẽ đẩy mạnh xu thế này. Khi người dân phải trả phí cho khoản tiền gửi, họ sẽ có xu hương rút tiền mặt và giấu dưới gối nhà mình. Tuy nhiên, với chính sách tiền gửi điện tử, người dân sẽ nhanh chóng chuyển sang sử dụng “túi tiền điện tử” và làm biến mất tiền mặt khỏi hệ thống lưu hành.

>>Tổng thống Trump, kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 “thiên nga xám” làm chao đảo nền kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO