Buổi họp đầu tiên trong ngày mà Jeff Bezos lên kế hoạch với nhân viên là lúc 10h sáng |
Theo CEO Genome Project của ghSmart, một cuộc nghiên cứu 10 năm trên 17.000 nhà điều hành cấp cao và hơn 2.000 CEO ở mọi quy mô và lĩnh vực, chỉ có 7% nhà lãnh đạo vào một trường học danh tiếng, 8% không hề tốt nghiệp trường đại học nào cả. Nhiều CEO đi lên từ 2 bàn tay trắng và một số là người nhập cư. Nhưng dù con đường sự nghiệp của họ có xuất phát điểm như thế nào, những nhà lãnh đạo đều sở hữu một đặc tính chung. Đó là tính độc nhất vô nhị.
Đặc biệt, mỗi một nhà lãnh đạo cực kỳ thành công đều có chút lập dị hoặc duy trì một số thói quen khó bỏ nào đó. Như Jeff Bezos - ông chủ Amazon, dùng cửa làm bàn làm việc hay Elon Musk của Tesla lấy sàn nhà làm giường. Có những thói quen vô hại, nhưng có những thói quen khiến cho nhân viên cấp dưới “chật vật”, thậm chí gây hại về lâu dài cho doanh nghiệp.
Tim Cook - CEO của Hãng công nghệ Apple, luôn có thói quen dậy sớm vào lúc 3h45 vào mỗi buổi sáng để xử lý email. Và tất nhiên dàn nhân viên dưới trướng của ông cũng không thể ngủ ngon vì iPhone của họ thường hay rung lên vào lúc 4h sáng. Một số nhân viên cấp dưới có thể có đủ “can đảm” phớt lờ mà ngủ tiếp, nhưng nhiều người sẽ cố gắng mở mắt, xua tan cơn buồn ngủ để trả lời email của vị CEO quyền lực này. Thói quen dậy sớm của Cook rõ ràng gây không ít “sức ép” lên nhân viên cấp dưới.
Jeff Bezos trong một cuộc họp gần đây tiết lộ ông thích “tà tà” vào mỗi buổi sáng, đọc báo, uống cà phê và dùng điểm tâm với con cái. Buổi họp đầu tiên trong ngày mà ông lên kế hoạch với nhân viên là lúc 10h sáng. Lịch làm việc này nghe có vẻ rất thong thả cho tất cả nhân viên. Nhưng giờ đó lại không tiện cho các nhân viên ở nhiều kho hàng. Tại các kho hàng của Amazon ở Anh Quốc chẳng hạn, 2 ca có thể là 7h sáng - 5h30 chiều hoặc 5h45 chiều - 4h15 sáng, theo công đoàn GMB. Cả hai khung giờ này đều khó mà sắp xếp giờ giấc để ăn sáng với con cái.
Richard Branson - nhà sáng lập Virgin Group, gần đây cũng tuyên bố rằng: “Hầu như không có gì khiến tôi cảm thấy phiền lòng trong cuộc sống, nhưng việc mọi người cứ đến trễ thực sự khiến tôi bực bội”. Nói đi cũng phải nói lại. Những nhân viên mệt mỏi thường đi làm bằng tàu của Virgin ngay sau đó lên mạng than phiền rằng họ rất muốn đến đúng giờ nhưng thực tế là cứ 5 chuyến tàu thì có tới một chuyến bị trễ trong 12 tháng qua.
Hơn nữa, cũng khó đúng giờ nếu bạn phải lo đưa con đến trường hay tình trạng “lúc này lúc khác” của các phương tiện công cộng.
Các nhà lãnh đạo cấp cao đều được bao quanh bởi những người mà công việc của họ là hỗ trợ các nhà điều hành, từ những trợ lý điều hành và các tài xế riêng tại công sở cho đến những người được thuê làm công việc dọn dẹp vệ sinh hay nấu nướng ở nhà. Những người chạy theo hỗ trợ cho các CEO cũng là những người làm cha làm mẹ. Vì có con cái phải chăm sóc và cũng phải đảm bảo là một nhân viên cần mẫn đáp ứng nhu cầu của các CEO nên nhiều khi, họ không có thời gian cho những thú vui riêng như tập gym, chơi golf... Một nhà quản lý cấp trung được trả lương hậu hĩnh có thể thích đi tập gym, nhưng rồi họ thấy rằng cứ mỗi lúc họ lên máy tập thì lại nhận được một cuộc gọi hoặc email từ sếp.
Nhân viên dưới trướng Tim Cook không thể ngủ ngon vì iPhone của họ thường hay rung lên vào lúc 4h sáng |
Tim Cook có lẽ vẫn làm việc hiệu quả nếu ông thức dậy lúc 6h45 sáng thay vì 3h45. Bởi lẽ, nếu làm việc nhiều giờ là chìa khóa dẫn đến thành công thì những người làm một lúc 2 công việc hoặc các y tá làm ca đêm trong phòng cấp cứu sẽ rất giàu rồi. Tổng thống thứ 40 của Mỹ Ronald Reagan từng nói đùa rằng: “Tôi nghe người ta nói rằng chẳng ai chết vì làm việc chăm chỉ cả. Nhưng theo tôi, tại sao cứ phải làm việc chăm chỉ?”.
Một số thói quen của nhà lãnh đạo có thể vô hại, như sở thích của Steve Jobs - cố CEO của Apple và Mark Zuckerberg của Facebook là mặc cùng loại quần áo mỗi ngày. Nhưng mối nguy là tính lập dị và quan điểm của một nhà lãnh đạo trở nên quá khắc sâu, bén rễ vào văn hóa doanh nghiệp đến nỗi chúng gây hại cho doanh nghiệp trong dài hạn. Henry Ford - nhà sáng lập hãng xe Ford, người đã đạt được thành công vang dội với mẫu xe Model T nhưng đã thất bại trong việc thay đổi khi nó trở nên lỗi thời. Hay việc ông không thích cho... mua chịu đã kìm hãm Ford khi các nhà sản xuất ô tô khác cho phép người tiêu dùng mua trả góp.
Gerald Ratner - cựu Tổng giám đốc tập đoàn trang sức lớn của Anh Ratners Group (giờ là Signet Group), một diễn giả nổi tiếng - rất thích nói chuyện thẳng thắn, bộc trực. Nhưng lối nói chuyện này khiến ông bị “hố” khi mô tả các sản phẩm của chuỗi thương hiệu trang sức công ty ông là “rác rưởi”.
Các sở thích cũng có thể là mầm mống gây họa. Khi Bear Stearns - một ngân hàng đầu tư của Mỹ, đang rơi vào tình thế dầu sôi lửa bỏng do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Jimmy Cayne - CEO của ngân hàng này, lại đang bận chơi bài Bridge tại Nashville (bang Tennessee, Mỹ) và vì thế, không thể liên lạc được qua email hay điện thoại. Đáng nói, Cayne là người đã từng lèo lái Bear Stearns qua nhiều năm tháng thăng trầm của ngành tài chính Mỹ. Chỉ vì mê Bridge mà ông lại lãng quên nhiệm vụ. Kết cục là Bear Stearns đã không có một cơ may nào thoát hiểm. Tháng 3/2008, Ngân hàng đã đệ đơn phá sản và sau đó được bán cho JPMorgan Chase.
(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)