Thiếu những vở diễn mang tính thời sự

Khánh Bình| 27/10/2022 00:00

Sân khấu TP.HCM cũng như sân khấu cả nước hiện nay đang thiếu những vở diễn mà kịch bản mang tính thời sự, đề cập đến những vấn đề xã hội nóng mà đông đảo người dân quan tâm.

Nỗ lực của các sàn diễn 

Sau thời gian hoạt động cầm chừng để phòng, chống dịch Covid-19 rồi dần thích nghi với “bình thường mới”, các sàn diễn ở TP.HCM đang bận rộn cho mùa diễn cuối năm và một số liên hoan sân khấu. Thời điểm này, sau khi đưa sàn kịch vào “chế độ” diễn theo mùa, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã đón nhận sự ủng hộ của nhiều khán giả với vở Mùi của hạnh phúc nói về những khó khăn trước khi rời ghế đại học, giới trẻ đã đối mặt nhiều thử thách để giữ được tình yêu. Cùng với loạt vở cũ vẫn được tái diễn như Người lạ người thương rồi người dưng, Mưu tú bà, Lẩu trăn, Ngôi nhà không có đàn ông, Cái đẹp đè bẹp cái nết, Sân khấu kịch Idecaf có thêm vở nhạc kịch Alo lộ hàng với nội dung vén bức màn showbiz với không ít ngôi sao có thể biến mình thành những kẻ sống ảo, kẻ lừa bịp. Vở kịch nói Bật công tắclà yêu của Sân khấu Sài Gòn phẳng lý giải những câu hỏi: Liệu con người có thể đánh đổi tình yêu và tuổi thanh xuân vì đồng tiền? Hạnh phúc đó có bền bỉ, sự lừa dối đó có thật sự là mầm hạnh phúc?... 

Sân khấu Nhà hát kịch 5B, Sân khấu kịch Hồng Vân, Thế Giới Trẻ có các vở cũ như Bồ công anh, Thật và ảo, Diều ơi, Tía ơi con lấy chồng, Trời trao của lạ, Tình lá diêu bông, Người vợ ma, Kỳ án 292, Huyết oán, Chuyện tình Bangkok, Họa hồn, Tình kỹ nữ xoay quanh đề tài về tình yêu, hôn nhân, giới trẻ, lối sống đô thị... vẫn luân phiên phục vụ khán giả vào các ngày cuối tuần. 

Sau khi tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V-2022, vở kịch mới Câu hát tìm nhau kể về chuyện tình của đôi thanh niên trẻ vì hoàn cảnh trớ trêu đành ly biệt nhưng vẫn đau đáu về quá khứ vừa có hai suất diễn đầu tiên tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM; vở cải lương Vương quyền xoay quanh vụ án Tống Thị Quyên và một số nhân vật nắm giữ vận mệnh triều Nguyễn thời vua Minh Mạng dự kiến tái diễn vào cuối tháng 10; vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo cũng sẽ tái diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vào ngày 29/10. Để chuẩn bị tham dự Liên hoan Cải lương Toàn quốc tại Long An vào tháng 11 tới, có vở Chân dung người mở cõi kể về Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam để bình định Chân Lạp vừa công diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đang dựng vở Câu hò đất mẹ khai thác những lát cắt về cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai; Ngược gió được chuyển thể từ vở kịch nói cùng tên nhằm tạo cơ hội cho các diễn viên trẻ thể hiện và phát huy năng lực. Câu lạc bộ Sân khấu Tài năng Trẻ (Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) dựng vở Người đưa đò và Sân khấu Gia Bảo có Dạ cổ hoài lang chuyển thể kịch bản cải lương với một số sáng tạo mới cho phù hợp tâm lý xã hội hiện nay. 

Thiếu tính đột phá 

Trong khi các sân khấu kịch nói ở TP.HCM chủ yếu khai thác đề tài tâm lý xã hội thì sân khấu cải lương chọn đề tài lịch sử, dã sử. Tuy nhiên, những người trong giới thừa nhận sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản có tính đột phá và dự báo, nhất là kịch bản đụng chạm đến những vấn đề nóng. Các sàn diễn tại TP.HCM có khá nhiều kịch bản về đề tài lịch sử mà thiếu vở diễn mang sức sống của xã hội đương thời.

Những vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ có sức sống cho tới tận ngày hôm nay là bởi nóng hổi tính thời sự. Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng, sân khấu có sứ mệnh to lớn của một loại hình nghệ thuật mang tính tiên phong, vừa dự báo, vừa định hướng đời sống xã hội. Hiện nay, có nhiều vấn đề xã hội đang chờ đợi, mong mỏi tác giả kịch bản và đạo diễn sân khấu quan tâm tới. Nhìn sang lĩnh vực phim truyền hình, gần đây có Đấu trí nói về đại án như vụ Việt Á, nhưng ở lĩnh vực sân khấu thì chưa được khai thác.   

Trong khuôn khổ trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022 tại thành phố Phan Thiết do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vào tháng 6/2022, vấn đề không hiếm đề tài nhưng vẫn thiếu kịch bản hay đã được đưa ra thảo luận. Theo tác giả Đăng Minh thì kịch bản hay là phải nói lên được vấn đề nhiều người quan tâm, bức xúc trong xã hội về văn hóa, kinh tế, chính trị, đạo đức, tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mua bán bằng cấp... Tuy vậy, tác giả cũng cho biết có những kịch bản viết về các vấn đề này nhưng không có nơi nhận để dàn dựng vì ngại đụng chạm. Tác giả Vương Huyền Cơ nói thêm, kịch bản về những vấn đề “nhạy cảm” như chống tiêu cực, tham nhũng nếu viết không tới thì rất khó nhận được sự đồng ý của các đơn vị nghệ thuật.

Theo đạo diễn Ngọc Hùng thì một suất diễn trung bình có 300 khán giả. Với dân số TP.HCM (gần 10 triệu người) thì con số đó quá ít ỏi. Nghĩa là tiềm năng để phát triển và mở rộng sân khấu ở TP.HCM còn rất lớn. Rõ ràng, sân khấu cả nước và sân khấu TP.HCM cần quyết liệt đổi mới ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản, vì “có bột mới gột nên hồ” thì mới có thể giải quyết việc thưa vắng khán giả từ nhiều năm nay. Tất nhiên để làm được điều này cần có sự nỗ lực bền bỉ của các sân khấu, đồng thời cả sự hỗ trợ, giúp sức từ cơ quan quản lý và công chúng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu những vở diễn mang tính thời sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO